Trang chủ    Tin tức    Những vấn đề mới về quản lý phát triển xã hội từ Văn kiện Đại hội lần thứ XIII
Thứ năm, 23 Tháng 9 2021 10:58
1161 Lượt xem

Những vấn đề mới về quản lý phát triển xã hội từ Văn kiện Đại hội lần thứ XIII

(LLCT) - Chiều 21-9-2021, Viện Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Những vấn đề mới về quản lý phát triển xã hội từ Văn kiện Đại hội lần thứ XIII. PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì có TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã  hội học và phát triển.

Ảnh: PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS, TS Trịnh Duy Luân, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam; GS, TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; GS, TS Lê Ngọc Hùng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội; các nhà khoa học, chuyên gia chuyên ngành xã hội học cùng đông đảo cán bộ, học viên các hệ lớp của Viện Xã hội học và phát triển. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến tới các đơn vị trong và ngoài Học viện.  

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS, TS Hoàng Phúc Lâm khẳng định Hội thảo khoa học Những vấn đề mới về quản lý phát triển xã hội từ Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảngcó ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong bối cảnh Học viện tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và giảng dạy các chuyên ngành đào tạo, trong đó có định hướng mở rộng, bổ sung đào tạo chuyên ngành Quản lý phát triển xã hộiDo đó, Hội thảo cần làm rõ những quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội, đặc biệt trong Đại hội XIII; nội hàm và các nội dung học thuật liên quan về quản lý phát triển xã hội; xác định các nội dung nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành Quản lý phát triển xã hội gắn với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.  

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, TS Bùi Phương Đình nhấn mạnh, nhằm góp phần đưa nội dung quản lý phát triển xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, nhất là trong nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành Quản lý phát triển xã hội, các nội dung của Hội thảo sẽ xác định nội hàm, cung cấp lý luận, làm cơ sở định hướng triển khai các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành Quản lý phát triển xã hội trong thực tiễn tại Học viện. Trên tinh thần đó, đồng chí đề nghị Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ các nội dung:(1) sự phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quản lý phát triển xã hội; (2) các tiếp cận lý thuyết về quản lý phát triển xã hội; (3) các phương diện nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng về quản lý phát triển xã hội; (4) đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội ở một số lĩnh vực, ngành, vấn đề xã hội...; (5) đề xuất kiến nghị mô hình quản lý phát triển xã hội nhằm góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, hài hòa và bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo nhận được hơn 30 tham luận và các ý kiến phát biểu từ các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành xã hội học và một số ngành khoa học xã hội. Hội thảo diễn ra trong 2 phiên với các nội dung sau:

Phiên 1: Quan điểm, nội dung, mô hình và tiếp cận nghiên cứu quản lý phát triển xã hội

Các đại biểu tham dự Hội thảo khẳng định, quản lý phát triển xã hội chính thức được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập trong Văn kiện Đại hội XII và đến Đại hội XIII, vấn đề này đã được trình bày hệ thống, hoàn chỉnh trong Mục VIII.Tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.Điều này thể hiện sự phát triển trong tư duy lý luận, năng lực cầm quyền và uy tín lãnh đạo của Đảng đối với thực tiễn phát triển đất nước. Tuy nhiên, quản lý phát triển xã hội vẫn là một chủ đề khá mới mẻ trên góc độ nghiên cứu khoa học và thực tiễn trong toàn bộ hệ thống xã hội cũng như nhận thức của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về nội dung này.

Đất nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóavà chịu ảnh hưởng của Cuộc cách mạng 4.0 trên cả phương diện tích cực, tiêu cực. Đây là những yếu tố chi phối mạnh đến biến đổi cơ cấu xã hội, vì thế quá trình quản lý phát triển xã hội bảo đảm cơ cấu xã hội hợp lý phải tính tới các yếu tố này.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Xuân Hảo, Hội Xã hội học Việt Nam phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta giai đoạn hiện nay, đồng thời gợi mở một số nội dung cần làm rõ trong nghiên cứu, dự báo xu hướng biến đổi xã hội, hỗ trợ công tác quản lý phát triển xã hội bảo đảm bền vững, như: cấu trúc và xu hướng phân tầng xã hội, tính chất và xu hướng di động xã hội, các vấn đề kinh tế - xã hội trong gia tăng đô thị hóa…

Tại Hội thảo, GS, TS Trịnh Duy Luân phân tích, xác định cụ thể mô hình quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay, đồng thời kiến nghị định hướng chính sách tương ứng trong xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội có tính ứng dụng cao, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, mô hình“quản lý thực tiễn - ứng dụng” sẽ tích hợp nhiều yếu tố và chiều cạnh của phát triển xã hội, là một cấu trúc/thiết chế ổn định và linh hoạt, gắn với thực hiện các chính sách xã hội thông qua hoạt động của các bộ, ngành cụ thể như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa -Thể thao-Du lịch,... Do đó cần tích hợp,  lồng ghép các yếu tố xã hội trong hoạch định và thực thi các chính sách, chương trình, dự án quản lý quá trình phát triển xã hội; xác định rõ chức năng và trách nhiệm “kép” trong quản lý nhà nước, đồng thời là quản lý phát triển xã hội của các bộ, ngành; thể chế hóa lĩnh vực phát triển xã hội ở các cấp; triển khai nghiên cứu và xuất bản Báo cáo Xã hội quốc gia thường niên, phản ánh những vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội; xây dựng Bộ Chỉ số phát triển xã hội, bao gồm những chỉ tiêu, chỉ số đúng, đủ “tính xã hội” (tính thời sự, cấp thiết) và phù hợp với bối cảnh xã hội đất nước trong một giai đoạn nhất định (3 năm, 5 năm, 10 năm,..).

Phát biểu tại Hội thảo, TS Bùi Phương Đình phân tích, làm rõ mối liên hệ liên ngành trong nghiên cứu quản lý phát triển xã hội. Đối chiếu với mục tiêu phát triển xã hội, quản lý được coi là hệ thống hành động mang tính hướng đích của nhiều chủ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, quản lý phát triển xã hội có thể được nhận thức là quản lý ở cấp độ cộng đồng và xã hội nhằm đạt các mục tiêu phát triển xã hội mà Đảng cầm quyền và Nhà nước đặt ra. Đối với mỗi giai đoạn phát triển đất nước, các mục tiêu phát triển xã hội thay đổi, cùng với đó là tư duy, phương thức và công cụ về quản lý cũng thay đổi để phù hợp với mục tiêu. Vì vậy, trong nghiên cứu quản lý phát triển xã hội,  cần tổng hợp tri thức và phương pháp của nhiều ngành khoa học như chính trị học, kinh tế, tâm lý, văn hóa....

Phiên 2: Các vấn đề thực tiễn về quản lý phát triển xã hội

Tại Phiên 2 của Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung phân tích, làm rõ thực tiễn quá trình quản lý phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Khẳng định bản sắc trường Đảng trong nghiên cứu và giảng dạy quản lý phát triển xã hội, PGS, TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và phát triển, nêu rõ thực tiễn công tác đấu tranh, phản bác với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về quản lý phát triển xã hội tại Việt Nam. Các quan điểm và hệ thống chính sách xã hội ở nước ta trong quản lý phát triển xã hội đều hướng đến giải quyết vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên cơ sở hài hòa lợi ích của các chủ thể, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, lợi dụng một số hạn chế còn tồn tại trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta, các thế lực phản động, thù địch đã xuyên tạc, tung tin sai sự thật về sự lãnh đạo, chỉ đạo phương thức quản lý phát triển xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm gây chia rẽ mất đoàn kết, lung lạc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ XHCN. Việc tăng cường nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội không chỉ hiện thực hóa kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành Quản lý phát triển xã hội của Học viện mà còn góp phần quan trọng trong hỗ trợ thực chất, hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của cả hệ thống chính trị, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Lê Ngọc Hùng phân tích sâu sắc, làm rõ quá trình quản lý phát triển xã hội Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý (quản trị, hành chính) và nhân dân làm chủ sự phát triển xã hội theo định hướng XHCN nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong bối cảnh thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, quan trọng trong lãnh đạo, quản trị, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép chống dịch như chống giặc, đồng thời thực hiện an sinh xã hội, ổn định kinh tế. Ở các địa phương, việc lãnh đạo, quản trị, quản lý công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy sự đúng đắn, sáng suốt, kịp thời trong áp dụng quản lý phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước ở cấp độ hệ thống, vĩ mô đối với việc cụ thể hóa, hiện thực hóa ở cấp vi mô (địa phương, cấp cơ sở). Lãnh đạo, quản trị, quản lý và hành chính ở cấp địa phương đã thực hiện theo tinh thần của cán bộ cơ sở “vừa hồng, vừa chuyên”, “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” và tinh thần của cán bộ nhân viên tuyến đầu “ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tiêm vắc xin, giám sát, điều tra dịch tễ, truy vết; hỗ trợ cách ly, chăm sóc, điều trị người bệnh và cứu trợ xã hội bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.

Tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Đình Tấn, Viện Xã hội học và phát triển, phân tích và nêu rõ mối liên hệ giữa kiểm soát phân tầng xã hội và quản lý phát triển xã hội. Nghiên cứu phân tầng xã hội với việc chỉ ra 3 phương diện: địa vị kinh tế, đia vị chính trị, địa vị xã hội của các chủ thể và sự tương tác qua lại của các thành tố cho phép các nhà lãnh đạo, quản lý thấy được thực chất của phân tầng, nhận thức thấu đáo sự tác động, ảnh hưởng của từng mặt tới phân tầng xã hội nói chung, góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý phát triển xã hội thực chất và hiệu quả. Ở góc độ thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nghiên cứu về phân tầng xã hội hỗ trợ xây dựng bộ chỉ báo khách quan trong đánh giá, xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp của thể chế, Nhà nước với năng lực và mức độ cống hiến, đóng góp thực tế của mỗi cá nhân, tổ chức cho xã hội. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay vẫn còn thiếu vắng những bộ chỉ báo “chuẩn”, định lượng rõ ràng, minh bạch trong đánh giá, xem xét, phân loại, xếp hạng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học... Điều này gián tiếp làm suy giảm động lực và tốc độ phát triển xã hội, cũng như làm gia tăng những bất bình đẳng xã hội ở các lĩnh vực cụ thể. Để khắc phục tình trạng trên, cần nghiên cứu và đưa ra Bộ chỉ báo quốc gia về các tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại ngạch bậc, chức danh nghề nghiệp, danh hiệu xã hội, chế độ lương, thưởng một cách khoa học, khách quan, công bằng. Cùng với đó cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin sâu rộng tới các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân để việc thực hiện Bộ tiêu chí đạt hiệu quả, thực chất.

Kết luận Hội thảo, PGS, TS Hoàng Phúc Lâm khẳng định, các tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã phân tích, làm rõ những định hướng của Đảng trong quản lý phát triển xã hội bền vững ở nước ta, đồng thời đã bước đầu xác định rõ một số nội dung cần nghiên cứu, đưa vào giảng dạy chuyên ngành Quản lý phát triển của Học viện. Thời gian tới, Viện Xã hội học và phát triển cần phát huy hơn nữa vai trò là đơn vị nghiên cứu, tham gia tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước; đồng thời cần nhanh chóng triển khai chủ trương đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành Quản lý phát triển xã hội của Học viện.

NCS Nguyễn Thị Lan

ThS Lương Quỳnh Hoa

Viện Xã hội học và phát triển

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền