Trang chủ    Tin tức    Đồng chí Lê Duẩn - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam
Thứ năm, 07 Tháng 4 2022 10:12
899 Lượt xem

Đồng chí Lê Duẩn - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2022), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Lê Duẩn - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Các đồng chí chủ trì Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì tọa đàm. Đồng chủ trì có PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS, TS Đỗ Xuân Tuất và TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo một số vụ, viện của Học viện, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Lê Duẩn; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông đến dự và đưa tin.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều cương vị công tác trên nhiều địa bàn của đất nước, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lê Duẩn tên khai sinh là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông (nay thuộc xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng. Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và hăng hái tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng, đồng chí đã trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tin cậy giao đảm nhận nhiều cương vị, trọng trách quan trọng: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1937 - 1939); Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ (1946 - 1947); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1947 - 1951); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951 - 1954); Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960 - 1976); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1976 - 1986).

Gần 30 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã đi sâu phân tích, luận giải và làm sáng tỏ những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Một số tham luận đã tập trung phân tích làm rõ ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đối với việc hình thành nhân cách, chí hướng yêu nước, cách mạng và tài năng của đồng chí Lê Duẩn. Tỉnh Quảng Trị, nơi trong lịch sử tồn tại và phát triển từng được coi là trọng trấn của biên giới, có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Trong điều kiện như vậy, con người Quảng Trị đã hình thành những truyền thống tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người, cùng với đó là sự cần cù, chịu khó, không khuất phục trước khó khăn, gian khổ...

Sinh ra tại Triệu Phong, Quảng Trị, trong gia đình dòng họ Lê Văn có truyền thống yêu nước, hiếu học, nhiều người đỗ đạt. Các vị tiền nhân của dòng họ Lê Văn khi ra làm quan đều yêu nước thương dân. Thân phụ của đồng chí Lê Duẩn là ông Lê Văn Hiệp, một khóa sinh, thân mẫu là bà Võ Thị Đạo cũng là một phụ nữ phúc hậu, hay giúp đỡ người nghèo.

Truyền thống của quê hương, gia đình, chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước, trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn đã hun đúc lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc, từ đó hình thành tư tưởng cứu nước và sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào yêu nước.

Nền tảng truyền thống quê hương đã nuôi dưỡng, hun đúc nên cốt cách, chí khí cách mạng; bồi đắp hoài bão, khát vọng, phẩm chất cách mạng để đồng chí Lê Duẩn vững bước trên con đường cách mạng vinh quang và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Một số tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã khẳng định, đồng chí Lê Duẩn là người cộng sản kiên trung thế hệ đầu tiên của Đảng. Tham gia hoạt động cách mạng từ những năm cuối thập niên 20, thế kỷ XX, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Đồng chí đã vượt qua mọi thử thách, chông gai, sự tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù tại các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La và “địa ngục trần gian” Côn Đảo, giữ vững lý tưởng cộng sản và chí khí chiến đấu vì nước, vì dân. Sau mỗi lần thoát khỏi ngục tù đế quốc, đồng chí lại hòa mình vào các cuộc đấu tranh cách mạng, dấn thân và cống hiến ở những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng. Bất chấp mọi thử thách của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, cũng như những năm tháng hoạt động trong vùng địch tạm kiểm soát, đồng chí luôn luôn nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm khẳng định, đồng chí Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Với 79 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo, ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và tài năng của người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Một số tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã tập trung phân tích và đi tới thống nhất khẳng định: Đồng chí Lê Duẩn - nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Điều này thể hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng, đồng chí đã có những cống hiến to lớn trong việc hình thành đường lối, chiến lược cách mạng của Đảng. Tiêu biểu như góp phần quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng (Hội nghị Trung ương 6, 11-1939), tạo tiền đề lý luận quan trọng hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã đề xuất với Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng; về việc vận động giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức yêu nước tham gia kháng chiến… Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tư duy lý luận sắc sảo và sự sâu sát thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn đã trực tiếp soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam-cơ sở lý luận quan trọng hình thành Nghị quyết 15 (khóa II) về con đường đấu tranh giải phóng miền Nam.

Những cống hiến lý luận nổi bật của đồng chí Lê Duẩn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện trong những tư tưởng chiến lược, đó là: Tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; Tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; Quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; Tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp.

Những tư tưởng chiến lược nói trên của Đảng - mà người thiết kế chủ yếu là đồng chí Lê Duẩn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta lập nên những chiến công lịch sử có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.

Bên cạnh những cống hiến lớn về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng, đồng chí Lê Duẩn còn để lại một di sản lý luận lớn về cách mạng XHCN, về mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam...

Trong điều kiện đất nước vừa trải qua những năm dài chiến tranh tán phá nặng nề, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém, với tâm huyết, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, đồng chí Lê Duẩn luôn trăn trở, tìm tòi những bước đi, cách làm mới để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo không ngừng tổng kết thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta, trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN. Những bước tìm tòi, đổi mới tư duy của đồng chí về “bước đi ban đầu”, “làm cho sản xuất bung ra”, chỉ đạo ban hành Chỉ thị 100 - CT/TW về khoán sản phẩm trong nông nghiệp… là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước tại Đại hội VI (tháng 12-1986).

Tư duy lý luận sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn luôn luôn bắt rễ từ thực tiễn Việt Nam, từ truyền thống văn hóa - tinh thần Việt Nam, từ thực tiễn đi tới lý luận, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn; luôn luôn dị ứng với mọi biểu hiện xơ cứng, sao chép, mô phỏng của chủ nghĩa giáo điều.

Trên hướng tìm tòi đúng đắn đó, có nhiều vấn đề được đồng chí làm sáng tỏ về mặt lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, sáng tạo; cũng có nhiều vấn đề còn quá mới, còn ở bước đầu khai phá, thử nghiệm, chưa thật đầy đủ, chưa thật sáng tỏ, đòi hỏi cần có thời gian để bổ sung, phát triển, hoàn thiện thêm. Có những vấn đề cũng chưa vượt lên khỏi mô hình kinh tế đang bao trùm cả hệ thống các nước XHCN lúc bấy giờ.

Điều chủ yếu toát lên từ tấm gương của đồng chí Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, luôn khuyến khích tranh luận để tiếp cận chân lý. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện quy luật, vận dụng cho được quy luật (quy luật chiến tranh nhân dân, quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, quy luật kinh tế, văn hóa, tư tưởng...) vào thực tiễn đời sống, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý.

Có thể khẳng định, trên bình diện nhà lý luận, đồng chí Lê Duẩn đã thực sự có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm lý luận của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Những quan điểm lý luận của đồng chí Lê Duẩn là sự bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc và CNXH.

Một nội dung được các tham luận đề cập nhiều, đó là đồng chí Lê Duẩn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách cộng sản mẫu mực. Trọn cuộc đời, đồng chí Lê Duẩn luôn sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh từng bước được đồng chí Lê Duẩn thấm nhuần và cụ thể hóa bằng đường lối, chính sách của Đảng, bằng hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta, góp phần rất lớn đem đến thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đồng chí luôn kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn thể hiện rõ tinh thần và nhân cách cao đẹp của người cộng sản, thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, nhân ái và bao dung, thương yêu, gắn bó với nhân dân. Đồng chí luôn hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời chiến đấu kiên cường của đồng chí Lê Duẩn cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng là một tấm gương sáng chói về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, về ý chí và tinh thần cách mạng tiến công, về một tư duy không ngừng nghỉ để tìm tòi, sáng tạo; về tình cảm nồng nàn, tha thiết với Tổ quốc và nhân dân, với đồng chí và đồng bào.

Tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Lê Duẩn sẽ sống mãi với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

MINH PHƯƠNG

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền