Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Toàn quốc kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay
Chủ nhật, 19 Tháng 12 2021 08:32
792 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Toàn quốc kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay

(LLCT) - Chiều ngày 17-12-2021, kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946 – 19-12-2021), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Toàn quốc kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”.

 

PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ Trưởng Vụ Quản lý khoa học và PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chủ trì Hội thảo. 

Hội thảo được kết nối trực tuyến giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV, Học viện Báo chí vàTuyên truyền. Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện, đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; các cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên Viện Lịch sử Đảng. 

Cách đây 75 năm, vào tối ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó chính là lời hịch cứu quốc, lời tuyên bố đanh thép trước kẻ thù xâm lược về ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam triệu người như một nhất tề đứng lên, với tinh thần: “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi khẳng định, 75 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện mở đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, lòng quả cảm, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Khí thế của những ngày toàn quốc kháng chiến vẫn là bản anh hùng ca còn vang vọng mãi, luôn nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; đồng thời, tiếp thêm sức mạnh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 35 bài tham luận của các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu, thảo luận để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, làm rõ bối cảnh lịch sử và âm mưu, dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, kiến thiết đất nước thì kẻ thù lại vi phạm trắng trợn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cố tình phá hoại nền hòa bình quý giá mà toàn thể nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh biết bao xương máu mới có được. Dưới sự hậu thuẫn của các nước tư bản, đế quốc, thực dân Pháp đã bộc lộ rõ dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Ngày 23-9-1945, được sự giúp sức của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai, sau đó từng bước mở rộng đánh chiếm ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ. 

Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiềm chế và tiến hành đàm phán, thương lượng với Pháp nhằm tránh một cuộc chiến tranh không mong muốn xảy ra. Song, thực dân Pháp đã trắng trợn vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Sơ bộ 6-3; thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị (1-6-1946) và tổ chức Hội nghị Liên bang Đông Dương (1-8-1946) hòng chia cắt Việt Nam; không thực tâm đàm phán và phá hoại Hội nghị Phôngtennơblô được tổ chức tại Pháp (từ 6-7 đến 10-9-1946); đặc biệt là vi phạm Tạm ước ngày 14-9-1946, sự nhân nhượng cuối cùng của dân tộc Việt Nam với việc gia tăng vũ lực quân sự tại các tỉnh phía Bắc vĩ tuyến 16, trực tiếp là tại Thủ đô Hà Nội. 

Trước tình hình đó, tối ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Như vậy, Toàn quốc kháng chiến do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã mở đầu cho cuộc chiến đấu tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc. 

Thứ haikhẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và nghệ thuật mở đầu cuộc kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, nêu bật ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam

Trước hành động bội ước, ngang ngược dùng vũ lực quân sự để đẩy căng thẳng leo thang và vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá tình hình và hết sức nhạy bén xử lý tình thế, giành thế chủ động để bước vào cuộc kháng. Đêm ngày 19-12-1946, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Quyết định phát động toàn quốc kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, đúng thời điểm, phản ánh bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, đáp ứng ý chí và khát vọng độc lập, hòa bình, tự do của toàn thể nhân dân Việt Nam. Chọn thời điểm mở đầu chiến tranh đúng lúc, đúng thời cơ, chính là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ già đến trẻ, không biệt giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo; người người xung phong gia nhập lực lượng chiến đấu và các lực lượng phục vụ chiến đấu. Tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, các chiến sĩ “cảm tử quân” sẵn sàng hy sinh để kiềm chân địch. Nhân dân các khu phố - nơi chiến sự xảy ra đã không tiếc nhà cửa, của cải để dựng chiến lũy, tạo chướng ngại vật trên các đường phố nhằm ngăn cản bước tiến của quân thù; sẵn sàng “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không, nhà trống” phục vụ kháng chiến. Quân dân các tỉnh Nam Bộ đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ, phối hợp, chia lửa với cuộc chiến đấu oanh liệt diễn ra tại các đô thị phía Bắc... Thực tiễn những ngày đầu toàn quốc kháng chiến cho thấy tất cả đều chung một ý chí “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”!, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”! 

Với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm cao độ, trong 60 ngày đêm khói lửa, mở đầu toàn quốc kháng chiến, quân dân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong các đô thị để hậu phương có điều kiện tổ chức triển khai thế trận chiến tranh lâu dài; bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, bảo vệ nhân dân, di chuyển tài sản, phương tiện, máy móc... đến các nơi an toàn để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. 

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954), dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ.

Thứ ba, đánh giá tầm vóc và giá trị lịch sử của sự kiện Toàn quốc kháng chiến và đúc kết những bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và  bảo vệ Tổ quốc hiện nay 

Toàn quốc kháng chiến - mở đầu cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra đồng loạt tại Thủ đô Hà Nội và ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, cùng với sự hưởng ứng, phối hợp của quân và dân khắp các địa phương trên cả nước. Đó là cuộc giao chiến hết sức ác liệt nhưng vô cùng hào hùng của quân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước trong 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân ta đã làm tiêu hao một bộ phận sinh lực quân Pháp, bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, kiềm chế, giam chân địch trong các đô thị; tạo điều kiện về thời gian để các cơ quan Trung ương, quân dânThủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16 trở ra tiến hành cuộc tổng di chuyển để xây dựng và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Quyết định đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự của Đảng; thể hiện tinh thần chủ động và tư tưởng chiến lược tiến công, tạo điều kiện để triển khai đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đến ngày toàn thắng. 

Thực tiễn những tháng ngày Toàn quốc kháng chiến đã để lại những bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay. Một là, bài học kinh nghiệm về đánh giá đúng thời cuộc, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và kịp thời đề ra đường lối phù hợp, đáp ứng yêu cầu của lịch sử và lợi ích của toàn dân tộc. Hai là, bài học luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba là, bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi trân trọng cảm ơn sự tham gia, những phát biểu tham luận, ý kiến của các nhà khoa học. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng và thiết thực cho công tác nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về chiến tranh nhân dân, về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, khẳng định sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của Toàn quốc kháng chiến đối với công cuộc bảo vệ độc lập, tự do. Hội thảo đã góp phần vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; qua đó, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử, hạ thấp vai trò của Đảng và phủ định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. 

T.T

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền