Trang chủ    Tin tức    Hội thảo quốc tế “Vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Từ lý luận đến thực tiễn - Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam”
Thứ hai, 17 Tháng 10 2022 10:11
1828 Lượt xem

Hội thảo quốc tế “Vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Từ lý luận đến thực tiễn - Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 13-10-2022, tại Hà Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kết hợp với Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo quốc tế “Vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Từ lý luận đến thực tiễn - Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam”.

PGS, TS Dương Trung Ý phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; ông Axel Blaschke, Trưởng Đại diện FES tại Việt Nam và TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; PGS, TS Thái Văn Long, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế; PGS, TS Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; PGS, TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; TS Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; TS Nguyễn Thị Hà, Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học; PGS, TS Đinh Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế; cùng nhiều nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Dương Trung Ý khẳng định vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động chống lại áp bức, bóc lột, bất công để giành lấy sự công bằng, bình đẳng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi phương diện, mọi lực lượng trong xã hội, mà trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất là đến giai cấp công nhân, làm nảy sinh những biểu hiện mới về đặc điểm và sứ mệnh của giai cấp công nhân hiện đại ở các quốc gia, trong đó có Đức và Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu đề làm sáng tỏ, sâu sắc về vai trò và sứ mệnh của giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ góc độ tiếp cận lý luận và thực tiễn kinh nghiệm ở Đức và Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Gần 20 tham luận và 15 lượt ý kiến tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, trên phương diện lý luận, thấy được những cách tiếp cận khác nhau về giai cấp công nhân, nhưng vẫn thể hiện những đặc tính chung, dù ở bối cảnh nào, thời điểm nào; thống nhất những nội dung về vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân từ cách tiếp cận của hệ thống lý luận tiến bộ, cách mạng; cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, trên phương diện thực tiễn, tập trung phân tích để thấy sự biến đổi về đặc điểm và vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân ở Đức và Việt Nam trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, đặt ra những vấn đề để giai cấp công nhân thực hiện được vai trò, sứ mệnh trong bối cảnh mới. Đồng thời, nghiên cứu về xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách của mỗi quốc gia đối với phát triển giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phát triển giai cấp công nhân Việt Nam “hiện đại, lớn mạnh” nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phấn đấu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng XHCN mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Phát biểu tham luận với chủ đề “Thời cơ và thách thức đối với giai cấp công nhân Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan chỉ rõ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa mang đến những thời cơ và thách thức cho giai cấp công nhân Việt Nam. Những thời cơ đó là: tạo cơ hội để đột phá phát triển đội ngũ công nhân trình độ cao, cả về số lượng và chất lượng; đẩy nhanh sự biến đổi cơ cấu giai cấp công nhân theo hướng hiện đại, thích ứng nhanh với nền kinh tế số, công nghệ cao; là thời cơ để một bộ phận công nhân và người lao động Việt Nam có thể tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường lao động trình độ cao của thế giới.

Tuy nhiên, những thách thức không hề nhỏ mà giai cấp công nhân Việt Nam phải đối mặt đó là: thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân trình độ cao, chuyên gia giỏi đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự phân hóa nội bộ trong giai cấp công nhân; sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các loại hình mạng xã hội tác động hai mặt đến đời sống tinh thần, lập trường, tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân.

Để có thể tranh thủ thời cơ và vượt qua những thách thức mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra đối với giai cấp công nhân Việt Nam, cần tập trung nghiên cứu, dự báo những biến đổi cơ cấu xã hội mới dưới tác động của những biến đổi trong cơ cấu kinh tế, nhất là làm rõ xu hướng phát triển nền kinh tế số, công nghệ số trên thế giới cũng như ở Việt Nam để chủ động xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.

Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ công nhân trình độ cao, có năng lực đổi mới sáng tạo, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề để nâng cao trình độ công nghệ, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân trí thức.

Ông Axel Blaschke, Trưởng Đại diện FES tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Trong tham luận “Bảo vệ việc làm của người lao động trong điều kiện chuyển đổi số ở Việt Nam và vai trò của tổ chức công đoàn” của TS Vũ Minh Tiến chỉ ra, theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 2018, trong khoảng 20 năm tới, sẽ có 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaixia, Inđônesia, Phillipin, Thái Lan và Việt Nam có thể gặp nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ mới. Chuyển đổi số tác động đến cả người lao động và người sử dụng lao động. Để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người lao động phải tự đào tạo và được đào tạo.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn cần có những hành động nhằm bảo vệ người lao động trong điều kiện công nghệ số được áp dụng rộng rãi. Một số nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn là: thúc đẩy tạo việc làm và bảo đảm các cơ hội việc làm cho người lao động; bảo vệ quyền lợi cơ bản của người lao động trong công việc; bảo đảm môi trường làm việc; phát triển kỹ năng cho người lao động; bảo vệ người lao động trước sự thay đổi cách thức quản lý lao động của người sử dụng lao động…

Phát biểu trực tuyến tại Hội thảo, ông Michael Schonstein, Trưởng Phòng Phân tích và tầm nhìn chiến lược, Bộ Lao động và các vấn đề xã hội Liên bang Đức đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về tình hình người lao động và sự nhìn nhận về quá trình tự động hóa/số hóa tại Đức. Có tới 40% người lao động tại Đức lo lắng mất việc làm do tự động hóa. Quá trình tự động hóa cũng đặt ra yêu cầu thay đổi những kỹ năng cần thiết trong công việc, làm nghiêm trọng thêm sự chênh lệch thu nhập giữa các ngành…

Để bảo vệ người lao động, Chính phủ Đức đã ban hành nhiều chính sách như: quy định bảo vệ thông tin cho người lao động; Chiến lược và quy chế quản lý trí tuệ nhân tạo; bảo đảm sức khỏe và sự an toàn trong môi trường làm việc mới, như sắp xếp làm việc tại nhà, quy định về thời gian làm việc. Đức cũng hỗ trợ người lao động đào tạo lại chuyên môn thay vì lập tức tìm việc làm mới cho người thất nghiệp; hỗ trợ thu nhập người lao động trong quá trình đào tạo (lại)…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS, TS Dương Trung Ý chúc mừng Hội thảo đã thành công tốt đẹp, cảm ơn sự phối hợp và hỗ trợ của Viện FES tại Việt Nam. Các tham luận, phát biểu đã phản ánh khá toàn diện, sâu sắc nội dung Hội thảo. Trên phương diện lý luận, giai cấp công nhân tiếp tục là lực lượng sản xuất hàng đầu tại các quốc gia. Ở Việt Nam, gắn với CNH, HĐH, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, là nòng cốt trong khối liên minh giai cấp tại Việt Nam. Hội thảo đã đánh giá những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với giai cấp công nhân cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu; những cơ hội, thách thức của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới; cũng như đề xuất những giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của các chủ thể, như Công đoàn, để công nhân tiếp tục phát huy vai trò to lớn của mình.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

T.T

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền