Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học tư vấn chính sách phát triển dịch vụ công trực tuyến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng chính quyền số
Thứ sáu, 18 Tháng 11 2022 14:17
707 Lượt xem

Hội thảo khoa học tư vấn chính sách phát triển dịch vụ công trực tuyến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng chính quyền số

(LLCT) - Chiều ngày 17-11-2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học: “Tư vấn chính sách phát triển dịch vụ công trực tuyến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng chính quyền số”. PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển; PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công; PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm điều hành của Học viện và trực tuyến tới các điểm cầu khu vực - Ảnh: LLCT

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, giảng viên của Học viện. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm điều hành Học viện và trực tuyến tới các điểm cầu Học viện trực thuộc.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Dương Trung Ý nêu rõ, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết và văn bản chính sách về chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW (năm 2019) của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 42/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đó là những định hướng và cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc.

Thời gian qua Chính phủ, các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương cấp tỉnh đã quan tâm chú trọng, tập trung nguồn lực thực hiện xây dựng, chuyển đổi hệ thống dịch vụ công lên môi trường mạng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, kết quả đạt được chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ các thủ tục hành chính công được xử lý, giải quyết bằng hình thức trực tuyến còn khiếm tốn.

Trước thực thực tế đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu, khảo sát thực trạng cung ứng dịch vụ công trực tuyến về “Thủ tục đăng ký thường trú cho công dân” và “Liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”, tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Quảng Trị  và Sóc Trăng - tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy còn nhiều rào cản đối với sự tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân, như: hệ thống văn bản triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ công trực tuyến còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, máy móc, trang thiết bị còn thiếu và yếu, trình độ, năng lực thực hiện của cán bộ còn hạn chế, người dân chưa hình thành thói quen sử dụng trực tuyến các dịch vụ công…

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thực địa về dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, Hội thảo đề xuất các giải pháp, kiến nghị hướng đến điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện sự hài lòng của người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Diana Torres, Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội, xây dựng Nhà nước hiệu quả và các thể chế hiện đại là những nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đoạn 2021-2030. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, để thực hiện được các nhiệm vụ này, việc đo lường, đánh giá các chỉ số về Hiệu quả quản trị và hành chính công điện tử ở các địa phương (cấp tỉnh), có ý nghĩa quan trọng, phản ánh mức độ sẵn sàng chuyển đổi sang chính quyền số, chính quyền điện tử ở Việt Nam.

Hiện nay, 63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Hòa Bình, Quản Trị và Sóc Trăng đã sử dụng các chỉ số Papi trong đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương. Trong giai đoạn 2018-2021, các báo cáo Papi cho thấy, điểm số của quốc gia trong thực hiện chuyển đổi số rất thấp, chỉ đạt 2,01 (năm 2018) - 3,61 (năm 2021); có sự chênh lệch lớn trong tiếp cận, triển khai dịch vụ công trực tuyến giữa các vùng đô thị và vùng núi, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ công trực tuyến thấp hơn rất nhiều lần so với người Kinh.

Nghiên cứu giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của người dân là những mục tiêu quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Nhà nước hiệu quả và quản trị quốc gia hiện đại của Việt Nam hiện nay.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ thực trạng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng trong giai đoạn 2018-2022. Qua các kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiếp cận và sử dụng dịch công trực tuyến có nhiều ưu điểm, tạo nhiều thuận lợi giúp các cơ quan nhà nước giảm tải, tăng hiệu quả giải quyết công việc đồng thời tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn đang trong giai đoạn sơ khai;hiệu quả cung cấp các dịch vụ công và việc sử dụng các dịch vụ công của người dân còn thấp.

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, trong đó nổi bật là: hệ thống văn bản quản lý liên quan chuyển đổi số chưa đồng bộ, chưa tạo lập hành lang liên thông dữ liệu và quy trình giữa các cấp, giữa các cơ quan; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị còn lạc hậu, không đồng bộ, yếu kém so với yêu cầu chuyển đổi số; trình độ, kỹ năng của một bộ phận cán bộ thực thi không đáp ứng yêu cầu công việc; giao diện các trang thông tin điện tử, dịch vụ công còn nhiều hạn chế; quy trình, thao tác thực hiện các dịch vụ trên trang trực tuyến và trong thực tế quá phức tạp, không khuyến khích người sử dụng; trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công, người dân vẫn có thói quen làm việc trực tiếp, chưa thực sự thấy được lợi ích cũng như tin tưởng vào phương thức dịch vụ công trực tuyến.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đề xuất nhiều giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của quốc gia cũng như sự hài lòng của người dânkhi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, như: thúc đẩy hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị và hành chính công hiện nay, như: đầu tư nâng cấp hạ tầng về công nghệ thông tin mang tính hệ thống, thống nhất, kết nối đồng bộ; triển khai hệ thống chia sẻ liên thông quốc gia; nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ, năng lực xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ thực thi các dịch vụ công trực tuyến; phát huy vai trò của các Tổ hỗ trợ công nghệ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến…    

Kết luận Hội thảo, PGS, TS Dương Trung Ý đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đã phân tích làm sáng tỏ nhiều nội dung trong triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương hiện nay, đặc biệt các kết quả nghiên cứu thực địa tại 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng đã phản ánh rõ quá trình triển khai, việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vục công trực tuyến ở các khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng này.

Thực tiễn cung cấp, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm, chưa bắt kịp với sự chuyển động nhanh của chuyển đổi số quốc gia cho thấy rất cần triển khai các giải pháp mang tính chính sách để cải thiện.

Trên tinh thần đó, thời gian tới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với các tỉnh và cơ quan chức năng phân tích sâu sắc hơn kết quả nghiên cứu; từ đó cung cấp các giải pháp mang tính ứng dụng cao cho các tỉnh; cơ quan chức năng liên quan của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp cùng Học viện hoàn thiện các kiến nghị chính sách đối với hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo hướng Thiết thực, Thân thiện và Thông suốt; đề nghị UNDP tại Việt Nam, Đại sứ quán Ailen và các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Học viện trong quá trình nghiên cứu và tư vấn chính sách phục vụ chuyển đổi số quốc gia thành công, hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả xã hội.

NGUYỄN THỊ LAN

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền