Trang chủ    Tin tức    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Phát huy vai trò của Việt Nam trong hợp tác, liên kết ASEAN theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng
Thứ hai, 31 Tháng 10 2022 13:04
14208 Lượt xem

Phát huy vai trò của Việt Nam trong hợp tác, liên kết ASEAN theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay, Việt Nam luôn chủ động tham gia, đóng góp tích cực, có trách nhiệm đối với các hoạt động của ASEAN, được các nước thành viên ghi nhận và đánh giá cao. Để phát huy hơn nữa vai trò của Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo về đẩy mạnh và nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, đặc biệt là trong tổ chức ASEAN. Bài viết làm rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII về hợp tác, liên kết ASEAN và đề xuất những giải pháp nhằm phát huy vai trò của Việt Nam.

ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực - Ảnh: baoquocte.vn

Gia nhập ASEAN năm 1995 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình mở cửa, hội nhập của Việt Nam. Đánh giá về sự kiện này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định: “Quyết định gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược, đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. ASEAN là một trong những điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”(1).

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm khi tham gia vào các công việc của ASEAN. Việt Nam đã phối hợp cùng các nước ASEAN xây dựng những quy định chung, tích cực tham gia các hội nghị, chủ động đóng góp xây dựng nội dung và các cơ chế hợp tác. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc năm Chủ tịch ASEAN năm 2010, với nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), mở rộng Cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Đặc biệt, trong năm 2020, trước những khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của năm Chủ tịch ASEAN, đó là: ASEAN đã ra được Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao lần thứ 37: “Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”. ASEAN đã thông qua và triển khai các sáng kiến thiết thực với vai trò thúc đẩy tích cực của Việt Nam để chủ động ứng phó trước đại dịch Covid-19 như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; Khung Chiến lược ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15-11-2020 giữa 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niudilân và Ôxtrâylia. Hiệp định RCEP sau khi có hiệu lực đầy đủ, sẽ tạo thành “một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP tương ứng khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số”(2). Hiệp định RCEP được ký kết là minh chứng về uy tín của Việt Nam trong việc điều phối, dẫn dắt, phát huy các khuôn khổ hợp tác, từ chủ động hội nhập đến thành viên tích cực, có trách nhiệm cùng các nước ASEAN duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến hết sức sâu sắc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á đã, đang và sẽ tiếp tục là trung tâm phát triển năng động bậc nhất trên thế giới và cũng là nơi còn tồn tại nhiều bất ổn. Để góp phần giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, mỗi thành viên ASEAN cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với tổ chức. Trên tinh thần đó, để phát huy vai trò hợp tác, liên kết khu vực trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên có sự đổi mới cả về tư duy, cách thức hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại.

Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016), lần đầu tiên khái niệm đối ngoại đa phương được đề cập và công tác đối ngoại đa phương được xây dựng thành một định hướng chiến lược của đất nước: “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”(3).

Hiện nay, trước sự gia tăng cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ của các nước, đặc biệt là các nước lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhận định: “ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”(4).

Trên tinh thần kế thừa và phát huy những thành công của các nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu mới về công tác đối ngoại trong thời gian tới: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông...”(5), “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực”(6).

Việc xác định đẩy mạnh và nâng tầm hoạt động đối ngoại đa phương đặc biệt là trong cơ chế hợp tác ASEAN thể hiện hướng ưu tiên tầng nấc trong quá trình hợp tác, liên kết của Việt Nam. Với các cơ chế của ASEAN tạo ra, quy tụ được rất nhiều các quốc gia tham gia, đặc biệt là các nước lớn. ASEAN hiện nay là kênh đa phương của các nước đang phát triển đã và đang phát huy vai trò, uy tín và tiếng nói quan trọng trên thế giới và khu vực. Hội nhập ASEAN thành công chính là bàn đạp, là cầu nối đưa Việt Nam đến với thế giới.

Như vậy, nhiệm vụ và yêu cầu mới được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII về việc phát huy vai trò của Việt Nam tại ASEAN chính là cần thực hiện đối ngoại đa phương ở mức phải đẩy mạnh, nâng tầm lên một nấc thang mới. Điều đó có nghĩa là, đối ngoại đa phương không chỉ dừng lại ở việc tham gia, ở mức độ phát huy, đóng góp... mà Việt Nam cần phải có sự chuyển biến thật sự mạnh mẽ, thay đổi về chất, đi vào chiều sâu. Việt Nam cần phải tham gia một cách thực chất hơn, trực tiếp đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nắm những vai trò chủ chốt, xác định tính trách nhiệm, nòng cốt, tích cực chủ động, dẫn dắt, đề xuất, xây dựng các luật chơi, quy tắc của ASEAN, định hình con đường phát triển của ASEAN... Đó chính là nhiệm vụ, yêu cầu mới được đặt ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát huy vai trò Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN.

Một ASEAN hòa bình, đoàn kết, một ASEAN vững mạnh, một ASEAN uy tín và một ASEAN lan tỏa những giá trị... chính là mục tiêu, nguyên tắc, là vấn đề cốt lõi cho sự tồn tại của tổ chức và cũng là trách nhiệm quan trọng của các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.           

Để phát huy vai trò của Việt Nam trong hợp tác, liên kết ASEAN theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục nêu cao và phát huy tinh thần hòa bình, ổn định, đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong ASEAN: Vì một khu vực hòa bình

Đây là một trong những nguyên tắc cốt lõi của ASEAN đã được duy trì từ khi thành lập cho đến nay. Chính nguyên tắc này đã tạo nên bản chất, giá trị của ASEAN mà không phải tổ chức nào cũng có được. Đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao sẽ tạo nên những tiếng nói chung vì mục tiêu chung của ASEAN. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng đoàn kết, mang lại cho người dân cuộc sống bình an trong một môi trường được bảo đảm an ninh. Một ASEAN sẽ được vận hành trên cơ sở luật lệ, tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử hòa bình giữa các quốc gia.

Từ khi gia nhập ASEAN, mối quan tâm lớn nhất, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Việt Nam là giữ vững tinh thần đoàn kết các nước thành viên trong ASEAN để cùng nhau xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị, phát triển thịnh vượng và có vai trò, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã nỗ lực không ngừng cùng các nước ASEAN kiên trì bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, hạn chế sức ép và tác động lôi kéo từ bên ngoài. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín và tính trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, để góp phần giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, Việt Nam cần tiếp tục phát huy và nêu cao tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh hơn nữa chính sách hợp tác với các nước ASEAN. Thúc đẩy một khu vực an ninh, an toàn, không để xảy ra chiến tranh. Thực hiện đầy đủ các cam kết về một khu vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và một khu vực có năng lực giải quyết tốt các thách thức an ninh phi truyền thống. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy ASEAN ngăn chặn các nguy cơ, kiểm soát bất đồng và giải quyết các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển. Giữ vững tình hình ổn định về an ninh chính trị trong nước, nội bộ đất nước được ổn định, tạo tiền đề cho hòa bình cả khu vực ASEAN.

Hơn nữa, từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhận thức và xác định rõ ASEAN là khu vực chứa đựng những lợi ích an ninh cốt lõi, lâu dài của Việt Nam. Lợi ích an ninh của Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào môi trường an ninh của khu vực. Vì vậy, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định của khu vực chính là phục vụ sự nghiệp phát triển của Tổ quốc. Việt Nam cần chú trọng hơn về các vấn đề hợp tác an ninh trên biển, trên bộ và vùng trời, chủ động tạo ra các kênh kết nối, đan xen lợi ích các quốc gia, khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Như vậy, để phát huy thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế, thì ASEAN chính là một điểm tựa vững chắc để Việt Nam đẩy mạnh chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Góp phần xây dựng môi trường hòa bình, củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh là lợi ích chiến lược của Việt Nam cả về an ninh, phát triển và vị thế.

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục tích cực chủ động đề xuất các giải pháp, sáng kiến về việc hoàn thiện xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025: Cùng vững vàng tiến bước và hướng tới mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN sau 2025

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính đã chứng minh về sự phát triển của tổ chức và có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện tại, ASEAN được coi là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới với tổng GDP khoảng 3.000 tỷ USD và là thị trường lớn thứ ba toàn cầu với số dân gần 650 triệu người(7)... sẽ là những lợi thế lớn của ASEAN. Cộng đồng ASEAN 2025 sẽ là cộng đồng tự cường, hướng đến người dân làm trung tâm với chất lượng cuộc sống được nâng cao, tăng cường sự gắn kết phát huy giá trị, bản sắc chung. Từ đó, nâng cao năng lực, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đưa ASEAN trở thành một khu vực rộng mở đối với thế giới.

Hiện nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ với các cam kết sâu hơn về thương mại, hàng hóa và dịch vụ, sự lưu chuyển dòng vốn và đầu tư, lao động lành nghề; một nền kinh tế năng động, đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng theo năng suất sáng tạo và ứng dụng công nghệ, tri thức trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; một nền kinh tế tăng cường kết nối và liên kết theo ngành với các chính sách hội nhập sâu rộng hơn thông qua nhiều hoạt động thương mại tự do và những thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện, tăng cường tiếng nói chung tại các diễn đàn, cơ chế toàn cầu. Hướng đến xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 mang tính bao trùm, gắn kết chặt chẽ các nội dung hợp tác trên cả ba trụ cột của Cộng đồng. Tăng cường hợp tác về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, ứng phó hiệu quả với các thách thức mới, phục hồi kinh tế nhanh trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đưa Cộng đồng ASEAN đến với người dân gần hơn, nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Bối cảnh quốc tế luôn thay đổi, lợi ích khu vực đan xen nhiều thách thức mới đã tác động không nhỏ đến các quốc gia trong khu vực và Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam thời gian qua trong các vấn đề của ASEAN đã được nhiều nước ghi nhận và hưởng ứng. Tiếng nói của Việt Nam trên tại các hội nghị, các diễn đàn song phương và đa phương toàn cầu ngày càng có trọng lượng và uy tín.

Trên cơ sở những thành công đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương...”(8). Từ những nhiệm vụ được đặt ra trong Văn kiện Đại hội XIII, Việt Nam cần nhận thức rõ những định hướng và mục tiêu vươn lên nhóm các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, để từ đó tích cực, chủ động đóng góp vào xây dựng, hoạch định các cơ chế, thể chế nâng cao vai trò của ASEAN và định hình cấu trúc khu vực. Việt Nam cần tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Việt Nam cần chủ động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu trong ASEAN, đóng góp tích cực trong tiến trình liên kết, hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng. Việt Nam cần chủ động dẫn dắt để ASEAN không chỉ vững mạnh về liên kết nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín ở khu vực và toàn cầu, tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết, kết nối nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực để giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ ba, Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược trong tình hình mới

Đảng ta luôn xác định công tác dự báo có tầm quan trọng đặc biệt. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nêu rõ: “Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ...”(9).

Hội nhập quốc tế và khu vực là một tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam hội nhập và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển liên kết ASEAN được xác định là một bước đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam đã được các nước đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, đóng góp trong cộng đồng.

Để xây dựng chiến lược, chính sách phù hợp, giúp Việt Nam xác định và phát huy tốt vai trò của mình khi tham gia các cơ chế của ASEAN, cần coi trọng, nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược. Công tác dự báo chiến lược cần đánh giá được tình hình quốc tế, khu vực với những tác động thuận lợi và khó khăn đối với ASEAN và Việt Nam, từ đó xác định được phương hướng tham gia, đóng góp thiết thực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Công tác dự báo chiến lược phải trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài. Nội dung dự báo phải thực hiện nhanh, toàn diện và đầy đủ các nguồn thông tin trên nhiều lĩnh vực.

Để làm được điều đó, phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược, cán bộ làm công tác đối ngoại cần có phẩm chất, kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh, tư duy đổi mới sáng tạo, phong cách chuyên nghiệp và có khả năng phân tích, đánh giá, dự báo sát hợp nhất với tình hình thực tế tại khu vực và thế giới.

Đồng thời, phát huy tối đa vai trò, tiềm lực và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, giữa các bộ, như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công thương... để tạo sự thống nhất trong công tác dự báo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, tạo thế chủ động và sẵn sàng với các phương án ứng phó kịp thời, tránh để bị động, bất ngờ trước các tình huống trong công tác đối ngoại.

Việt Nam là một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Mặc dù Việt Nam không phải là thành viên sáng lập, nhưng từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình, đã chủ động tham gia đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động chung của ASEAN và được các nước ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam và ASEAN đã, đang và sẽ luôn gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Việt Nam là một phần không thể tách rời của ngôi nhà chung ASEAN và khu vực Đông Nam Á. Thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, yêu cầu về công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ vào tiến trình hợp tác, liên kết ASEAN và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á  - Thái Bình Dương.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022)

Ngày nhận bài: 30-8-2022; Ngày bình duyệt: 5-9-2022; Ngày duyệt đăng: 26-9-2022.

 

(1) Lê Viết Duyên: Quá trình đổi mới chính sách đối ngoại của Việt Nam với ASEAN giai đoạn 1986-2016, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.140.

(2) Tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam, https://dangcongsan.vn/, ngày 19-4-2022.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.153-154.

(4), (5), (6), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.107, 162, 163, 164, 165.

(7) Viện chiến lược Bộ Công an: ASEAN trong chiến lược nước lớn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.260.

TS TRẦN TUẤN SƠN

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS NGUYỄN THỊ HUỆ

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền