Trang chủ    Tin tức    Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”
Thứ sáu, 08 Tháng 10 2021 20:08
1608 Lượt xem

Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

(LLCT) - Chiều ngày 7-10-2021, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 -10/10/2021), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Nam Định.

Chủ trì Hội thảo: đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Tỉnh ủy Nam Định; Quân ủy Trung ương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Ngoại giao; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Lê Đức Thọ.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đồng chí Lê Đức Thọ là người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nam Định, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hội thảo là dịp để tưởng nhớ cuộc đời cách mạng và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Gần 40 báo cáo gửi đến Ban Tổ chức và phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ các nội dung chủ yếu:

Một là, đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, bản lĩnh, thuộc thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, đồng chí Lê Đức Thọ sớm tham gia hoạt động cách mạng từ khi 15 tuổi (năm 1926) và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 18 tuổi (năm 1929). Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng. Đồng chí đã tích cực hoạt động trong các phong trào cách mạng và hai lần bị thực dân Pháp bắt (1930-1936 và 1939-1944), bị giam cầm trong nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo. Trong lao tù đế quốc, cùng với các đảng viên trung kiên, đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục hoạt động và tham gia Chi ủy nhà tù, lãnh đạo đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù tàn bạo, tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước, biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, rèn luyện ý chí cách mạng và bản lĩnh người cộng sản.

Hai là, đồng chí Lê Đức Thọ - người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện rõ tài năng lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Tài năng lãnh đạo của đồng chí thể hiện rõ ở việc đồng chí được Đảng tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách trong cả thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong thời kỳ nước nhà thống nhất.

Trên các cương vị Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác xây dựng An toàn khu của Trung ương, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền; tham gia Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tài năng lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện rõ khi đồng chí được giao đảm nhận cương vị Phó Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, Phó Bí thư và Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí đã cùng ban lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân Nam Bộ anh dũng kháng chiến và kiến quốc thắng lợi, xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” như lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Đức Thọ đã hoàn thành nhiều trọng trách mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Pari, Trưởng Ban miền Nam của Trung ương… Đặc biệt, bằng trí tuệ, bản lĩnh, tài năng của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, đồng chí đã có những đóng góp xuất sắc thực hiện thắng lợi chủ trương vừa đánh vừa đàm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bàn đàm phán Pari, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, đồng chí Lê Đức Thọ cùng Trung ương Đảng lãnh đạo quân và dân cả nước bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phụ trách công tác tổ chức, công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao và Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ đã cùng Trung ương lãnh đạo thành công hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng; từng bước phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng ra sức đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới; tìm tòi, đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta…

Với bài tham luận “Lê Đức Thọ với tầm nhìn vượt trước của nhà lãnh đạo tài năng”, GS, TS Tạ Ngọc Tấn đã đề cập 5 chi tiết đặc trưng thể hiện tầm tư duy vượt trước của đồng chí Lê Đức Thọ trong việc lựa chọn con đường cách mạng của bản thân; trong quá trình tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; trong công tác lãnh đạo tình báo; trong công tác đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trong cuộc đấu tranh ngoại giao.

Ba là, đồng chí Lê Đức Thọ - Nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng

Về nội dung này, đồng chí Mai Văn Chính với tham luận “Đồng chí Lê Đức Thọ với những cống hiến đối với ngành tổ chức xây dựng Đảng” đã cho thấy, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những đóng góp quan trọng trong hoạch định đường lối, chủ trương và chỉ đạo thực tiễn công tác xây dựng Đảng, góp phần phát triển lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền. Đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982), lần thứ VI (1986). Từ thực tiễn hoạt động lãnh đạo cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu về xây dựng Đảng là: gắn chặt công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức với nhiệm vụ chính trị của Đảng; nắm vững các nguyên tắc trong phát triển và củng cố đội ngũ của Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân… Đổi mới công tác tổ chức phải gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý, phù hợp với đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Những hoạt động và đóng góp của đồng chí đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng hiện nay.

Bốn là, đồng chí Lê Đức Thọ - Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

79 năm cuộc đời, 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời, đồng chí luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không ngừng học tập, rèn luyện, tuyệt đối trung thành với lý tưởng và con đường cách mạng đã chọn; nêu cao khí tiết người cộng sản, không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, nêu gương sáng về đức hy sinh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng chí đã thấm nhuần và thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm là, đồng chí Lê Đức Thọ - Người con ưu tú của quê hương Nam Định

Những nội dung đó đã được chỉ ra trong bài tham luận của đồng chí Lê Quốc Chỉnh “Đồng chí Lê Đức Thọ - Người con ưu tú của quê hương Nam Định”. Truyền thống tốt đẹp của quê hương đã nuôi dưỡng, giáo dục, góp phần hình thành nhân cách, chí hướng yêu nước, cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng thời, cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức cách mạng, công lao và cống hiến của đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm rạng danh thêm trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định.

Dù hoàn cảnh công tác khiến đồng chí Lê Đức Thọ không có điều kiện thường xuyên về thăm quê, nhưng vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng cho quê hương, mong muốn tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ trên con đường xây dựng quê hương giàu mạnh.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, con trai đồng chí Lê Đức Thọ đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Tổ chức Hội thảo, Hội thảo đã làm sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy khẳng định, Hội thảo là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ, tiếp tục góp phần phản ánh sâu sắc hơn cuộc đời cách mạng phong phú, phẩm chất và tài năng của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

 

T.T

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền