Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Những nội dung mới về Xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và việc quán triệt vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Viện Xây dựng Đảng”
Thứ năm, 02 Tháng 9 2021 11:13
2237 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Những nội dung mới về Xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và việc quán triệt vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Viện Xây dựng Đảng”

(LLCT) - Chiều ngày 31-8-2021, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Những nội dung mới về Xây dựng Đảng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và việc quán triệt vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Viện Xây dựng Đảng”. PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng và PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng chủ trì Hội thảo.

 Ảnh: PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo thu hút gần 50 nhà khoa học tham gia, gồm giảng viên và giảng viên kiêm chức của Viện Xây dựng Đảng, đại diện các khoa Xây dựng Đảng của các Học viện trực thuộc và nghiên cứu sinh các lớp chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt xây dựng Đảng xứng tầm của “nhiệm vụ then chốt” - như phương hướng của công tác xây dựng Đảng đã viết: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện”.

Là một Viện chuyên ngành hàng đầu về khoa học xây dựng Đảng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của toàn Đảng, việc nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn chính sách cho Đảng về công tác xây dựng Đảng nên Viện Xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đặc biệt quan tâm. Các thế hệ lãnh đạo, giảng viên của Viện Xây dựng Đảng luôn xác định vinh dự, trách nhiệm to lớn và dành mọi trí lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ đó.

Mấy năm qua, ngay từ những ngày đầu tiên chuẩn bị dự thảo các văn kiện Đại hội, với tâm thế tích cực, chủ động tham gia và đón nhận kết quả Đại hội XIII của Đảng, dưới sự chỉ đạo đạo của Giám đốc Học viện, Viện Xây dựng Đảng đã triển khai quán triệt những điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII về xây dựng Đảng vào việc bổ sung giáo trình cao cấp lý luận, trung cấp lý luận, các chuyên đề bồi dưỡng cán bộ và chương trình thạc sỹ, tiến sỹ. Giáo trình cao cấp lý luận, trung cấp lý luận mới đã được bổ sung, chỉnh sửa, xuất bản và đã triển khai tập huấn giáo trình trong toàn hệ thống Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh và thành phố.Hội thảo cầndành nhiều thời gian hơn cho việc luận giải những vấn đề mới về xây dựng Đảng để triển khai trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu trong toàn hệ thống Học viện, chú trọng việc trao đổi thảo luận để thống nhất về nhận thức trong việc tiếp cận đến những nội dung mới trong văn kiện Đại hội XIII về xây dựng Đảng. Vì thế, rất nhiều nội dung khoa học về xây dựng Đảng sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận vào những dịp khác.

Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết tham luận, nhiều bài đã được trình bày tại Hội thảo, xoay quanh các nhóm vấn đề như sau:

Nhóm các bài viết tổng quát những nội dung mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII, có bài: “Nhữngđiểm mới về xây dựng Đảng trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” của đồng chí Nguyễn Đức Hà; “Một số điểm mới về xây dựng Đảng trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” của PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn và bài “Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới” của PGS, TS Lê Văn Lợi. Về cơ bản, các tác giả đều thống nhất những nội dung mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII:

Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng được đề cập xứng tầm:xây dựng Đảng không những là 1 trong 15 nội dung trong Báo cáo chính trị (“XIV: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”) mà còn có báo cáo riêng: “Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII”

Thứ hai, xây dựngĐảng đồng bộ với xây dựng hệ thống chính trị và là thành tố đầu tiên của chủ đề Đại hội“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thứ ba, đánh giá công tác xây dựng Đảng có 5 điểm nổi bật là: (1) đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; (3) phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; (4) đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; (5) tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thứ tư, Đại hội đánh giá công tác xây dựng Đảng “có nhiều tiến bộ” nhưng vẫn còn đó “những nguy cơ không thể coi thường”

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mớiđã làm cho đất nước ta“chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”nhưng còn đó “bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù”.

Thứ năm, Đại hội rút ra 5 bài học kinh nghiệm thì bài học kinh nghiệm thứ nhất là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng:“Một là, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên theo phương châm: chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”

Thứ sáu ,mục tiêu, định hướng trong Báo cáo chính trị đã bổ sung “năng lực cầm quyền” để thành “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”

Thứ bảy, trong 5 quan điểm chỉ đạo chung của Báo cáo chính trị, quan điểm chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng chiếm 2/5:

- Quan điểm 1:“Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

- Quan điểm2:Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ tám, bổ sung thêm xây dựng Đảng về cán bộđể công tác xây dựng Đảng toàn diện với 5 phương diện:“xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”

Thứ chín, trong 10 nhiệm vụ, giải phápxây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảngcó bổ sung, phát triển nhiềunội dung mớitrong từng nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ mười, xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá:

Ba nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. (2) Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (3) Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ba giải pháp đột phá là: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. (2) Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. (3) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Nhóm các bài viết tập trung vào một vấn đề chuyên sâu, một lĩnh vực cụ thể trong công tác xây dựng Đảng:

Các tham luận tập trung trình bày góp phần làm sâu sắc một vấn đề mới, quan trọng để cùng thống nhất trong nhận thức khi nghiên cứu, giảng dạy như: “Điểm mới trong dự báo tình hình thế giới và trong nướctác động đến công tác xây dựng Đảng” của PGS, TS Lâm Quốc Tuấn, ThS Lê Hoàng Trang; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - một sự phát triển nhận thức của Đảng” của PGS, TS Nguyễn Văn Giang; bài “Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng -một nội dung mới trong quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS, TS Lê Văn Cường; “Xây dựng Đảng về cán bộ - bổ sung mới trong “xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng” của TS Nguyễn Thị Tố Uyên; bài “Đảng lãnh đạo, cầm quyền và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS, TS Dương Trung Ý; và bài “Dân thụ hưởng” - bổ sung mới trong chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng” của TS Nguyễn Ngọc Ánh…

Tham luận tại Hội thảotrong nhóm vấn đề này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, kiến giải một số nội dung như: điểm mới trong chủ đề Đại hội XIII gắn xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự phát triển nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cơ sở lý luận và thực tiễn của những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá về xây dựng Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; vấn đề xây dựng Đảng về cán bộ trong Văn kiện Đại hội XIII;…

Một số ý kiến trao đổi về chuyên môn, học thuật của chuyên ngành xây dựng Đảng cũng được các thành viên dự Hội thảo trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn và sâu sắc hơn một số điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Nhóm các bài viết về nhiệm vụ, giải pháp quán triệt vào công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Viện Xây dựng Đảng:

Bài “Nguyên tắc, giải pháp quán triệt nội dung xây dựng Đảng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong các lớp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” của PGS, TS Hoàng Phúc Lâm. Bài viết nhấn mạnh yêu cầu của Văn kiện Đại hội XIII phải “đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả”, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Phải bảo đảm nguyên tắc nắm vững đầy đủ các nội dung, nhất những nội dung mới về xây dựng Đảng; nguyên tắc phù hợp với đối tượng người học: (1) Học viên cao cấp lý luận chính trị; (2) Học viên cao học, nghiên cứu sinh; (3) Học viên học Đại học văn bằng hai; (4) Học viên học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng chức danhtrong quá trình triển khai nhiệm vụ tại Học viện và phải thực chất, có hiệu quả.

Bài “Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới” do PGS, TS Lê Văn Lợi trình bày tại Hội thảo. Điểm nhấn trong bài viết là:

Trước hết, cần khẳng định rằng, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong Đại hội XIII là một nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội, có quan hệ mật thiết, gắn bó hữu cơ với việc thực hiện mục tiêu, quan điểm, chủ trương, định hướng phát triển đất nước nói chung.

Thứ hai, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có những quan điểm, chủ trương mới về xây dựng Đảng, nhất là những vấn đề đã được Đảng xác định trước đây, nhưng ở “tầm mức” Nghị quyết, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nay được “nâng tầm” thành quan điểm, chủ trương của Đại hội.

Thứ ba, không nên quan niệm chỉ nghiên cứu những quan điểm, chủ trương mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảngmà còn phải chú trọng các hướng nghiên cứu khác nhưcác giải pháp, cách thức để đưa nghị quyết vào cuộc sống, mà chính văn kiện Đại hội XIII đã đề ra là “nghiên cứu những vấn đề khó, phức tạp, phát sinh từ thực tiễn hoặc tồn tại trong thời gian dài, những vấn đề chưa rõ về cơ sở lý luận, còn có ý kiến khác nhau”.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của cán bộ, giảng viên Viện Xây dựng Đảng trong việc tổ chức Hội thảo trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Mặc dù Hội thảo mới chỉ trong khuôn khổ cấp cơ sở nhưng đã dành được sự quan tâm lớn và đóng góp có chất lượng của các cán bộ, giảng viên, học viên không chỉ của Viện Xây dựng Đảng mà còn của cả hệ thống Học viện. Qua đó, Hội thảo đã phản ánh và làm rõ những nội dung mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII.

PGS, TS Dương Trung Ý mong muốn, trong thời gian tới, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong hệ thống Học viện và các trường chính trị trên cả nước cần tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống; nhận diện, quán triệt đầy đủ các nội dung mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII, đặc biệt lưu ý về phương pháp, cách thức tiếp cận các nội dung mới; làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn của những nội dung, quan điểm mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII về xây dựng Đảng thông qua các chuyên đề, bài giảng và hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông; tiếp tục đề xuất các giải pháp, kiến nghị để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong thực tế, làm cho các nội dung mới về xây dựng Đảng trong văn kiện Đại hội XIII đi vào cuộc sống.  

PGS, TS Dương Trung Ý yêu cầu việc nghiên cứu, quán triệt các nội dung mới về xây dựng Đảng trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải góp phần trực tiếp vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để thấy rõ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trở nên quan trọng, luôn là nhiệm vụ then chốt, yếu tố quyết định thành bại quốc gia, sự tồn vong của chế độ.

Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền