Trang chủ    Tin tức    Học viện tổ chức lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2021
Thứ tư, 06 Tháng 10 2021 17:14
715 Lượt xem

Học viện tổ chức lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2021

(LLCT) - Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2021 được tổ chức từ ngày 27/9 đến ngày 1/10/2021, Tạp chí Lý luận chính trị là cơ quan chủ trì. Nội dung chương trình gồm 04 chuyên đề và 01 buổi thảo luận. Lớp học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Dự lớp học có trên 130 học viên là cán bộ 20 tạp chí bản tin và hội viên Liên chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên đề:Kinh nghiệm xây dựng tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế, GS,TS Lê Quốc Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên Ban điều hành Hệ thống trích dẫn ASEAN (Asean Citation Index - ACI).    Với mục đích chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế, GS,TS Lê Quốc Hội đã phân tích, làm rõ các tiêu chí xét duyệt tạp chí của hệ thống trích dẫn ASEAN và đề xuất áp dụng cho Việt Nam, cụ thể là các tạp chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

GS,TS Lê Quốc Hội cho biết, Hệ thống trích dẫn ASEAN được thành lập tháng vào 11/2011 từ sáng kiến tại Hội nghị ra mắt Cụm nghiên cứu giáo dục tiên phong ASEAN tổ chức tại Thái Lan năm 2010vàđược đặt trụ sở tại Thái Lan.Sự ra đời của ACI nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu riêng cho khu vực, công bố các nghiên cứu của các nước ASEAN, hỗ trợ tốt hơn hoạt động đánh giá chất lượng các nghiên cứu, xếp hạng các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của ASEAN. Ngoài ra, mục đích của ACI là tập hợp các công bố khoa học của các quốc gia thành viên để chia sẻ kết quả nghiên cứu ra phạm vi thế giới, đồng thời là cầu nối để đưa các tạp chí khoa học của ASEAN vào cơ sở dữ liệu ISI và Scopus.

ACI xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tạp chí khoa học của các quốc gia để xét chọn vào ACI. Tiêu chí đánh giá tạp chí của ACI được xây dựng chuẩn mực, tiệm cận với tiêu chuẩn của của các hệ thống cơ sở dữ liệu và trích dẫn uy tín hàng đầu thế giới như Scopus và ISI. Để được xét duyệt vào ACI, các tạp chí phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn sơ duyệt. Sau khi đáp ứng 5 tiêu chí sơ duyệt, các tạp chí sẽ được đánh giá theo 11 tiêu chí về nội dung và hình thức.

5 tiêu chí sơ duyệt đối với tạp chí ACI:(i) Bài báo đăng trên tạp chí phải được phản biện;(ii) Tạp chí phải được xuất bản theo định kỳ và xuất bản đúng hạn đã công bố; (iii) Các bài báo phải có tiêu đề, tóm tắt, tên tác giả và địa chỉ cơ quan công tác bằng tiếng Anh; (iv) Các bài báo phải có danh mục tài liệu tham khảo theo hệ chữ La tinh; (v) Có website bằng tiếng Anh

11 tiêu chí về nội dung và hình thức bao gồm:

(i) Mức độ phản biện: được đánh giá dựa trên các cấp độ phản biện như bình duyệt ẩn danh hai chiều (Double-blind peer-review -phản biện và tác giả không biết thông tin về nhau) hay bình duyệt ẩn danh một chiều (Single-blind peer-review - phản biện biết thông tin về tác giả, nhưng tác giả không biết thông tin về nhà phản biện hoặc ngược lại) hay không có bình duyệt (No peer-review). (ii) Xuất bản đúng hạn như đã công bố. (iii) Đã xuất bản ít nhất 3 năm hoặc 6 số liên tục. (iv) Mức độ được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu quốc tế (ISI, Scopus). (v) Sự phù hợp về tôn chỉ, mục đích và phạm vi của tạp chí. (vi) Sự đa dạng trong thành viên hội đồng biên tập. (vii) Sự đa dạng của tác giả bài báo. (viii) Sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về hình thức trình bày tạp chí: Có tên tác giả và cơ quan làm việc; Có tóm tắt bằng tiếng Anh; Hình thức trình bày, trích dẫn và tài liệu tham khảo được trình bày thống nhất. (ix) Website của tạp chí. (x) Có sử dụng hệ thống gửi bài và phản biện trực tuyến. (xi) Chất lượng tóm tắt bài báo (cả tiếng bản ngữ và tiếng Anh).

Điểm tối đa cho mỗi tiêu chí là 2 điểm. Tạp chí sẽ được xét duyệt vào ACI nếu đạt tối thiểu 16 điểm (trên tối đa 22 điểm) của 11 tiêu chí trên.

GS,TS Lê Quốc Hội cũng nêu những thuận lợi, khó khăn đối với các tạp chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khi phấn đấu đạt các tiêu chí của ACI. Những kinh nghiệm rất cụ thể của Tạp chí Kinh tế và quản lý trong quá trình xây dựng tạp chí chuẩn quốc tế; phân tích những thế mạnh, thuận lợi trong phát triển tạp chí lý luận chính trị và tạp chí khoa học theo hướng chuẩn quốc tế.

Chuyên đề: Quy trình xuất bản tạp chí khoa học, báo cáo viên: PGS,TS Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Để xây dựng quy trình xuất bản của một tạp chí khoa học,PGS,TS Hà Huy Phượng làm rõ khái niệmtạp chí, phân biệt các loại tạp chí chỉ dẫn, giải trívà tạp chí khoa học:

Tạp chí (Magazine - thường dùng gọi tên các tạp chí chỉ dẫn, giải trí): Là định danh của một sản phẩm của báo chí; Là diễn đàn thông tin lý luận, khoa học, phổ biến kiến thức; Xuất bản định kỳ (tạp chí in) và phi định kỳ (tạp chí điện tử); Phát hành phục vụ các nhóm công chúng chuyên biệt.

Tạp chí khoa học (Journal): Định danh tạp chí chuyên biệt trong hệ thống tạp chí; Là diễn đàn trao đổi học thuật về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học triển khai; Xuất bản định kỳ (tạp chí in), phi định kỳ (tạp chí điện tử); Phát hành phục vụ công chúng quan tâm đến học thuật.

Về phân loại tạp chí: Trên thế giới, thường chia thành 4 nhóm tạp chí: Tạp chí lý luận chính trị: Là diễn đàn lý luận của các giai cấp, đảng phái, tổ chức chính trị - xã hội, chính trị gia; Thể hiện các luận điểm, quan điểm, ý thức hệ tư tưởng chính trị; các luận điểm lý luận có thể phát triển thành học thuyết, lý thuyết chung của nhân loại. Tạp chí khoa học: Là diễn đàn của các nhà khoa học về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, các khoa học khác; Công bố các kết quả nghiên cứu học thuật của cá nhân hoặc nhóm các nhà khoa học; Các trao đổi về học thuật có thể phát triển thành hệ lý thuyết chung của nhân loại trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học cơ bản. Tạp chí chỉ dẫn: Là diễn đàn phổ biến, hướng dẫn, chỉ dẫn kiến thức; Có ý nghĩa giáo dục, góp phần mở mang tri thức cho mọi người; Thông tin chỉ dẫn có thể phát triển, bổ sung vào kho tàng kiến thức chung của nhân loại. Tạp chí giải trí: Là diễn đàn thông tin giải trí nhằm thỏa mãn đời sống văn hóa tinh thần của công chúng; Trao đổi các giá trị văn hóa, giải trí; Thông tin có thể trở thành giá trị văn hóa, giải trí của nhân loại.

Về vị trí của tạp chí khoa học: PGS,TS Hà Huy Phượng phân tích vị trí của tạp chí khoa học đặt trong từng loại hình báo chí: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo mạng điện tử. Theo đó, đối với loại hình báo in, tạp chí khoa học là một sản phẩm độc lập; trong khi với ba loại hình còn lại thì tạp chí khoa học là một thành tố cấu trúc sản phẩm của từng loại hình.

Về quy trình xuất bản tạp chí khoa học: từ vai trò, đặc điểm của quy trình xuất bản tạp chí khoa học, quy trình xuất bản tạp chí khoa học gồm 05 bước,gồm:

Bước 1: Lập kế hoạch xuất bản.Bước 1 quan trọng bởi đây là kim chỉ nam soi đường để tạp chí đi đúng hướng; Thể hiện tính nhất quán trong quản trị xuất bản theo hệ thống toà soạn tạp chí; Thể hiện tính chuyên nghiệp của một cơ quan tạp chí.

Bước 2: Sáng tạo tác phẩm. Những người sáng tạo tác phẩm là các tác giả trong tòa soạn (phóng viên, biên tập viên), sáng tạo tác phẩm theo kế hoạch định kỳ và các tác giả ngoài tòa soạn (cộng tác viên), Sáng tạo tác phẩm theo đặt hàng của Ban Biên tập.

Bước 3: Tổ chức sản xuất sản phẩm. Bao gồm các khâu: Tập hợp tác phẩm; Tổ chức biên tập, bình duyệt tác phẩm; Tổ chức tác phẩm, xây dựng cấu trúc bản mẫu (maquette); Thiết kế, trình bày sản phẩm (layout/design); Sửa bản in thử (sửa bản bông/sửa morass); Duyệt bản in thử; In sản phẩm.

Bước 4: Phát hành sản phẩm, bao gồm: Nhận sản phẩm từ nhà in; Kết nối với độc giả, đơn vị phát hành; Phân loại, đóng gói sản phẩm, chuyển theo địa chỉ phát hành; Nghiên cứu thị trường, công chúng để kinh doanh sản phẩm; chuẩn bị các phương án phát hành số xuất bản tiếp theo.

Bước 5: Theo dõi và xử lý thông tin phản hồi, gồm: Theo dõi thông tin phản hồi về nội dung, hình thức tác phẩm, sản phẩm tạp chí; Đưa ra các giải pháp xử lý thông tin phản hồi (cả tích cực và tiêu cực); Truyền thông trong khủng hoảng và xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản tạp chí tạo ra.

Về quy chuẩn quy trình xuất bản tạp chí khoa học:gồm có Quy chuẩn trong Lập kế hoạch xuất bản; quy chuẩn trong sáng tạo tác phẩm; Quy chuẩn trong tổ chức sản xuất sản phẩm; Quy chuẩn phát hành, kinh doanh và kinh tế tạp chí; Quy chuẩn theo dõi, xử lý phản hồi.

Bên cạnh những nội dung chính của chuyên đề, PGS,TS Hà Huy Phượng nêu rõ điều kiện để thực hiện quy trình và quy chuẩn xuất bản tạp chí khoa học, như quy trình, quy chuẩn phải xuất phát từ tôn chỉ, mục đích, chức năng, quyền hạn của tạp chí và phải có môi trường chính trị - pháp lý cũng như các điều kiện liên quan thuận lợi.

Chuyên đề: báo chí Học viện với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phan bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới,giảng viên: PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Học viện

Đồng chí nêu khái quát về việc nhận diện âm mưu, thủ đoạn, phương thức của các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Về âm mưu,âm mưu cơ bản và lâu dài của thế lực thù địch là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận con đường đi lên CNXH của nước ta; Tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận nhằm đưa ý thức hệ tư sản thâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống tinh thần của nhân dân, tiến tới xoay chuyển quỹ đạo phát triển của Việt Nam đi chệch hướng XHCN; Làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, làm mất niềm tin nhân dân với Đảng, với chế độ; Tạo khủng hoảng chính trị; gây rối loạn xã hội, chia rẽ dân tộc, kích động chống phá; gây bạo loạn lật đổ chế độ, can thiệp và dựng lên chế độ tay sai.

Về phương thức, thủ đoạn:các thế lực thù địch sử dụng các kênh truyền thông, các loại hình truyền thông để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Về những vấn đề chống phá cơ bảnmà các thế lực phản động, thù địch tập trung chống phá, nhất là chúng tập trung vào một số vấn đề mới nổi như vấn đề sử dụng báo chí, truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí để chống phá Việt Nam, lợi dụng các vấn đề chính sách đối nội phức tạp, nhạy cảm, lợi dụng những hạn chế, tiêu cực của môi trường thông tin mở, cơ chế tự chủ…

Hệ thống báo chí Học viện là lực lượng xung kích thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Tiếp tục nâng cao vai trò của hệ thống tạp chí, bản tin Học viện trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Chuyên đề:Báo chí Học viện với chuyên mục đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống do PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện:

Đánh giá những kết quả đạt được của hệ thống báo chí Học viện trong thực hiện nhiệm vụ đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống trong năm 2021.

Hệ thống báo chí của Học viện đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời, các cơ quan báo chí Học viện đã phát huy vai trò tiên phong trong tuyên truyền, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sự đồng thuận; góp phần quan trọng vào việc đưa Nghị quyết đi sâu vào cuộc sống.

Hệ thống báo chí Học viện đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong triển khai nhiệm vụ, ngay sau khi có sự chỉ đạo và hướng dẫn của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, các tạp chí, trang tin điện tử của Học viện đã nhanhh chóng, kịp thời mở các chuyên mục để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Mặc dù tên gọi của các chuyên mục có thể khác nhau, song các bài đăng được Đảng ủy, Ban Giám đốc, các chuyên gia và người đọc đánh giá có chất lượng, có sức lan toả sâu sắc. Điều này được khẳng định thông qua các phản hồi sau mỗi bài đăng.

Phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của báo chí trong tuyên truyền, đưa Nghị quyết XIII của Đảng vào cuộc sống, đồng chí Dương Trung Ý đề nghị các tạp chí, trang tin điện tử thuộc hệ thống Học viện khắc phục khó khăn, phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong tuyên truyền, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các đề tài không chỉ mang tính chính trị, mà còn phải tạo sự hấp dẫn, sinh động đối với người đọc. Bên cạnh việc phát huy vai trò của người làm báo trong hệ thống Học viện và đội ngũ cộng tác viên, cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để người làm báo của Học viện được học tập, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn nữa các nội dung của Nghị quyết để thực hiện các tác phẩm báo chí có chất lượng, đúng, trúng với chủ trương, đường lối và các Nghị quyết của Đảng.

Lớp học đã dành một buổi để thảo luận về các nội dung của Dự thảo Đề án đổi mới, phát triển hệ thống báo chí Học viện theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Buổi thảo luận do PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm Đề án chủ trì. Đồng chí Dương Trung Ý đã nêu những nội dung cơ bản, những mục tiêu chủ yếu, giải pháp cơ bản của Đề án, nêu và giải đáp các ý kiến đề xuất của các đơn vị đối với bản dự thảo đề án. Các học viên lớp học đã thảo luận, làm rõ các yêu cầu cấp thiết phải sắp xếp, đổi mới, phát triển hệ thống báo chí Học viện, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; những cơ sở chính trị, pháp lý, quan điểm, giải pháp đổi mới, phát triển hệ thống báo chí Học viện vừa bảo đảm thống nhất vừa giữ bản sắc của mỗi ấn phẩm.

Lớp học đã góp phần thống nhất nhận thức của các cán bộ làm công tác báo chí Học viện về yêu cầu, nhiệm vụ trong thời ký mới, bổ sung những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ báo chí, góp phần xây dựng hệ thống báo chí Học viện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền