Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”
Thứ tư, 26 Tháng 5 2021 14:58
1829 Lượt xem

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”

(LLCT) - Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021) và 80 năm Ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam(28/01/1941 - 28/01/2021), sáng 26/5/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Cao Bằng long trọng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối giữa điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các điểm cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng, cùng 5 học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

 

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VOV

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội, có các đồng chí đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và Thành phố Hà Nội cùng các đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học. Tại điểm cầu của các địa phương có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các ban, sở, ngành.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ươngnêu rõ: Cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏnggiải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến,ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Gần 30 năm từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc,Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền vớichủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin; đã trở thành một chiến sỹ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.” Với lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người, để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân dịp này, một lần nữa chúng ta lại cùng nhau làm sáng tỏ thêm hành trình và khát vọng độc lập dân tộc vĩ đại của Người, nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bất hủ trong di sản to lớn mà Người để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta và cả nhân loại tiến bộ.

Phát biểu tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên xúc động nhắc lại sự kiện cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, với ý chí, nghị lực mãnh liệt và tình yêu thương dân tộc sâu sắc. Người quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình vĩ đại ấy kéo dài suốt 30 năm, đi qua 4 châu lục với gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.

Thành phố Hồ Chí Minhrất đỗi tự hào là nơi in đậm dấu chân của Người trước khi lên tàu rời Tổ quốc, nơi đánh dấu sự chín muồi về nhận thức và hành động để Người quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Đó là đến các nước phương Tây tìm đường cứu nước, mặc dù Người chỉ sống ở Sài Gòn chưa đầy 4 tháng.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhluôn mang trong mình niềm vinh dự, tự hào và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhđã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng và Bác Hồ, cùng với miền Nam thành đồng “đi trước về sau”, đấu tranh bền bỉ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

45 năm sau ngày Thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố Hồ Chí Minhđã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển.

Với sự trân quý, ghi ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với dân tộc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minhlần thứ XI đã xác định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minhthành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của Thành phố mang tên Bác”. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, Chính quyền và mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minhtrong việc học tập và làm theo gương Bác Hồ.

Sự nghiệp cách mạng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu từ cuộc hành trình vĩ đại để thực hiện khát vọng khi ra đi tìm đường cứu nước, nhiều lúc chỉ một mình vượt qua bao thử thách, cho đến những ngày đầu năm 1946, khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Người mới chính thức nói lên niềm mong muốn, ham muốn tột bậc của mình. Đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Và Người cũng từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, chúng ta - những thế hệ nối tiếp phải có bổn phận ra sức học tập, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện trên nhiều góc độ để đánh giá hết tầm vóc, giá trị và thực hiện khát vọng ấy của Người. Hội thảo lần này không chỉ để tôn vinh công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, dân tộc mà hơn thế nữa là học tập, noi gương, làm theo gương của Người, để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. 

Với gần 60 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; những hoạt động và cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên hành trình thực hiện khát vọng này. Người là tượng trưng cho tinh hoa, khí phách và tâm hồn con người Việt Nam, cho khát vọng giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng kiệt xuất cho những khát vọng cao đẹp của nhân loại và tấm gương cổ vũ, thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại, được thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Một trong những nội dung quan trọng được nhiều nhà khoa học tập trung đề cập trong các báo cáo, tham luận là sự hình thành ý chí, khát vọng cứu nước, cứu dân và hành trình người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước, mang lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Đó là hoài bão lớn lao, khát vọng cháy bỏng, là “ham muốn tột bậc” trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chứng kiến sự thống trị, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, cảm nhận sâu sắc nỗi thống khổ của nhân dân lao động trong cảnh nước mất nhà tan, đồng thời nhận thấy sự thất bại của những phong trào yêu nước theo các ngọn cờ phong kiến và dân chủ tư sản, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc, với một tư duy mới, tầm nhìn mới, khác các bậc tiền bối. Từ quê nhà đến Huế, Bình Định, Bình Thuận, xuôi về phía Nam, ngày 5-6-1911 lịch sử, Người rời Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, ra đi tìm đường cứu nước, với hướng đi là sang phương Tây - hướng đi mở ra một tương lai đầy tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Mảnh đất Sài Gòn vinh dự là nơi tiễn Người ra đi năm ấy và đã “đi trước về sau”, cùng cả nước kiên trung theo con đường cách mạng của Người, làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội.

Các tham luận khẳng định, với sự nỗ lực tột bậc, ý chí và nghị lực phi thường, với mẫn cảm chính trị đặc biệt, trí tuệ mẫn tiệp và tầm nhìn thời đại, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi - con đường cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử xã hội loài người.

Nhiều tham luận đề cập, luận giải những hoạt động hết sức có ý nghĩa của Hồ Chí Minh trong hành trình 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Người đã hoạt động không ngừng nghỉ, vượt lên những khó khăn, gian khổ trong hành trình cứu nước, quyết tâm thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sau khi xác định con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam, Người đã không ngừng tuyên truyền, vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, qua đó góp phần bổ sung và phát triển kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt làvề thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng và xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Ngày 28-1-1941, Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và chọn Cao Bằng làm nơi nhen lên và lan tỏa ngọn lửa cách mạng trong cả nước. Cao Bằng vinh dự, tự hào được thay mặt đồng bào, nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộcsau 30 năm bôn ba nước ngoàitrở về.Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), do Người chủ trì, Trung ương Đảng đã quyết định “thay đổi chiến lược”, đặt lên trên hết và trước hết nhiệm vụ giải phóng dân tộc, từ đó đưa đến thắng lợi quyết định trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh “rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[1].

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đi sâu phân tích vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau ngày nước nhà giành được độc lập. Trước âm mưu của thực dân Pháp lập lại ách thống trị nhân dân Việt Nam, Người và Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thực hiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp ở miền Bắc và đó là con đường phát triển tất yếu của đất nước, của dân tộc đã được Hồ Chí Minh nêu ra và Đảng ta khẳng định tại Hội nghị thành lập Đảng mùa Xuân năm 1930. Trong những năm này, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Bằng nhiều cách tiếp cận và luận giải khác nhau, các tham luận tập trung phân tích để thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một hệ thống quan điểm hết sức quý giá về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đồng thời nêu cao quyết tâm của dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trước khi qua đời, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử kết tinh những tâm huyết, trí tuệ trong suốt cuộc đời cách mạng phong phú và cao đẹp của Người, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn động viên, thôi thúc toàn dân tộc tiến lên giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhiều tham luận tập trung phân tích Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất là trong công cuộc đổi mới để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với ý chí và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu theo nhịp bước của thời đại, sau 35 năm thực hiện đường lổi mới của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với di sản vô cùng to lớn và quý giá của Người mãi là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường, dẫn dắt dân tộc Việt Nam vững bước trên hành trình thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân tộc ta phải “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”[2]. Sự khẳng định đó của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là sự đúc kết từ lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, là vấn đềmang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không chấp nhận và không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực phấn đấu, tận dụng mọi thuận lợi, thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, của Việt Nam và do chính con người Việt Nam thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng một Việt Nam hùng cường, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đáp ứng ước vọng của toàn dân.

Hội thảo khoa học được tổ chức trong không khí tràn đầy phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân ta vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; đồng thời trong bối cảnh nhân dân cả nước đang nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khẩn trương khống chế đại dịch Covid-19. Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với những hoạt động và cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, mang lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc như ngày nay. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc và giá trị vô cùng to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là về khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Minh Phương - Thu Hồng


[1]Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 15, tr.630.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.33.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền