Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Đồng chí Văn Tiến Dũng - Nhà chính trị, quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”
Thứ sáu, 29 Tháng 4 2022 15:28
1499 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Đồng chí Văn Tiến Dũng - Nhà chính trị, quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

(LLCT) -  Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Văn Tiến Dũng (2-5-1917 – 2-5-2022), chiều ngày 28-4-2022, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Văn Tiến Dũng - Nhà chính trị, quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ trì Tọa đàm; cùng chủ trì có các đồng chí PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS,TS Đỗ Xuân Tuất và TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. 

Dự Tọa đàm có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, đại diện gia đình đồng chí Văn Tiến Dũng.

PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Đồng chí Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội), trong một gia đình công nhân nghèo, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Kế thừa truyền thống quê hương, gia đình, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và ý chí cách mạng. Đồng chí là một vị tướng dày dặn về chính trị và kinh nghiệm chiến trường, có những đóng góp quý báu vào việc xác lập và tăng cường vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tọa đàm đã nhận được hơn 20 tham luận, từ nhiều góc độ tiếp cận nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học đã làm rõ những dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Văn Tiến Dũng. Qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có trên 45 năm công tác trong Quân đội và đóng góp to lớn đối với sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí là tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, phát biểu tham luận tại Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Tham luận của PGS,TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, “Hoạt động, cống hiến của đồng chí Văn Tiến Dũng với phong trào công nhân Hà Nội (1936-1939), đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng, phong trào công nhân Hà Nội liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh tập trung vào những vấn đề cấp thiết về đời sống: Đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sa thải thợ, thành lập các hội ái hữu, hiếu hỷ, đội bóng đá, giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những công nhân ưu tú cho Đảng. Phong trào công nhân đã triệt để lợi dụng thời cơ được hoạt động công khai để mở rộng tổ chức của mình, lập các hội ái hữu phát triển khá sâu rộng và vững chắc. Tinh thần đấu tranh của công nhân đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân lao động và các giới trong toàn thành phố.

Đỉnh cao của phong trào công nhân Hà Nội, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư và Thành ủy Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã tham gia lãnh đạo quần chúng tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng với trên 2 vạn công nhân lao động Hà Nội và đại biểu các tỉnh lân cận tham gia.

Trong các tham luận gửi tới Tọa đàm, PGS,TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nêu rõ, trong thế hệ các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng có những đóng góp to lớn trong tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự. 

Chỉ 6 năm sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ký Quyết định số 172/QĐ-QP ngày 28-5-1981 thành lập Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đây là cơ quan trung tâm đầu ngành khoa học lịch sử quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thành lập Viện Lịch sử quân sự là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, nhưng cần phải khẳng định vai trò của người lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng lúc đó là Đại tướng Văn Tiến Dũng với tầm nhìn về công tác lịch sử quân sự và tổng kết chiến tranh. Ông cho rằng nghiên cứu lịch sử quân sự là một sứ mệnh to lớn, nặng nề nhưng vẻ vang. Lịch sử giao phó cho chúng ta trách nhiệm đó. Chỉ có nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống lịch sử anh hùng của dân tộc từ xưa đến nay, đặc biệt là lịch sử quân sự và tổng kết các cuộc chiến tranh vừa qua thì mới có thể phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng khẳng định, đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của Quân đội, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng tiến công, đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của đồng chí Văn Tiến Dũng là một di sản tinh thần quý báu của Đảng, Quân đội và nhân dân ta.

Phát biểu bế mạc và tổng kết Tọa đàm, PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nêu rõ, Toạ đàm khoa học “Đồng chí Văn Tiến Dũng - Nhà chính trị, quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” được tổ chức trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực, khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, với ý chí, quyết tâm, nghị lực và niềm tin cách mạng, Toạ đàm là sự kiện có ý nghĩa thiết thực để thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ thêm công lao, cống hiến của đồng chí Văn Tiến Dũng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

TẠ PHƯƠNG LIÊN

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền