Trang chủ    Tin tức    Hội thảo phát triển địa phương: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương
Thứ năm, 14 Tháng 10 2021 10:40
846 Lượt xem

Hội thảo phát triển địa phương: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương

(LLCT) - Trong khuôn khổ hoạt động diễn đàn phát triển địa phương, chiều ngày 13-10-2020, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.

Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, điểm cầu tại các văn phòng thuộc 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và điểm cầu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước và các khách mời là đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong hơn một năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bằng các giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời, đồng bộ đã kiểm soát tốt việc lây lan và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đến nay, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như tổng sản phẩm trong nước quý III đã giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số phát triển kinh tế vĩ mô trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tác động của đại dịch đã làm cho sản xuất bị ngưng trệ, các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, làm tăng nợ xấu ngân hàng, nhiều hộ sản xuất kinh doanh buộc phải bán tài sản để duy trì hoạt động, các hộ gia đình phải giảm chi tiêu, kể cả chi tiêu về y tế và giáo dục v.v…

Số liệu thống kê từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành quả phát triển kinh tế đất nước, tiến trình giảm nghèo bị chậm lại, một số vấn đề mới đặt ra như an ninh lương thực, việc học tập của trẻ em, sự sang chấn tâm lý, vấn đề trẻ mồ côi do đại dịch… đã xuất hiện. Đây là những vấn đề nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua.

Đặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế lần này là sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt tác động của đại dịch đã làm cho nền kinh tế có nguy cơ đi chệch khỏi quỹ đạo tăng trưởng. Nền kinh tế Việt Nam có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, song chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi con đường dẫn tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo có ý nghĩa thiết thực nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận quan trọng của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về một số vấn đề kinh tế - xã hội. Kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học cho các địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án, các kịch bản cụ thể, xác thực hơn với tình hình thực tế hiện nay và bảo đảm tính khả thi cao để trong thời gian sớm nhất chúng ta có thể ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Trên tinh thần đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tại Hội thảo, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội và những kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khắc phục đứt gãy kinh tế, phối hợp hành động để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 gồm 6 chương trình hợp thành. Trong đó, chương trình 1 là chương trình tổng thể về phòng, chống Covid-19 và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế. Trọng tâm là “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19”; mở cửa nền kinh tế chắc chắn, ổn định, an toàn; sẵn sàng các kịch bản, phương án, nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh; tạo tính chủ động cho doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp. Chương trình 2 phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Chương trình 3 phục hồi doanh nghiệp với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sớm khắc phục tổn thương do đại dịch. Chương trình 4 phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư. Chương trình 5 hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động. Chương trình 6 cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Samsung Việt Nam,… đánh giá cao các giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là khi các cân đối lớn, vĩ mô, các chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn được thực hiện tốt. Đồng thời, đề xuất, đóng góp những ý tưởng, giải pháp cho Chính phủ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc các chính sách phải được xây dựng, thực thi một cách nhất quán từ Trung ương tới địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia của một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đồng chí chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp để tham khảo khi xây dựng chính sách trong thời gian tới.

Thủ tướng lưu ý, các chính sách trước khi đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, có tính khả thi; cần đánh giá kỹ tác động, bảo đảm an toàn và hiệu quả trong khi thực thi, nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong quá trình lãnh đạo, cần có sự tập trung thống nhất; tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình tại từng địa phương. Phân cấp, phân quyền nhưng đồng thời phải bảo đảm nguồn lực và đội ngũ cán bộ. Để thực hiện được điều đó, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp và bảo đảm các nguồn lực thực thi; tăng cường kiểm tra, giám sát.

 Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như khôi phục thị trường lao động, giảm chi phí đầu vào, đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp… Chính phủ và địa phương phải đồng hành cùng doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, yêu cầu thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng khẳng định, đây là thời điểm thích hợp, là cơ hội để chúng ta đổi mới tư duy, cách thức vận hành, quản trị kinh tế - xã hội, nhất là trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, thương mại điện tử, năng lượng xanh và chống biến đổi khí hậu.

 

M.D

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền