Trang chủ    Tin tức    Hội nghị tổng kết 10 năm Công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới và Lễ ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương giai đoạn 2021 - 2026
Thứ ba, 23 Tháng 11 2021 15:21
1113 Lượt xem

Hội nghị tổng kết 10 năm Công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới và Lễ ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương giai đoạn 2021 - 2026

(LLCT) - Sáng 23-11-2021, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới và Lễ ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương giai đoạn 2021 - 2026. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm Hội nghị Bộ Công an, Hà Nội đến các điểm cầu Công an các đơn vị, địa phương, trường Công an nhân dân trong toàn quốc.

 

Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2026. Ảnh: hdll.vn

 

Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an và đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Lễ ký Chương trình phối hợp.

Dự Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trung tướng PGS, TS Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Bộ Công an khẳng định:

Lý luận Công an nhân dân là hệ thống những tri thức phản ánh mối liên hệ bản chất, quy luật trong các lĩnh vực công tác Công an; có vai trò định hướng, dẫn đường cho hoạt động thực tiễn, luận giải sáng tỏ những vấn đề mới giúp cho lực lượng Công an nhân dân luôn hoàn thành tôt chức năng, nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò “nòng cốt” của lý luận Công an nhân dân, trong 76 năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác lý luận Công an nhân dân. Năm 2012, Bộ Công an đã thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an là Cơ quan tư vấn, tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong xây dựng và phát triển lý luận về các lĩnh vực công tác công an nhằm thống nhất quan điểm, nhận thức, làm cơ sở đề ra chủ trương, đường lối, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, biện pháp, đối sách, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đối với các lĩnh vực công tác công an. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã tiến hành Tổng kết 20 năm công tác lý luận Công an nhân dân, giai đoạn 1993 - 2012, trên cơ sở đó, ngày 06-6-2012, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08 về “Công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới”, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 05 về “Tăng cường công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới”. Những sự kiện đó đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong xây dựng, phát triển hệ thống lý luận Công an nhân dân.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, Chỉ thị số 05 và qua gần 02 nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng lý luận Bộ Công an, công tác lý luận Công an nhân dân đã có những bước phát triển lên tầm cao mới, đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện.

Hệ thống lý luận Công an nhân dân không ngừng được bổ sung, phát triển trên tất cả các lĩnh vực: Bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng, hậu cần - kỹ thuật Công an nhân dân; xây dựng pháp luận về bảo vệ an ninh, trật tự, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong Công an nhân dân. Nhiều vấn đề mang tầm chiến lược đã được tổ chức nghiên cứu, phục vụ cho việc định hướng, thống nhất quản lý, chỉ đạo các mặt công tác công an, cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định: Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và đặt lên hàng đầu công tác tư tưởng, lý luận. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác tư tưởng, lý luận. Công tác tư tưởng, lý luận đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cán bộ; khẳng định và bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự đã chứng minh, lý luận là kim chỉ nam cho các hoạt động thực tiễn và giúp cho lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhận thức rõ vai trò của công tảc lý luận, những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận Công an nhân dân.

Trong 10 năm qua, Hội đồng lý luận Bộ Công an đã phát huy tốt vai trò tư vấn, tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lý luận của Ngành; là đầu mối của Bộ Công an trong quan hệ phối hợp về lĩnh vực lý luận với các cơ quan nghiên cứu của Trung ương và các ban, bộ, ngành.

Tại Hội nghị, Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 -2026.

Chương trình phối hợp này quy định phạm vi, nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, trao đổi thông tin, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu Tại Lễ ký kết  Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương giai đoạn 2021-2026

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương thời gian tới, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị, Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương cần phối hợp nghiên cứu làm rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, chủ trương, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ an ninh, trật tự, an toàn, bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường trao đổi thông tin chuyên đề, trao đổi học thuật, nói chuyện thời sự giữa hai bên...

Phát biếu kết luận Hội nghị, đồng chí Đại tướng  GS, TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 và Chỉ thị số 05, công tác lý luận Công an nhân dân đã có những bước phát triển rõ rệt, đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Công tác nghiên cứu lý luận đã cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở để Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự. Các phương châm, nguyên tắc, đối sách đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm từng bước được hoàn thiện; các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân được luận giải rõ. Công tác lý luận góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự và các lĩnh vực công tác công an. Tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã và đang tiếp tục được đổi mới, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm có nhiều thay đổi, ngày càng phức tạp, tính chất đối tượng, đối tác đan xen, xuất hiện nhiều yếu tố mới.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: hdll.vn

Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi công tác lý luận Công an nhân dân phải tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới toàn diện, nhanh chóng vươn lên mới theo kịp với tình hình. Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, giao V04 chủ trì tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an ban hành nghị quyết và chỉ thị về công tác lý luận Công an nhân dân thay thế Nghị quyết số 08 và Chỉ thị số 05 theo tinh thần Nghị quyết số 37 ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận an ninh, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trên cơ sở nhận thức mới, tư duy mới. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ về vai trò quan trọng, tính chất chiến lược của công tác lý luận Công an nhân dân. Tăng cường sự găn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, giáo dục lý luận với thực tiễn công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Công tác lý luận Công an nhân dân phải phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; kịp thời cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an.

Hai là, thường xuyên tổng kết và dự báo tình hình, trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng, phát triển lý luận về từng lĩnh vực, luận giải những vấn đề lý luận mới, những vấn đề thực tiễn chưa được nghiên cứu, khái quát thành lý luận. Xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu phát triển lý luận Công an nhân dân một cách tổng thể, toàn diện, chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nhăm giải quyết căn bản những vấn đề đặt ra trong từng giai đoạn; tập trung nghiên cứu những vấn đề trọng điểm, phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tuyên truyền lý luận Công an nhân dân theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Việc xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, trường Công an nhân dân phải bảo đảm tính thống nhất về nội dung và bám sát thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Lý luận Bộ Công an và các tiểu ban trực thuộc Hội đồng. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên trách công tác lý luận Công an nhân dân và tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ sở đào tạo về lý luận của Ngành. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận Công an nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu; hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác lý luận; xây dựng chế độ, chính sách đối với cộng tác viên chuyên trách của các đơn vị nghiên cứu lý luận và cán bộ nghiệp vụ có kinh nghiệm nghiên cứu lý luận tại đơn vị thực tiễn.

Năm là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an với các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận của Đảng, Nhà nước (như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương...) các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của quốc gia, của các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Có chính sách huy động, thu hút các nhà khoa học ngoài ngành Công an tham gia nghiên cứu những vấn đề lý luận liên quan đến các mặt công tác công an. Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng của Công an các đơn vị, địa phương với các cơ quan nghiên cứu lý luận. Mở rộng hợp tác quốc tế về công tác nghiên cứu lý luận nhằm tăng cường trao đổi, tiếp thu tri thức bảo vệ an ninh, trật tự của các nước để bổ sung, phát triến hệ thống lý luận Công an nhân dân Việt Nam. Đồng thời cũng truyền bá tri thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và khu vực.

MINH PHƯƠNG

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền