Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Hồ Tùng Mậu, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, tấm gương đạo đức trong sáng”
Thứ tư, 16 Tháng 6 2021 13:03
1679 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Hồ Tùng Mậu, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, tấm gương đạo đức trong sáng”

(LLCT) - Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 - 15/6/2021), chiều ngày 15/6/2021, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Hồ Tùng Mậu,ngườichiến sĩcộng sản trungkiên, tấmgương đạo đức trong sáng”.

Toàn cảnh Tọa đàm

Chủ trì Tọa đàm PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự Tọa đàm có đồng chí Hồ Anh Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - cháu nội đồng chí Hồ Tùng Mậu; các nhà khoa học của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Lịch sử Đảng…

Đồng chí Hồ Tùng Mậu, tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15-6-1896 tại làngQuỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Với chí lớn và tinh thần yêu nước, năm 1920, đồng chí rời quê nhà ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Năm 1923, đồng chí tham gia thành lập Tâm Tâm xã, một tổ chức yêu nướccủa các thanh niên trí thức Việt Nam tiến bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc - tiền thân của Cộng sản đoàn. Sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, đồng chí trở thành cộng sự đắc lực và tin cậy của Nguyễn Ái Quốc; tích cực tham gia thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925); đồng thời có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Namnăm 1930.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được giao phụ trách Trường Quân chính Chiến khu IV, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu IV, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ… Tại Đại hội II của Đảng (2-1951), đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 23-7-1951, trên đường đi công tác, đồng chí Hồ Tùng Mậu hy sinh do bị máy bay Pháp ném bom tại thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí hy sinh lúc năng lực cống hiến cho cách mạng đang tràn đầy, là sự tổn thất lớn đối với Đảng và nhân dân, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng và quân dân ta.

Phát biểu đề dẫnTọa đàm, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định:55 năm cuộc đời, 31 năm hoạt động cách mạng liên tục đầy gian khổ, hy sinh, trong đó có nhiều năm đấu tranh trong ngục tù đế quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong những người cộng sản tiền bốitiêu biểucủa Đảng; là học trò, cộng sự gần gũi, đắc lực và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Hồ Tùng Mậu được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh,Huân chương Sao Vàng.

Noi gương sáng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Tùng Mậu, tiếp tục sự nghiệp cách mạng cao cả mà đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng bao tấm gương của các bậc tiên liệt đã chiến đấu, hy sinh để tạo dựng, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần yêu nước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển vững mạnh trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, vững bước đi lên CNXH, xây dựng đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

PGS,TS Lê Văn Lợi phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Với 20 tham luận gửi Ban tổ chức và 8 ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã tập trung luận giải, làm sáng rõ tấm gương người cộng sản kiên trung, chiến sĩ quốc tế ưu tú; nhà lãnh đạo tài năng, tận tụy; người học trò, cộng sự đắc lực, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức trong sáng của đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Các tham luận và ý kiến phát biểu đã đi sâu phân tích ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, hình thành chí khí cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu. Truyền thống quê hương văn hiến, “địa linh nhân kiệt”, gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước và cách mạng là nền tảng ban đầu để đồng chí Hồ Tùng Mậu từ một thanh niên có chí khí, hoài bão, đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng,sớm thoát ly đi hoạt động cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Khẳng định đóng góp quan trọng của đồng chí Hồ Tùng Mậu trong việc tham gia thành lập những tổ chức tiền thân của Đảng, như tham gia thành lập Tâm Tâm xã, một tổ chức yêu nước của thanh niên trí thức tiến bộ. Sau đó, tại Quảng Châu, đồng chí đã tích cực giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những hoạt động tích cực của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần quan trọng cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một số tham luận đã khẳng định đồng chí Hồ Tùng Mậu có những đóng góp tích cực trong việc khắc phục sự phân liệt của các tổ chức cộng sản trong nước và tham gia chuẩn bị Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, mốc son lịch sử mở đầu cho những thắng lợi quyết định về sau của cách mạng Việt Nam.

Các tham luận đã làm rõ những hoạt động của đồng chí Hồ Tùng Mậu trong thời gian ở Trung Quốc. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một chiến sĩ quốc tế ưu tú, có nhiều hoạt động quốc tế sôi nổi, góp phần xây dựng, tăng cường mối liên hệ giữa các dân tộc thuộc địa trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng, phát triển quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc. Đồng chí là Ủy viên ngoại giao của Chi hội Việt Nam trong Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông; tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia Công xã Quảng Châu; chắp nối, liên hệ, tìm cách giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở lại Liên Xô, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Nhiều tham luận tập trung phân tích thời gian đồng chí bị giam giữ trong lao tù đế quốc cả trong và ngoài nước. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã bốn lần bị bắt ở Trung Quốc do những hoạt động sôi nổi cho phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế. Năm 1931, đồng chí bị bắt ở Thượng Hải và bị dẫn giải về nước, bị kết án chung thân và giam cầm tại nhiều nhà tù khét tiếng, như miền Trung, như nhà lao Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê (Phú Yên), chịu đựng sự tra tấn dã man và chế độ nhà tù khắc nghiệt, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí là trung tâm đoàn kết các anh em tù chính trị trong các nhà tù, động viên họ tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí Hồ Tùng Mậu nêu một tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường bất khuất, một lòng trung kiên với lý tưởng cách mạng của Đảng.

Các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ hoạt động và cống hiến của đồng chí Hồ Tùng Mậu sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó những trọng trách khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, như: Chính ủy Chiến khu IV, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu IV, Tổng Thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị đầu tiên… trên cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng người lãnh đạo tài năng, tận tụy, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các tham luận tại Tọa đàm đề cập mối quan hệ khăng khít giữa đồng chí Hồ Tùng Mậu và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.Từ khi gặp Người ở Quảng Châu, dưới sự ảnh hưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu đã có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức và quyết định lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn để hy sinh và cống hiến - con đường cách mạng vô sản, theo đuổi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trên chặng đường đấu tranh cách mạng, từ những ngày còn hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), hoạt động trong sự truy sát của kẻ thù, hay cho đến những tháng năm cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo công cuộc xây dựng chế độ mới và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí luôn “đồng cam cộng khổ” với Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh em đồng chí, đồng bào, luôn nhận được sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người gọi là “chú”, coi là “người anh em chí thiết”.

Một nội dung quan trọng được các nhà khoa học đề cập tại Tọa đàm là tấm gương đạo đức sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, liệt sĩ Hồ Tùng Mậu. Đồng chí hy sinh ở độ tuổi còn nhiều khát vọng và năng lượng cống hiến. Các nhà khoa học đã khái quát, tái hiện sinh động về một bản lĩnh, tấm gương ngời sáng của người cộng sản sớm tham gia các hoạt động cách mạngtheo ngọn cờ, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục, trên các cương vị, nhiệm vụ công tác được giao phó, đồng chí đã thể hiện rõ tài năng, trí tuệ và uy tín của một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, góp phần dựng xây nên pho sử vàng của Đảng ta.

Đồng chí là tấm gương tiêu biểu củangười chiến sĩ cộng sản, trọn đời phấn đấu, hy sinh, “tận trung với đất nước, tận hiếu với nhân dân”. Trong nhiều hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt, đồng chí đã nêu cao khí tiết, bản lĩnh của người cộng sản, không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo cho dù kẻ thù tra tấn, tù đày; mang người thânhayquyền cao chức trọng để dụ dỗ, lung lạc, để đồng chí từ bỏ con đường tranh đấu.Hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ, đồng chí nêutấm gương suốt đời trung thành, tận tụy, gương mẫucho các thế hệ cách mạng noi theo.

Minh Phương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền