Trang chủ    Tin tức    Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Thứ ba, 30 Tháng 11 2021 14:22
1274 Lượt xem

Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Ngày 29-11-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hà Dung

Chủ trì Hội thảo: đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tham gia hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của các cơ sở nghiên cứu, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đóng góp hơn 60 tham luận cho hội thảo, tập trung vào các nhóm chủ đề: chủ trương, đường lối xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Quốc hội đang tích cực xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 - định hướng đến năm 2045 với trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong hơn 35 năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng năm 2020 và Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hệ thống pháp luật và nền tư pháp nước ta ngày càng được cải tiến, quá trình xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm yêu cầu về tính thực thi. Tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao, được quán triệt sâu sắc trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật; kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, có nhiều điểm chồng chéo giữa văn bản quy phạm pháp luật cũ và mới ban hành; một số luật đã ban hành chất lượng còn chưa cao. Ngoài ra, quá trình phân tích chính sách, đánh giá tác động để soạn thảo luật ở một số lĩnh vực chưa sâu, các khâu của quá trình xây dựng, ban hành pháp luật chưa đồng bộ; việc lấy ý kiến nhân dân chưa thực sự hiệu quảnên một số luật đưa ra còn sơ lược, tính khả thi chưa cao. Khâu tổ chức thi hành pháp luật vẫn là mắt xích yếu, còn không ít vướng mắc tồn tại dai dẳng qua nhiều nhiệm kỳ, chưa được khắc phục triệt để.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hà Dung

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu, bám sát những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật để tìm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng chí tin tưởng Hội thảo sẽ mang lại những kết quả thiết thực, hữu ích, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếukhái quát một số thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật ở Việt Nam trong thời gian qua. Để tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, trong thời gian tới, đồng chí đề xuất hướng rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật xử lý những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là các vấn đề mới nảy sinh như việc phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế; bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về bộ máy nhà nước, nhất là bộ máy hành chính nhà nước theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Chú trọng việc xử lý các khía cạnh pháp lý nảy sinh trong quá trình hội nhập, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều đánh giá cao những tiến bộ của công tác xây dựng và thực hiện hệ thống pháp luật cả ở bình diện chung và trên nhiều lĩnh vực cụ thể như pháp luật về lao động và an sinh xã hội, pháp luật về sở hữu trí tuệ… Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng, triển khai và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, các ý kiến đề xuất việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tiếp tục đổi mới cơ chế, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; tìm kiếm giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi hành pháp luật,...

Điểm cầu trực tuyến tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phân tích, đề xuất của các chuyên gia. Các báo cáo đều sát với tình hình xây dựng, thi hành pháp luật hiện nay, góp phần làm rõ định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng đó trong việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đồng chí khái quát một số nhóm vấn đề cần đi sâu nghiên cứu và triển khai thực hiện theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế với yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường. Hệ thống pháp luật phải thống nhất, đồng bộ, minh bạch, ổn định, có tính khả thi cao, tương thích với pháp luật quốc tế; bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật. Tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh… phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, đồng chí yêu cầu Bộ Tư pháp làm đầu mối, phối hợp các ban, bộ ngành khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình, xác định rõ những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu, các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, tổng hợp kết quả Hội thảo phục vụ tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật; Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan khác sử dụng kết quả Hội thảo trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và thực thi có hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.

LÊ MINH NGỌC

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền