Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng - Lý luận và thực tiễn”
Thứ hai, 05 Tháng 9 2022 12:56
1010 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng - Lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng 31-8-2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng - Lý luận và thực tiễn”. PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và PGS, TS Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng; các vụ, viện trong Học viện cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định về quy trình; thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ với nhiều văn bản cụ thể; về nâng cao giá trị văn hóa liêm chính, công minh; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, buông lỏng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong thực tiễn ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị cho thấy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chủ yếu mới mang tính nguyên tắc chung, việc nhận diện, xác lập căn cứ để chỉ rõ vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ còn khó khăn, lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự mạnh, làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng sử dụng quyền lực được giao, lợi dụng danh nghĩa tập thể để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn diễn biến phức tạp. Nơi này, nơi khác vẫn còn tình trạng bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, gây dư luận không tốt. Chế tài xử lý với những vi phạm về sử dụng quyền lực trong công tác cán bộ chưa đủ mạnh mẽ…

Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng - Lý luận và thực tiễn” sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng các quy định, thiết lập các cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay.

Hơn 50 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích làm sáng tỏ những nội dung sau:

Một là, những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực và vận dụng trong thực tiễn công tác cán bộ của Đảng hiện nay

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực thể hiện thông qua thể chế, tổ chức và nguồn lực. Thể chế là các quy định Hiến pháp và hệ thống các đạo luật, nhất là Luật tổ chức nhà nước (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương và các đạo luật chuyên ngành như thanh tra, hình sự, dân sự, luật ngân sách, quy hoạch, đất đai…). Tổ chức bộ máy là hệ thống tổ chức gồm Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát và hệ thống chính quyền địa phương. Nguồn lực là tất cả các chủ thể thực hiện các quá trình kiểm soát quyền lực. Trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực tốt thực chất là thực hiện tốt mối quan hệ giữa các đối tượng này.

Phân tích thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ, PGS, TS Ngô Huy Tiếp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc xác định thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn là nền tảng để xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác cán bộ là những quyền lực được cấp trên trao cho để thực hiện những nội dung công tác cán bộ của đảng bộ mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quyền lực đó.

Tại Hội thảo, các tham luận phân tích làm rõ nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội đối với vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, góp phần tạo sự đồng bộ, chặt chẽ, có hệ thống trong thực hiện công tác này ở phạm vi toàn Đảng.

Hai là, thực trạng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay

Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo đánh giá, những năm qua, công tác cán bộ, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta quan tâm, coi trọng. Đảng ta đã chú trọng hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Điều 2 của Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” ghi rõ: “1. Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. 2. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta đặt ra yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít cán bộ, công chức các ngành, các cấp, kể cả cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,  nhận định, lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ nói chung và công tác bổ nhiệm cán bộ nói riêng. Hậu quả là, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có số lượng không nhỏ cán bộ trung - cao cấp bị kỷ luật với các hình thức và mức độ khác nhau.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật nhận định, một số hạn chế trong kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ ở nước ta hiện nay chủ yếu là do chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, dẫn đến tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ để tư lợi hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”. Việc kiểm soát quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới còn lỏng lẻo, thiếu thường xuyên; kiểm soát của cấp dưới, của nhân dân chưa thực sự khả thi và hiệu quả. Cơ quan chuyên trách kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói riêng chưa đủ mạnh, tạo ra những sơ hở, bất cập cho kiểm soát quyền lực. Do đó, các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cần hướng đến tháo gỡ các vướng mắc này.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đề xuất một số giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay như: phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân được trao quyền trong công tác cán bộ; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; quy định rõ ràng tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan trong hệ thống chính trị, công khai, minh bạch để có cơ sở để thực hiện giám sát, kiểm tra; đổi mới hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác cán bộ theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ.

NGUYỄN THỊ LAN

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền