Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách”
Thứ sáu, 03 Tháng 12 2021 10:33
1667 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách”

(LLCT) - Ngày 02-12-2021, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minhphối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội thảokhoa học Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách. Hội thảo được tổ chức trực tuyến giữa 03 điểm cầu Học việnChính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III và Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Ảnh: PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. Nguồn: dangcongsan.vn

Chủ trì Hội thảo có PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk; PGS, TS Đoàn Triệu Long, Quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) được xác định là địa bàn quan trọng của cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Với hơn 5 triệu người sinh sống cùng nhiều thành phần dân tộc đa dạng, phong phú, tỷ lệ đồng bào có tôn giáo ở Tây Nguyên khá cao với 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài cùng một số hiện tượng tôn giáo mới. Điều này đã tạo nên một bức tranh dân tộc, tôn giáo khá sinh động của Việt Nam nói chung và của Tây Nguyên nói riêng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành, nhờ đó, đời sống của đồng bào Tây Nguyên không ngừng được nâng cao. Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên đóng góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới…

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống, tập tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang có biểu hiện dần mai một dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ…Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, bổ sung, hoàn thiện chính sách dân tộc, tôn giáo tại Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nhằm củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Với vị trí, vai trò chiến lược đối với đất nước, giải quyết quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên và với cả nước. Trong nhữngnăm qua, quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên với phương châm “tốt đời đẹp đạo” đã góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những biểu hiện phức tạp. Sự phát triển mạnh mẽ của đạo Tin lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành những cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có cả những tà đạo đã gây ra nhiều hệ lụy trongđời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các phần tử xấu, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những biến đổi về quan hệ dân tộc và tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo và toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự báo về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên, PGS, TS Lê Văn Lợi cho rằng, các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài… sẽ vẫn tiếp tục đường hướng hành đạo để thích ứng, nhập cuộc sâu rộng hơn, toàn diện hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với các tộc người trên địa bàn Tây Nguyên, tiếp tục gắn bó chặt chẽ và đồng hành với dân tộc - quốc gia Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi điều này phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đó cũng là kinh nghiệm lịch sử, là quy luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng.

Đồng thời, sự phát triển của tôn giáo tiếp tục làm rạn nứt, giải thể các thiết chế cộng đồng truyền thống và hình thành, phát triển các cộng đồng tôn giáo - tộc người, tộc người - tôn giáo ở Tây Nguyên, kể cả tính chất liên vùng, liên/xuyên quốc gia và liên khu vực. Sự thay đổi, phân hóa, liên kết, xung đột về tín ngưỡng, đức tin, về sinh hoạt văn hóa, lối sống diễn ra với nhiều cấp độ, không chỉ trong các địa bàn hành chính, trong các cộng đồng tộc người mà cả trong từng buôn làng, giữa các thế hệ, trong mỗi gia đình của các tộc người ở Tây Nguyên. Điều này có những khía cạnh tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không tránh khỏi sự đứt gãy, hẫng hụt về văn hóa, làm mai một các giá trị văn hóa đặc sắc quý báu của các tộc người Tây Nguyên.

Hơn nữa, cùng với sự nổi trội vai trò của tôn giáo và chức sắc tôn giáo trong đời sống cộng đồng các tộc người là sự giảm sút vai trò của già làng, trưởng họ và nhất là sự mờ nhạt vai trò của hệ thống chính trị cơ sở. Điều đó đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển bền vững Tây Nguyên; một vấn đề nữa là, các thế lực thù địch, phản động không những không từ bỏ mà đang tiếp tục lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, xuyên tạc, kích động, làm phức tạp hóa, gây mâu thuẫn, xung đột quan hệ dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên.

Ảnh: Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nguồn: dangcongsan.vn

33 tham luận và 08 ý kiến phát biểu tại Hội thảo của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý đã nhìn nhận, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên:

Một là, làm rõ những đặc điểm về dân tộc, dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên về nguồn gốc, thành phần dân tộc; về đặc điểm kinh tế tộc người; về đặc điểm văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội…; về quan hệ đồng tộc xuyên quốc gia; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; phân hóa thu nhập, giàu nghèo; quan hệ gia đình; vai trò của già làng…

Hai là, làm rõ quá trình du nhập, phát triển của các tôn giáo lớn ở Tây Nguyên như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, các hiện tượng tôn giáo mới và đối ngoại tôn giáo. Tình hình, số lượng tín đồ tôn giáo theo thành phần dân tộc; tỷ lệ tín đồ giữa các tôn giáo; vai trò của chức sắc tôn giáo...

Ba là, nhận diện mối quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên. Sự giao thoa tiếp biến văn hóa, tác động qua lại giữa quan hệ dân tộc và tôn giáo. Tôn giáo làm biến đổi quan hệ dân tộc đồng thời quan hệ dân tộc có những tác động tới yếu tố địa phương hóa của tôn giáo khi vào Tây Nguyên. Xác định một số vấn đề liên quan tới quan hệ dân tộc - tôn giáo khi hình thành cộng đồng tôn giáo - dân tộc ở Tây Nguyên...

Bốn là, xác định xu hướng biến đổi của mối quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên. Quan hệ dân tộc với tôn giáo luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau.Mối quan hệ này diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội vừa có xu hướng mang tính cực, tiêu cực. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động, tìm cách lợi dụng những phức tạp trong vấn đề dân tộc và đời sống tôn giáo để kích động tâm lý bất mãn, chống đối chính quyền, tạo nên những “điểm nóng” về tôn giáo với mục tiêu làm bất ổn tình hình chính trị - xã hội để tiến tới những mục tiêu lớn hơn như kích động ly khai và phá hoại khối đoàn kết giữa các dân tộc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dày công vun đắp.

Năm là, đề xuất giải pháp và gợi ý chính sách phát huy quan hệ tốt đẹp giữa dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước.

MP

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền