Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”
Thứ năm, 10 Tháng 2 2022 13:20
1298 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”

(LLCT) - Sáng ngày 9/2/2022, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo” nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh (9/2/1907 – 9/2/2022).

PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Chủ trì Tọa đàm: PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; các đồng chí PGS,TS Đỗ Xuân Tuất và TS Đinh Ngọc Quý Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

Dự Tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thân nhân gia đình đồng chí Trường Chinh.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm, PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, đồng chí Trường Chinh nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, của cách mạng Việt Nam; là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, giàu tinh thần yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, được phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện rõ phẩm chất chính trị kiên định, trí tuệ sắc bén và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Tọa đàm đã nhận được 25 tham luận, từ nhiều góc độ tiếp cận nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học đã đi sâu phân tích ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, phẩm chất cách mạng, đổi mới, sáng tạo của đồng chí Trường Chinh và những đóng góp của đồng chí trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; làm rõ vai trò chủ động, sáng tạo của đồng chí Trường Chinh trong xây dựng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị lực lượng, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ đi lên CNXH.

Quang cảnh buổi Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Tham luận của PGS,TS Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: "Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất, người khởi xướng công cuộc đổi mới"; khẳng định vai trò của đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư hết sức to lớn. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã định ra đường lối kháng chiến hết sức đúng đắn và sáng tạo, “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Xác định được đường lối kháng chiến đúng đắn, tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công.

Một trong những cống hiến xuất sắc của đồng chí Trường Chinh là cùng với Trung ương Đảng tìm tòi, đặt nền móng và trở thành kiến trúc sư cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam, trong đó trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế. Theo đồng chí Trường Chinh, “đổi mới công tác quản lý kinh tế, xóa bỏ lối quản lý hành chính quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa… thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động” là biện pháp có ý nghĩa quyết định để chuyển biến tình hình kinh tế những năm đầu đổi mới.

Với bản lĩnh, tư duy, phong cách đổi mới, sáng tạo, đồng chí Trường Chinh để lại cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, đứng đầu, cán bộ cấp chiến lược nhiều bài học quý giá. Đó là phải giữ vững tư cách của một người cách mạng, mà cốt lõi, xuyên suốt là đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết.

Tham luận tại Tọa đàm, PGS, TS Bùi Đình Phong, khẳng định đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam; trong đó, hàm chứa bản lĩnh và tư duy đổi mới, sáng tạo. Đồng chí luôn ủng hộ cách làm mới, những tìm tòi, thử nghiệm từ thực tiễn. Cách làm việc của đồng chí Trường Chinh hết sức sâu sát, tỉ mỉ, khoa học, tức là cụ thể, thận trọng, chu đáo. Tinh thần đó vừa thể hiện sự đổi mới, vừa bản lĩnh, sáng tạo, vừa trí tuệ, suy nghĩ về lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. 

Đồng chí Trường Chinh còn để lại bài học về đức “dũng”, dám làm, dám ủng hộ cái đúng. Dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; khi có khuyết điểm, sai lầm, dám nhận và sửa chữa.

Phát biểu tại Tọa đàm với tham luận “Đồng chí Trường Chinh với việc xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI của Đảng”, PGS,TS Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí minh và các lãnh tụ của Đảng làm rõ những đóng góp của đồng chí Trường Chinh trong việc xác lập đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đồng chí đã sớm cho tiến hành lập các tổ nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn và chính đồng chí là trưởng đoàn đi khảo sát thực tiễn ở các địa phương trên khắp ba miền của Tổ quốc để tìm câu trả lời cho những vấn đề của đất nước tại thời điểm trước đổi mới. Đây là cơ sở thực tiễn hết sức quan trọng, tạo bước ngoặt trong tư duy đổi mới, sáng tạo của đồng chí Trường Chinh; những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn này đã đóng góp quan trọng vào bước đầu đổi mới tư duy của Đảng, đặc biệt là tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9, 10 (khóa V), là tiền đề chuẩn bị Văn kiện Đại hội VI của Đảng.

Khẳng định đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo kiệt xuất, người đi đầu khởi xướng và là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới, các tham luận tại Tọa đàm đi sâu phân tích những quan điểm của đồng chí về đổi mới. Đó là để tiến hành đổi mới toàn diện, phải bắt đầu từ việc “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, phải từ thực tiễn khái quát thành lý luận, và lý luận đó dẫn đường cho thực tiễn, tiếp tục được bổ sung, phát triển qua vận dụng trong thực tiễn. Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, đặc biệt là đổi mới tư duy kinh tế để tháo gỡ những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế. Đổi mới kinh tế phải gắn với đổi mới hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác xây dựng Đảng.

Một số tham luận cũng đã đề cập đến những hoạt động của đồng chí Trường Chinh khi tổng kết những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam: “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”; trong công tác lãnh đạo “phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế”; phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng… Đây là những bài học vô cùng quý giá, có ý nghĩa thời sự cho đến hiện nay.

Phát biểu bế mạc và tổng kết Tọa đàm, PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nêu rõ, Tọa đàm khoa học kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vừa kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng và đón chào Xuân Nhâm Dần 2022, đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống; thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, noi gương đồng chí Trường Chinh,chúng ta quyết tâm phấn đấu, nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái, ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vững bước đi lên CNXH, xây dựng đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

TẠ PHƯƠNG LIÊN

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền