Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Phương pháp tiếp cận, nghiên cứu những phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ sáu, 10 Tháng 6 2022 18:51
904 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Phương pháp tiếp cận, nghiên cứu những phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Ngày 9- 6-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: Phương pháp tiếp cận, nghiên cứu những phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài KX.04.02 “Những phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới” thuộc Chương trình KX.04/21-25 "Nghiên cứu khoa học lý luận giai đoạn 2021 - 2025", do PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.

PGS, TS Tô Huy Rứa phát biểu đề dẫn Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Tham dự Tọa đàm có PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương; Ban chủ nhiệm Chương trình KX.04; đại diện các cơ quan báo chí của Trung ương và của Học viện; GS, TS Hoàng Chí Bảo và các đồng chí thành viên chính của đề tài KX.04.02; các nhà khoa học cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS Tô Huy Rứa nhấn mạnh, Tọa đàm là buổi sinh hoạt khoa học quan trọng, những nội dung trao đổi, thảo luận sẽ định hướng các hoạt động của các nhóm nội dung của đề tài, gồm: lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thành tựu tổng kết lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới: chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là nội dung cơ bản của lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta. Do đó, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới cần bao quát, toàn diện các nội dung trên. 

Nghiên cứu sự phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trước hết cần làm rõ, trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa, tư tưởng đó trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới, từ đó nhận rõ những giá trị bền vững cần khẳng định và những vấn đề cần phải tiếp tục bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn thế giới đang thay đổi ngày nay. 

Chủ nghĩa xã hội Việt Nam, với những đặc trưng giá trị và bản sắc Việt Nam, vừa là sản phẩm của đổi mới, là kết quả sinh thành từ thực tiễn đổi mới được lý luận hóa, vừa làm nên giá trị cốt yếu của đổi mới. Do đó, đổi mới của Việt Nam trải qua bốn thập kỷ nay là thực tiễn to lớn, sống động mang tầm vóc cách mạng; là một cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để, vừa khẳng định giá trị của chủ nghĩa xã hội, vừa minh chứng cho sức sống và triển vọng của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, khi nghiên cứu “những phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới” cần nhận thức rõ đó là nội dung rộng lớn, có tính chất phức tạp. 

Đảng lãnh đạo và cầm quyền chẳng những là người khởi xướng tư tưởng đổi mới mà còn là người tổ chức, thực hiện công cuộc đổi mới, hoạch định đường lối đổi mới với tư cách là chủ thể đổi mới và sáng tạo.Quá trình nghiên cứu cần gắn với tổng kết thực tiễn, tổng kết thực tiễn từ chỗ đứng của tư duy lý luận, kiểm chứng lý luận từ thực tiễn và từ thực tiễn để phát hiện, phát triển lý luận mới. Thực tiễn ấy không chỉ là thực tiễn đổi mới của Việt Nam mà còn là thực tiễn biến đổi của thế giới, của các quan hệ quốc tế, của thời đại và thời cuộc hiện nay với tác động đan xen phức tạp của hàng loạt yếu tố, cả thuận và nghịch, cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn trong phát triển và trên con đường phát triển của Việt Nam. 

Từ đối tượng, nội dung và đặc điểm đó của đề tài, cần thiết phải xác định hợp lý các phương pháp tiếp cận: Phương pháp nghiên cứu hệ thống - chỉnh thể để nghiên cứu toàn diện về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo đó, chủ nghĩa xã hội được nhận thức là lý tưởng và mục tiêu; chủ nghĩa xã hội là một học thuyết lý luận khoa học và cách mạng; chủ nghĩa xã hội là một phong trào hiện thực; và chủ nghĩa xã hội là một kiểu chế độ xã hội mới được sinh thành, phát triển và hoàn thiện như một quá trình lịch sử lâu dài, phủ định biện chứng chủ nghĩa tư bản để định hình xã hội xã hội chủ nghĩa và định hướng phát triển chủ nghĩa xã hội, làm chín muồi dần dần và bộc lộ đầy đủ bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn xây dựng và tổ chức đời sống xã hội ở nước ta.

Phương pháp tiếp cận lôgic và lịch sử, kết hợp tính phổ biến với tính đặc thù để nghiên cứu tính tất yếu lịch sử khách quan của việc lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng như những sáng tạo thuộc về nỗ lực chủ quan của chủ thể là Đảng ta trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thực hiện “phát triển rút ngắn” và “quá độ gián tiếp” tới chủ nghĩa xã hội, thông qua đổi mới, hội nhập, phát triển và hiện đại hóa đất nước.

Tiếp cận các quan hệ trên quan điểm thực tiễn, lịch sử - cụ thể, đổi mới và phát triển. Đó là quan hệ giữa dân tộc với quốc tế, với thời đại; giữa truyền thống và hiện đại; giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội; giữa kế thừa với đổi mới và phát triển; giữa kinh tế với chính trị, xã hội, môi trường và văn hóa… để nhận thức và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tập trung trong quá trình tìm tòi, phát triển lý luận của Đảng ta với các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, các phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, của đổi mới và phát triển ở Việt Nam.

Từ những hướng tiếp cận đó, để nghiên cứu sự phát triển lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, PGS, TS Tô Huy Rứa nhấn mạnh, có thể cần phải áp dụng những phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, kết hợp phân tích và tổng hợp, kết hợp tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và dự báo trên cơ sở đánh giá thực trạng, phát hiện những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đổi mới, xu hướng và triển vọng phát triển đất nước.

Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Tọa đàm nhận được hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu, trong đó có 6 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm tập trung phân tích làm rõ những nội dung, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu cần thực hiện nhằm nghiên cứu toàn diện, đầy đủ và hệ thống về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS, Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, nêu rõ những phương pháp tiếp cận, nghiên cứu về tính phổ biến và tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới. Theo đó cần nắm vững quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin để tiếp cận về tính phổ biến, tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới, đồng thời cần đánh giá đúng những thành tựu và hạn chế về nhận thức tính phổ biến, tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ trước cải tổ, cải cách, đổi mới, từ đó có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu tính phổ biến, tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời gian qua.  

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ một số phương pháp luận về cách tiếp cận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; xác định cấu trúc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó đảm bảo, thống nhất cách tiếp cận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ nhận thức đó cần xác định mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính lâu dài; đồng thời tổng kết sự phát triển lý luận của Đảng không tách rời xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế. Nghiên cứu sự phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cần đặt trong lý luận về chủ nghĩa xã hội của Mác - Ăngghen và phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn đất nước.

Trình bày phương pháp tiếp cận nghiên cứu đề tài KX.04.02 tại Tọa đàm, PGS, TS Trần Khắc Việt, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nêu rõ, để nghiên cứu sáng rõ, đầy đủ, toàn diện về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần vận dụng các phương pháp tiếp cận, nghiên cứu như: (1) phương pháp lịch sử và lôgíc để trả lời câu hỏi quá trình phát triển lý luận, nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta gần 40 năm qua đã diễn ra như thế nào? (2) phương pháp kết hợp giữa phân tích và tổng hợp để khái quát được đầy đủ, toàn diện quá trình đổi mới của đất nước trên các phương diện kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… ; đồng thời qua đó có thể khái quát được sự phát triển tư duy lý luận của Đảng gắn với thực tiễn phát triển đất nước qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. (3) Phương pháp so sánh để tìm ra những tương đồng và khác biệt trong tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với lý luận chính trị thế giới về chủ nghĩa xã hội. (4) Tiếp cận theo hướng tổng kết lý luận qua đó cần khẳng định: những phát triển lý luận của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua 40 năm đổi mới là đúng hướng; thành tựu đạt được là sự trung thành, kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đã thể hiện tính mở, phù hợp với tư duy lý luận chính trị của thế giới.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, GS, TS Hoàng Chí Bảo đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã tập trung phân tích làm sáng tỏ các nội dung cần triển khai nghiên cứu, các phương pháp tiếp cận cần thực hiện để có thể nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là những tư liệu quý có giá trị tiền đề, tham khảo trong xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài, đồng thời cũng là những sản phẩm bước đầu tham gia vào quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ta thời gian tới. 

NGUYỄN THỊ LAN

 

  

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền