Trang chủ    Tin tức    Hội thảo quốc tế về phòng chống tội phạm rửa tiền năm 2021
Thứ năm, 23 Tháng 12 2021 15:54
1371 Lượt xem

Hội thảo quốc tế về phòng chống tội phạm rửa tiền năm 2021

(LLCT) - Ngày 21-12-2021, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo quốc tế về phòng, chống tội phạm rửa tiền. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Ngọc Huyền

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo, về phía các đại diện cơ quan, ban ngành của Việt Nam có: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố; về phía các đại biểu quốc tế, có: Becky Harris, Nguyên Nghị sỹ bang Nevada, Chủ tịch Ban Kiểm soát trò chơi Navada, Viện Trò chơi quốc tế thuộc Đại học Nevada; Micheal Brocklehurst, Chuyên gia thực hành thực thi pháp luật và phòng chống rửa tiền (ABA ROLI); David Shannon, Giám đốc phụ trách đánh giá đa phương, Ban thư ký nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, nhấn mạnh, phòng chống rửa tiền là một trong những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến công cuộc phòng, chống tham nhũng - một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo. Lĩnh vực phòng chống rửa tiền thật sự còn rất mới và khó tiếp cập, do đó đòi hỏi sự phối kết hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành và cả hệ thống chính trị, xã hội trong một quốc gia cũng như sự vào cuộc của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam quan tâm và mong muốn học hỏi kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống rửa tiền nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố và tăng cường hoạt động phòng, chống rửa tiền đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế. Những hành vi rửa tiền gắn liền với các hoạt động phạm tội đã dần được đưa ra ánh sáng, chịu sự điều tra, truy tố, xét xử, trừng trị một cách nghiêm minh, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong nền tư pháp, pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, góp phần bảo đảm tính công bằng, minh bạch và phát triển bền vững. Cuối tháng 11 vừa qua, Chỉnh phủ đã họp và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp việc chỉnh sửa, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền trong năm 2022. Đây là một khởi đầu quan trọng nhằm củng cố hệ thống phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam trong những năm tới.Hội thảo là dịp để các nhà hoạch định chính sách và học giả trao đổi kinh nghiệm quý báu trong việc phát hiện, xử lý những hành vi phạm tội về rửa tiền cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ tình hình tội phạm rửa tiền tại Việt Nam với những phương pháp, thủ đoạn phạm tội tinh vi, hiện đại; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực sòng bạc và trò chơi có thưởng tại Hoa Kỳ; đề xuất những kinh nghiệm cần vận dụng và khuyến nghị nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng và rửa tiền ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Alberto Mora, Giám đốc Chương trình toàn cầu - Chương trình sáng kiến pháp quyền, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA ROLI) chia sẻ, việc trao đổi về pháp lý trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền mang lại lợi ích to lớn cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Phòng, chống tội phạm rửa tiền là một vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, giúp ngăn chặn những tội phạm cơ bản như: tham nhũng, buôn bán ma túy, buôn người, thao túng thị trường, gian lận trốn thuế… Do đó, hợp tác quốc tế về những nội dung này là rất cấp thiết đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Anh Đức nêu rõ một số phương thức, thủ đoạn rửa tiền thường được đối tượng phạm tội áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới như: chia nhỏ số tiền mặt do phạm tội mà có với số lượng dưới mức giá trị của “giao dịch có giá trị lớn” để chuyển vào tài khoản mở tại ngân hàng; thông qua các giao dịch thương mại để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài hoặc để hợp hóa tài sản bất hợp pháp trong nước hoặc nước ngoài; sử dụng hệ thống chuyển tiền thay thế (hệ thống ngân hàng “ngầm”); rửa tiền thông qua mua tiền ảo trong các game trực tuyến; đánh bạc trên mạng internet, rồi dùng tiền ảo quy đổi ra tiền thật có mất phí, hoặc sử dụng tiền ảo cho các giao dịch… Lập các hợp đồng giao dịch khống để tạo thu nhập hợp pháp cho tiền do phạm tội mà có; sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên người khác để rửa tiền; sử dụng chứng minh thư giả, sim rác điện thoại đăng ký mở tài khoản ngân hàng, mua hoặc thuê tài khoản, mua thẻ thanh toán ngân hàng (loại thẻ ghi nợ Debit Card: ATM, Visa Debit và Master Debit) để thực hiện rút tiền, chuyển tiền (do phạm tội mà có) vào các tài khoản khác theo hướng dẫn của các đối tượng phạm tội; rửa tiền thông qua các hoạt động casino hoặc vui chơi giải trí có thưởng...  

Tại Hội thảo, các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền được các đại biểu đề xuất bao gồm: áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về phong tỏa, kê biên, thu giữ tài sản có nguồn gốc do rửa tiền; Quy định thông tin giao dịch đáng ngờ liên quan đến hành vi rửa tiền của cá nhân, tổ chức được Ngân hàng nhà nước thu thập, chuyển đến cơ quan điều tra xử lý; Sử dụng nguồn chứng cứ chứng minh là dữ liệu điện tử và kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế trong phát giác các hành vi phạm tội của đối tượng; khi thu hồi triệt để tài sản của người phạm tội để đảm bảo thi hành án, cần làm rõ nguồn gốc về tài sản, tài sản do phạm tội mà có đồng thời việc điều tra, xử lý tội phạm rửa tiền phải được tiến hành song song với điều tra, xử lý tội phạm nguồn. 

Nguyễn Thị Lan

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền