Trang chủ    Tin tức    Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An
Thứ ba, 26 Tháng 4 2022 15:49
686 Lượt xem

Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An

(LLCT) - Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022), chiều ngày 25-04-2022, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: baonghean.vn

Đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội thảo. Các đồng chí TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An; đồng chí TS Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An, đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Phan Đăng Lưu; đại biểu các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời cách mạng cao đẹp và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng và lý tưởng của Đảng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05-5-1902 tại thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước. Năm 1925, Phan Đăng Lưu đã tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và được kết nạp vào Hội Phục Việt - tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội, Tân Việt Cách mạng Đảng rồi phát triển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 9-1929, trên đường sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị mật thám Pháp bắt ở Hải Phòng, đưa về giam tại Nhà lao Vinh rồi bị đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong lao tù đế quốc, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Ban lãnh đạo Nhà tù. Giữa năm 1936, được trả tự do, đồng chí lại lao ngay vào hoạt động cách mạng.

Năm 1937, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng với các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn tổ chức lập lại Xứ ủy Trung Kỳ và được cử tham gia Ban lãnh đạo Xứ ủy. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 9-1937, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng. Tháng 9-1939, đồng chí được cử vào Nam và cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939, quyết định thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và đảm nhận nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương hoãn Khởi nghĩa Nam Kỳ. Khi vừa về tới Sài Gòn vào ngày 22-11-1940, đồng chí bị mật thám Pháp bắt. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23-11-1940), Tòa án binh Pháp đã buộc đồng chí chịu trách nhiệm về cuộc khởi nghĩa và kết án tử hình. Ngày 26-8-1941, tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số cán bộ lãnh đạo khác của Đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo - Ảnh: baonghean.vn

Với 30 tham luận và các ý kiến phát biểu, Hội thảo đã tập trung nghiên cứu, luận giải, khái quát về cuộc đời hoạt động và cống hiến của đồng chí Phan Đăng Lưu, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Một là, một số bài viết và tham luận tại Hội thảo đã đi sâu phân tích ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí cứu nước, cứu dân và nhân cách cộng sản cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu. Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. Từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành,với ý chí, nghị lực và khát vọng lớn lao, đồng chí sớm bước vào con đường hoạt động cách mạng. Quá trình chuyển biến chủ nghĩa yêu nước chân chính chuyển sang lập trường vô sản của đồng chí Phan Đăng Lưu gắn liền với quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai là, nhiều tham luận tập trung nghiên cứu những hoạt động phong phú của đồng chí Phan Đăng Lưu và đi đến khẳng định: Đồng chí Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo tài năng, nhạy bén của Đảng và cách mạng Việt Nam. Sau 7 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân, ra khỏi tù (mùa Hè năm 1936), đồng chí Phan Đăng Lưu lại tiếp tục hoạt động cách mạng tại Huế. Đồng chí bắt liên lạc với tổ chức Đảng (tháng 8-1936) và tích cực tham gia khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ. Khi Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ được tái lập (tháng 3-1937), đồng chí Phan Đăng Lưu được cử là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách bộ phận công khai, hợp pháp. Đồng chí tích cực tham gia chỉ đạo tổ chức thành công các cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ ở Trung Kỳ đòi các quyền dân sinh, dân chủ của nhân dân, tiêu biểu như phong trào Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ (tháng 9-1936); đón tiếp phái đoàn của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp do Gôđa dẫn đầu sang điều tra tình hình ở Đông Dương (tháng 2-1937); Hội nghị báo giới Trung Kỳ (tháng 3-1937); cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ (tháng 8-1937 và tháng 7-1939)… Đồng thời, chăm lo xây dựng các đoàn thể quần chúng như: Hội Ái hữu, Hội Tương tế, Nhóm Đọc sách báo...; đồng chí luôn quan tâm và góp phần quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ ưu tú, sau này trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như: Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu), Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Trần Quỳnh…

Từ đóng góp trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng, tháng 9-1937, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã được bầu vào Trung ương Đảng. Đồng chí được cử vào Nam Kỳ hoạt động để tăng cường bộ máy lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí trong Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 11-1939.

Năm 1940, khi hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương bị thực dân Pháp bắt, nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tiến hành khởi nghĩa, với tư duy nhạy bén, đồng chí Phan Đăng Lưu sớm nhận thức được yêu cầu phải khẩn trương tổ chức tái lập lại Ban Chấp hành Trung ương và kiên trì đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa, chờ ý kiến chính thức của Trung ương. Đồng chí đã lên đường ra Bắc và tham gia tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940. Hội nghị đã thành lập Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư và quyết định hoãn Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là những quyết định thể hiện vai trò, cống hiến và tài năng lãnh đạo của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Ba là, một số tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo thống nhất khẳng định: Đồng chí Phan Đăng Lưu - Người cộng sản kiên trung, bất khuất. Lựa chọn lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân, cuộc đời đồng chí Phan Đăng Lưu là tấm gương tiêu biểu của người thanh niên yêu nước nhiệt thành. Đồng chí đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.  

Khi bị giam cầm, đày ải trong nhà tù đế quốc (1929-1936), đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước những âm mưu dụ dỗ, những đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù; luôn thương yêu, đoàn kết giúp đỡ các bạn tù, cùng với các chiến sĩ cộng sản kiên trung khác biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí, bản lĩnh người chiến sĩ cộng sản.

Trong cuộc đấu tranh cách mạng đầy cam go, thử thách, đồng chí luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuyệt đối phục tùng sự điều động, phân công của tổ chức, sẵn sàng đi đến những nơi nguy hiểm nhất, gay go, ác liệt nhất. Đồng chí đã sát cánh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo phong trào cách mạng phát triển. Khi hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị mật thám Pháp bắt, là người duy nhất còn lại trong Trung ương, đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, khẩn trương tổ chức việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương mới, lãnh đạo phong trào cách mạng và kịp thời đề ra chủ trương tạm hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ.

Khi bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình (tháng 11-1940 đến tháng 8-1941), trước tòa án thực dân, đồng chí Phan Đăng Lưu đã hiên ngang, giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, vững tin vào tương lai tươi sáng của cách mạng cho đến lúc anh dũng hy sinh. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng của người chiến sĩ cộng sản.

Bốn là, Đồng chí Phan Đăng Lưu - Người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Đây là nội dung đề cập tới trong một số tham luận và bài phát biểu chào mừng Hội thảo của đồng chí TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Thông đại diện Thường trực tỉnh ủy Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nghệ An - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, anh hùng và cách mạng, kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, Phan Đăng Lưu đã sớm hình thành chí hướng cách mạng cứu nước, cứu dân. Nghệ An chính là nơi ươm mầm và phát triển hạt giống yêu nước, cách mạng và hình thành nên nhân cách cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu. Đây cũng là nơi ghi dấu hành trình người thanh niên Phan Đăng Lưu từ người trí thức yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản ưu tú, một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.

Trở thành một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Xứ Nghệ. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An mãi mãi tự hào về đồng chí Phan Đăng Lưu, nhà lãnh đạo tài đứcvẹn toàn,ra sức phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Xôviết Nghệ - Tĩnh anh hùng, đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, giành nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các bậc tiền bối cách mạng trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu.

TS TRẦN THỊ HUYỀN

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền