Trang chủ    Tin tức    Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Đảng
Thứ tư, 01 Tháng 9 2021 09:10
1634 Lượt xem

Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Đảng

(LLCT) - Nhằm tìm kiếm, động viên và tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, góp phần tham mưu, tư vấn có hiệu quả cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách, đồng thời giúp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Học viện nói riêng và cả nước nói chung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị”.

 

Ảnh minh họa: Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải Đặc biệt cho Tập thể Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Sinh thời, khi bàn về vai trò của công tác lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào có lý luận tiên phong hướng dẫn thì Đảng đó mới làm tròn được vai trò là người chiến sĩ tiên phong”, “Lý luận như cái bàn chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế… Lý luận cốt để áp dung vào thực tế”. Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo đó, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Vệt Nam từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu lý luận. Đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu lý luận kinh điển của các nhà văn hóa, nhà cách mạng lỗi lạc của Việt Nam như: Hồ Chí Minh toàn tập (Hồ Chí Minh); Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi (Trường Chinh); Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng (Lê Duẩn); Đảng ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (Phạm Văn Đồng)… được ra đời, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước và tiếp tục phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay.

Hơn 90 năm cầm quyền, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Hướng dẫn về công tác lý luận. Có thể kể đến như: Nghị quyết 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 18/3/2002 về “Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”,Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X (Nghị quyết số 16-NQ/TW) ngày 01/8/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XIvề “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25-4-2015 về “Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước”,Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận”… Tất cả các văn bản này đều thống nhất khẳng định vai trò công tác nghiên cứu lý luận đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay.

Nghị quyết số 37-NQ/TW đã khẳng định: “Công tác lý luận của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tư duy lý luận tiếp tục có bước phát triển; chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. Đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...”.

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhận định trong thời gian tới, công tác nghiên cứu lý luận cần phải “chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (trang 182, tập 1), “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…” (trang 234, tập 2),"Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (Văn kiện Đại hội XIII, tập 2, tr.234 - 235). Tuy nhiên, Văn kiện cũng khẳng định “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ” (trang 90, tập 1). Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải phối hợp nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực để góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận chính trị: “tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như Nghị quyết số 37-NQ/TW đã nêu.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng. Các thế hệ cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Học viện đã có nhiểu đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu lý luận của Đảng, Nhà nước và đã giành được những giải thưởng tiêu biểu như Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2010) của cố GS. Đặng Xuân Kỳ, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn, PGS.TS. Trần Minh Trưởngvới tác phẩm Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”; đạt giải Báo chí quốc gia như: PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Giải C, năm 2012), PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, TS Đinh Thị Xuân Hoài… đạt giải “Bài báo nghiên cứu khoa học” tại Hội báo Xuân toàn quốc các năm 2017, 2018, 2019; đạt Giải A giải Báo chí của Tạp chí Cộng sản năm 2019 như TS. Lê Minh Quân và giải C các năm 2019, 2020 như: PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Văn Giang, PGS.TS Bùi Văn Huyền, PGS.TS Vũ Hoàng Công …

Cùng với các cơ quan nghiên cứu khác trong cả nước, Học viện đã đẩy mạnh triển khai công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận và kiến nghị chính sách, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Với sự chỉ đạo đúng đắn, sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2020 của Học viện đã đạt được nhiều thành tựu mới với 218 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 496 đề tài cấp Bộ, 1.002 đề tài cấp cơ sở, 465 hội thảo khoa học (26 hội thảo quốc tế, 24 hội thảo cấp quốc gia, 77 hội thảo cấp Bộ và 338 hội thảo cấp cơ sở) đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian. Học viện đã chủ động nghiên cứu và chắt lọc kết quả nghiên cứu xây dựng được các báo cáo khuyến nghị về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đóng góp trong việc soạn thảo các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách kịp thời, sát hợp với tình hình diễn biến của thực tế đất nước và trên thế giới; kịp thời đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Ngày 11/3/2021 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” kèm theo Quyết định số 963-QĐ/HVCTQG. Giải thưởng được tổ chức nhằm tìm kiếm, động viên, khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc, tiêu biểu đã có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, góp phần tham mưu, tư vấn có hiệu quả cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời giúp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Học viện nói riêng và cả nước nói chung.

Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị”được tặng cho đối tượng là các tác giả, đồng tác giả là công dân Việt Nam có công trình, cụm công trình nghiên cứu về lý luận chính trị. Đây là sự tôn vinh dành cho các nhà khoa học có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu lý luận chính trị của đất nước.

Về cơ cấu, Giải thưởng bao gồm: Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” với mức tiền thưởng là 200 triệu đồng, Giải cống hiến về “Nghiên cứu lý luận chính trị” (tiền thưởng là 100 triệu đồng) chỉ xét tặng đối với tác giả đã nghỉ hưu, Giải triển vọng về “Nghiên cứu lý luận chính trị” (tiền thưởng là 100 triệu đồng) chỉ xét tặng đối với tác giả dưới 45 tuổi tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.

Các công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng phải có hồ sơ hợp lệ, được công bố và được ứng dụng trong thực tế ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét tặng Giải thưởng. Công trình đã được công bố trên tạp chí khoa học trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành hàng năm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước hoặc bài đăng tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc danh mục trong Web of Science (ISI), danh mục Scopus (đối với công trình được đăng bằng ngôn ngữ tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch bằng tiếng Việt kèm theo) hoặc được in tại nhà xuất bản có uy tín (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Khoa học và Xã hội, Nhà xuất bản Lý luận chính trị…). Nếu công trình là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng và nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Giải thưởng được tổ chức xét tặng 05 năm/lần và trao tặng vào dịp kỷ niệm năm tròn, năm lẻ năm ngày truyền thống Học viện hoặc vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Năm 2021, Giải thưởng được triển khai xét tặng lần đầu tiên tới tất cả các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương,  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước và dự kiến sẽ trao giải vào năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Học viện.

Với kỳ vọng việc ra đời của Giải thưởng sẽ góp phần động viên, khích lệ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong cả nước nỗ lực cống hiến hơn nữa tâm sức, trí tuệ trong sự nghiệp nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng, giúp nâng cao vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, hy vọng Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” sẽ nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ trí thức, các nhà nghiên cứu của Học viện nói riêng và cả nước nói chung.

          Ban Thi đua- Khen thưởng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền