Trang chủ    Tin tức    Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Lý luận chính trị năm 2021
Thứ tư, 26 Tháng 1 2022 19:03
823 Lượt xem

Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Lý luận chính trị năm 2021

(LLCT) - Ngày 25-1-2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Lý luận chính trị năm 2021. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị chủ trì Hội nghị. PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch lâm thời Liên chi hội Nhà báo Học viện; PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Phó Chủ tịch lâm thời Liên chi hội Nhà báo Học viện đồng chủ trì Hội nghị.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị chủ trì Hội nghị - ẢnhLLCT

Dự Hội nghị có PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện, các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Học viện trực thuộc, các đồng chí là ủy viên Hội đồng Biên tập của Tạp chí, các đồng chí lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ, cùng đông đảo các cộng tác viên, nhà khoa học đã tham gia phản biện, viết bài trên Tạp chí Lý luận chính trị trong năm 2021 tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí báo cáo công tác xuất bản Tạp chí năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Báo cáo nhấn mạnh, năm 2021 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước: Đây là năm diễn ra Đại hội XIII của Đảng và là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội với nhiều nội dung mới, tinh thần mới, khí thế mới. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần nghiên cứu trong cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là năm đánh dấu chặng đường 45 năm hình thành và phát triển của Tạp chí (1976-2021), là dịp để Tạp chí nhìn lại, tổng kết quá trình hoạt động trong những năm vừa qua và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngày 24-9-2021, Tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động hai ấn phẩm (tạp chí in và điện tử), theo đó trang thông tin điện tử của Tạp chí được nâng cấp lên thành Tạp chí điện tử, ấn phẩm tiếng Việt tăng số trang từ 120 lên 160 trang, đánh dấu bước phát triển mới của Tạp chí. Tháng 11-2021, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công bố Quyết định danh mục các tạp chí khoa học, theo đó, cả ba ấn phẩm tạp chí Lý luận chính trị (tạp chí in tiếng Việt, tạp chí điện tử và tạp chí tiếng Anh) đều được xếp hạng tạp chí khoa học với số điểm cao nhất (0-1,0 điểm với liên ngành khoa học chính trị học - triết học - xã hội học; tăng lên 0-0,75 điểm với ngành báo chí - tư tưởng; được 0-0,5 điểm với các ngành khoa học an ninh, lịch sử, kinh tế, luật học).

Về hoạt động xuất bản, trong năm 2021, Tạp chí đã xuất bản 12 số tiếng Việt thường kỳ với 236 bài viết, 04 số tiếng Anh với 70 bài, đăng tải 482 tin bài trên Tạp chí điện tử, trong đó có 142 tin, bài đăng mới. Bên cạnh đó, được sự đồng ý của Giám đốc Học viện, năm 2021 Tạp chí đã tổ chức xuất bản 02 số chuyên đề, đăng tải kết quả nghiên cứu của các giảng viên và nghiên cứu sinh, góp phần hỗ trợ công tác đào tạo của Học viện. 

Bên cạnh các chuyên mục thường kỳ, thực hiện kế hoạch quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện, trong năm 2021, Tạp chí mở thêm 02 chuyên mục: “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống” và “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; duy trì số lượng 3-4 bài mỗi số cho từng chuyên mục. Theo thống kê, đã có trên 40 bài viết chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đăng tải trong chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” và ở các chuyên mục khác. Trong đó có nhiều bài viết sắc sảo, có tính chiến đấu cao, góp phần đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, phản động.

Công tác cộng tác viên có nhiều đổi mới, tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa tòa soạn và cộng tác viên viết bài. Tạp chí đã đưa việc duyệt/phản biện hai chiều trở thành một khâu bắt buộc đối với tất cả các bài viết trong quy trình xuất bản; việc trao đổi giữa tòa soạn và tác giả dần vào nền nếp để hoàn thiện bài viết về cả về nội dung và hình thức, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng bài đăng; đáp ứng yêu cầu về tạp chí khoa học theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, từng bước chuẩn hóa theo các thông lệ quốc tế. Qua thực hiện duyệt/phản biện bài viết, Tạp chí đã từng bước xây dựng và phát huy tốt vai trò của đội ngũ cộng tác viên khoa học, nhất là các cán bộ khoa học đầu ngành, các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong và ngoài Học viện.

Năm 2021, Tạp chí tích cực tham gia các giải báo chí, như Giải Búa liềm vàng, Giải báo chí về Phòng, chống tham nhũng, Giải báo chí toàn quốc về Thông tin đối ngoại... Tạp chí đã đạt Giải C tập thể Giải báo chí Tuyên truyền về công tác dân số; đạt “Giải Khuyến khích Bìa báo Tết ấn tượng” trong Giải “Ấn phẩm báo chí Tiêu biểu năm 2020, đầu năm 2021”. Hoạt động này từng bước khẳng định thương hiệu Tạp chí Lý luận chính trị và góp phần quảng bá hình ảnh Học viện.

Về phương hướng năm 2022, Tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng biên tập bài, tiếp tục tăng cường công tác cộng tác viên, đổi mới thể thức, cấu trúc bài viết theo chuẩn bài viết trên tạp chí khoa học, đổi mới quy trình biên tập, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của Tạp chí, đề xuất xây dựng và đưa phầm mềm mới vào sử dụng quy trình xuất bản trực tuyến nhằm từng bước xây dựng Tạp chí đủ các điều kiện đưa vào danh mục tạp chí khoa học khu vực ASEAN (ACI). Về định hướng viết bài, Tạp chí đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ của Học viện, tiếp tục tập trung quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận. Chủ đề bài viết trong năm 2022 được xây dựng kế hoạch theo từng quý, từng tháng và cụ thể hóa thành từng nhóm vấn đề.

PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị - ẢnhLLCT

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều nhất trí đánh giá cao những nỗ lực và thành quả đạt được của Tạp chí Lý luận chính trị trong năm 2021. PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện khẳng định, trong năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Tạp chí đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, yếu tố quan trọng để làm nên thành công đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, sự hợp tác khoa học và chí tình của đội ngũ đông đảo cộng tác viên của Tạp chí.

PGS,TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao những thành tích và kết quả đạt được của Tạp chí và nhấn mạnh, số lượng bài viết tăng lên 6-10% so với năm 2020 là thể hiện sự phát triển đáng ghi nhận của Tạp chí trong bối cảnh khó khăn chung. Những kết quả đạt được trên mọi mặt hoạt động đã khẳng định được vị thế khoa học của Tạp chí. Phó giáo sư đánh giá cao những đổi mới của Tạp chí về phương thức hoạt động, công tác cộng tác viên, hoàn thiện quy trình phản biện, tiến dần đến với thông lệ quốc tế. Đồng chí đề xuất, trong năm 2022, Tạp chí cần tăng cường đăng các bài về văn hóa, khơi dậy tinh thần khát vọng, tinh thần hăng say nghiên cứu lý luận trong đội ngũ nhà khoa học trong và ngoài Học viện. 

Về đổi mới trong quy trình biên tập: GS,TS Trần Văn Phòng, Thường trực Hội đồng khoa học Học viện, Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí đánh giá cao việc đổi mới quy trình biên tập. Giáo sư nhận xét, quy trình bình duyệt phản biện hai chiều của tạp chí là quy trình quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của tạp chí. Do đó, cần phải phát huy và đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Tạp chí được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá rất cao trong các ngành triết học, chính trị học với điểm tuyệt đối 1 điểm. Trong thời gian tới, Tạp chí cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng bài đăng các ngành kinh tế chính trị, phấn đấu đạt 0,75 điểm trong Danh mục tạp chí khoa học của Hội đồng Chức danh.

PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng tham luận tại Hội nghị - ẢnhLLCT

PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng cho rằng Tạp chí đã nỗ lực cải tiến, có nhiều đổi mới tích cực trên mọi mặt, đã được tăng điểm công trình ở các chuyên ngành, tăng số lượng phát hành, tăng số trang, đó là kết quả nỗ lực của ban lãnh đạo và toàn thể Tạp chí trong năm qua. Đồng chí đề xuất việc xây dựng và chuẩn hóa cấu trúc bài viết theo tiêu chuẩn tạp chí khoa học là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên Tạp chí cần nghiên cứu tập trung xây dựng chuẩn cấu trúc bài ở một số chuyên mục, nhóm bài phù hợp để bảo đảm tính khoa học, chính luận của Tạp chí. 

GS,TSKH Phan Xuân Sơn, Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí cũng đồng quan điểm, cho rằng Tạp chí cần tham mưu với Học viện xây dựng lộ trình để nhanh chóng đưa Tạp chí đạt chuẩn quốc tế, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của các nhà khoa học trong nước. Về quy chuẩn các bài theo cấu trúc bài báo khoa học, Tạp chí cần nghiên cứu để áp dụng linh hoạt tùy vào nội dung, mục đích từng bài viết. 

GS,TS Nguyễn Hùng Hậu, Viện Triết học góp ý, đối với tóm tắt trên Tạp chí hiện nay, cần bổ sung nội dung điểm mới của bài viết, có thể nêu vấn đề mới, các lý giải mới cho vấn đề cũ... 

Về các bài viết đấu tranh, phản biện: PGS,TS Lê Quốc Lý, GS,TS Trần Văn Phòng, PGS,TS Nguyễn Minh Tuấn đều đánh giá cao nội dung các bài viết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống trên Tạp chí Lý luận chính trị trong năm 2021. Các nhà khoa học đánh giá đây là hai chuyên mục đặc biệt, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng - lý luận của Đảng. GS,TS Nguyễn Hùng Hậu đề xuất cần tăng cường hơn nữa tính chiến đấu các bài viết trong chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; cụ thể hóa nội dung: Bảo vệ nền tảng bằng cách nào, như thế nào, từ đó đặt được những bài viết có chất lượng tốt. Các bài viết cần đứng trên nhiều góc độ khác nhau, thể hiện quan điểm khoa học, khách quan, từ đó nâng cao tính thuyết phục của các bài viết. 

PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận tại Hội nghị - ẢnhLLCT

PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất: 1) Tạp chí cần phủ sóng rộng hơn đến hệ thống các trường đại học trong cả nước; 2) qua nhiều năm tham gia chấm các giải báo chí, đồng chí nhận định, Tạp chí hoàn toàn có khả năng và vai trò dẫn dắt các tạp chí trong hệ thống Học viện tham gia các giải báo chí toàn quốc, đặc biệt là giải báo chí chính luận như Búa liềm vàng. Vì vậy cần xây dựng chiến lược, tuyển chọn chuyên gia, tuyến bài, lựa chọn vấn đề, xây dựng lộ trình tham gia các giải báo chí chính luận, khuyến khích các cán bộ, giảng viên tham gia giải và đăng bài trên tạp chí; 3) Tạp chí cần tổ chức thêm các diễn đàn nhằm chia sẻ, tăng cường trao đổi nghiệp vụ xuất bản, biên tập với các tạp chí khác trong hệ thống Học viện, tạo ra mạng lưới báo chí chuyên nghiệp. 

PGS,TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện chính trị khu vực II đề xuất Liên chi hội nhà báo Học viện cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ đối với các tạp chí ở các Học viện khu vực; thiết lập kênh kết nối với các khoa, viện chuyên ngành, xây dựng hệ thống tạp chí ngành dọc để tăng cường chia sẻ thông tin, giúp các tạp chí khu vực tiếp cận được những hình ảnh, sự kiện để bảo đảm tính thẩm mỹ và chất lượng chuyên môn. 

PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhận xét, các ấn phẩm của tạp chí, đặc biệt là ấn phẩm tiếng Anh được cộng đồng quốc tế, các bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao. Thông qua Tạp chí, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về các hoạt động của Học viện, về đất nước và con người Việt Nam. Đồng chí kiến nghị, trong năm 2022, để đẩy mạnh chuyên mục Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, Tạp chí cần xác định trọng tâm vào một số nội dung cụ thể, xây dựng chuyên đề về ba giải pháp đột phá, chuyển đổi số... tăng cường số lượng bài về hợp tác quốc tế, tổng kết kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng lộ trình cụ thể giai đoạn 2022-2025 nhằm đưa tạp chí Lý luận chính trị thành tạp chí khoa học chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia các chương trình chia sẻ tri thức quốc tế; tăng cường hội thảo, tọa đàm quốc tế, xúc tiến việc trao đổi, hợp tác với các trường đại học, nhà xuất bản nước ngoài. Bên cạnh đó, Tạp chí cần nghiên cứu bổ sung một số nhà khoa học quốc tế có uy tín, tăng cường các bài viết quốc tế, các cộng tác viên nước ngoài đăng bài trên tạp chí.

GS,TS Nguyễn Hùng Hậu, Viện Triết học tham luận tại Hội nghị - ẢnhLLCT

GS,TS Nguyễn Hùng Hậu, Viện Triết học nhận định, báo cáo công tác xuất bản năm 2021 đã nêu bật những thành tích của Tạp chí trong năm qua, trong đó về nội dung, Tạp chí có nhiều bài viết đa dạng, đi vào chiều sâu, phân tích lý giải có cơ sở, có tính thuyết phục. 

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Học viện, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, công tác khoa học của Học viện đã có bước nhảy vọt về chất, điều đó phản ánh rõ nét trong các ấn phẩm của Tạp chí Lý luận chính trị. Trong nhiệm vụ năm 2022, Giáo sư đề nghị Tạp chí xác định một số chủ đề, sự kiện lớn để có kế hoạch và chủ động nguồn bài. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị, trong bối cảnh năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức, Tạp chí đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã chuẩn hóa quy trình thẩm định của Hội đồng biên tập. Đồng thời, Tạp chí cũng kịp thời xây dựng các chuyên mục mới, đáp ứng đúng tôn chỉ, mục đích, theo sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Năm 2021, Tạp chí đã thực hiện tăng số trang trong mỗi số xuất bản, đây không chỉ là sự phát triển về mặt số lượng, mà còn thể hiện nỗ lực của Tạp chí nhằm tăng dư địa để các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, đồng chí Giám đốc lưu ý Tạp chí cần tăng đồng đều cả về số lượng và chất lượng bài viết, cần nhìn nhận đúng vai trò, vị thế của Tạp chí, từ đó nghiêm khắc và chặt chẽ hơn nữa trong quy trình xét duyệt bài để tuyển chọn những bài viết thực sự chất lượng, có giá trị khoa học.

Đồng chí Giám đốc đề nghị Tạp chí cần tăng cường các bài viết bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, từ tổng kết thực tiễn để nâng tầm lý luận; cần xây dựng chủ đề, mời các nhóm chuyên gia nghiên cứu thực tế để xây dựng được những bài phản ánh thực tiễn sinh động, chất lượng; cần tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, xây dựng chính sách để tăng tính thực tiễn trong các bài viết, từ đó làm giàu những luận cứ khoa học, tăng tính thuyết phục về khoa học và thực tiễn của từng bài viết. 

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Giám đốc đề nghị Tạp chí xác định, tập trung vào một số nội dung cụ thể, lựa chọn vấn đề, bám sát chương trình hoạt động toàn khóa của Trung ương; lựa chọn trong các vấn đề về xây dựng đảng để xây dựng, triển khai kế hoạch cộng tác viên cụ thể. Khai thác những bài viết trong cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Học viện phát động. Tạp chí cần thể hiện đúng vai, đúng tầm trong công tác tổ chức Liên chi hội nhà báo Học viện, tổ chức hệ thống tạp chí Học viện để bổ trợ lẫn nhau, xây dựng mạng lưới các tạp chí của Học viện có bản sắc riêng, có hệ thống tổ chức khoa học. 

Việc đổi mới, nâng cấp Tạp chí là nhu cầu cần thiết và chính đáng, cần sự tham mưu, vào cuộc của Tạp chí và các đơn vị chức năng trong Hệ thống Học viện. Trong thời gian tới, Tạp chí cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm chia sẻ tri thức quốc tế, coi đó là cầu nối để kết nối với 200 đối tác quốc tế đang hợp tác với Học viện, từ đó khai thác nguồn tri thức khoa học quốc tế, đẩy mạnh việc chuẩn hóa, sớm đưa Tạp chí trở thành tạp chí khoa học quốc tế. 

Toàn cảnh Hội nghị - ẢnhLLCT

PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ của Tạp chí trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát về nhiệm vụ và định hướng phát triển, cũng như sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Giám đốc Nguyễn Xuân Thắng cùng toàn thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với Tạp chí. Thay mặt lãnh đạo Tạp chí, đồng chí cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Hội nghị để cụ thể hóa thành các định hướng, chiến lược, nội dung hoạt động của Tạp chí trong năm 2022. Những đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học là những gợi mở để tập thể lãnh đạo và cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị định hướng phát triển Tạp chí trong giai đoạn mới.

MINH NGỌC - BẢO NGỌC
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền