Trang chủ    Tin tức    Hội thảo: Truyền thông đại chúng Việt Nam với biến đổi khí hậu
Thứ năm, 12 Tháng 12 2013 10:19
2518 Lượt xem

Hội thảo: Truyền thông đại chúng Việt Nam với biến đổi khí hậu

(LLCT)- Ngày 5-12-2013, tại Hà Nội, Học viện Báo chí Tuyên truyền phối hợp với Viện Friedrich Ebert – FES (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Truyền thông đại chúng Việt Nam với biến đổi khí hậu”. Dự Hội thảo có các nhà khoa học Việt Nam, Đức và Indonesia. Hội thảo nhận được tham luận của các nhà khoa học, diễn giả: TS Lưu Hồng Minh, TS Phạm Hương Trà, Đỗ Đức Long, Dương Thu Hương, TS Đỗ Chí Nghĩa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), ông Erwin Schweisshelm (Trưởng đại diện viện FES), Riza Primadi (Indonesia),…

PGS, TS Phạm Huy Kỳ phát biểu đề dẫn

Phát biểu đề dẫn PGS, TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định: Biến đổi khí hậu hiện đang là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công tác nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các mặt kinh tế - xã hội, các ngành, các đối tượng khác nhau hiện đang được thực hiện tại nhiều quốc gia cũng như ở nước ta nhằm kịp thời có những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng, là nguy cơ gây cản trở cho mục tiêu xóa đối giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ và phát triển bền vững. Việt Nam là một trong 5 quốc gia sẽ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên nghiên cứu về biến đổi khí hậu, xu thế và tác động của nó tại Việt Nam là rất cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay hiểu biết và nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu còn chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là truyền thông còn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Với chức năng đặc trưng là cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội, báo chí và truyền thông đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại, các tham luận tại Hội thảo mong muốn tạo ra một diễn đàn trao đổi, chia sẻ những vấn đề xung quanh truyền thông biến đổi khí hậu; trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, từ đó, nâng cao vai trò của truyền thông về biến đổi khí hậu và tăng cường phối hợp giữa các nước thực hiện truyền thông về biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh Hội thảo

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các nội dung chủ yếu:

Về vai trò của truyền thông đại chúng trong tuyên truyền biến đổi khí hậu.

Hầu hết các tham luận thống nhất rằng truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng của trong việc góp phần tăng cường nhận thức của công chúng, huy động lực lượng xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Nhóm tác giả TS Nguyễn Hương Trà, ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh khẳng định: Truyền thông với vai trò là phương tiện giáo dục nhận thức thông qua việc truyền tải, giải thích, tuyên truyền, vận động… góp phần tạo dư luận xã hội và môi trường thuận lợi cho việc thay đổi thái độ và hành vi của các nhóm xã hội. Bên cạnh đó, truyền thông còn có vai trò truyền đạt thông tin của các nhà quản lý, nhà khoa học đến với nhân dân và tiếp nhận ý kiến phản hồi của của các tầng lớp nhân dân.

Về thực trạng phản ánh vấn đề biến đổi khí hậu của truyền thông đại chúng

Các vấn đề biến đổi khí hậu đã được chú ý phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.Kết quả khảo sát hơn 35.500 người tại Việt Nam và 6 nước trong khu vực (Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Pakistan) của dự án Climate Asia cho thấy, Việt Nam dẫn đầu khu vực về thông tin tới cộng đồng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo đó, 41% người được hỏi tại Việt Nam cho biết họ thiếu thông tin về biến đổi khí hậu, trong khi tỷ lệ này ở Nepal là 60%, ở Trung Quốc và Ấn Độ là 80%, Bangladesh là 57%,...

Các phương tiện thông tin đại chúng đã bám sát đưa tin về các chủ trương, chính sách mới liên quan đến biến đổi khí hậu. Hậu quả của biến đổi khí hậu cũng được phản ánh khá đa dạng. Nhiều tác phẩm chọn được những chủ đề đặc sắc, ấn tượng, số liệu cụ thể có khả năng thu hút người đọc, người xem. Một số chuyên đề về biến đổi khí hậu đã được xây dựng và mang lại hiệu ứng cao.

Tuy nhiên, tuyên truyền về biến đổi khí hậu, thông tin đại chúng vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Kết quả nghiên cứu của Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho thấy, số lượng các bài báo thể hiện rõ mối liên hệ giữa thiên tai với biến đổi khí hậu còn ít, thiếu tính định hướng công chúng về vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu. Hậu quả biến đổi khí hậu được truyền tải nhưng còn chung chung, chủ yếu trên phương diện kinh tế, thể chất của con người mà chưa đề cập đến hậu quả đối với văn hóa, xã hội. Thông tin còn một chiều, chưa tạo được các diễn đàn để trao đổi

Các tham luận đã đề xuất các nhóm giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của truyền thông với biến đổi khí hậu

Về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, ông Erwin Schweisshelm cho rằng: Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất quan tâm, đưa ra những nghị quyết cũng như Chương trình hành động quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân và nhà báo về biến đổi khí hậu, cụ thể là: năm 2015, 80% dân số và 100% cán bộ công chức hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu. Ông cũng bày tỏ mong muốn những người tham gia, đặc biệt là những người làm công tác truyền thông có thêm hiểu biết và tìm ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua Hội thảo này. Nhiều đại biểu đưa ra giải pháp trong tình hình hiện nay là đẩy mạnh truyền thông về biến đổi khí hậu trong các trường đào tạo báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên qua việc lồng ghép, đưa chuyên đề truyền thông về biến đổi khí hậu vào chương trình học tập, phối hợp công tác giảng dạy chuyên đề này với các Viện nghiên cứu và các cơ quan khác. Đồng thời tận dụng các phương tiện truyền thông hiện có để thực hiện các gói dự án về truyền thông biến đổi khí hậu, liên kết các cơ quan báo chí để thúc đẩy thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu.

Hội thảo thảo luận sôi nổi, trao đổi nhiều kinh nghiệm viết bài, đưa thông tin chính xác, đầy đủ, hấp dẫn, bằng các hình thức hiệu quả nhất đến với công chúng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chúng nhằm phòng tránh, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu của các nhà báo trong nước và quốc tế.

                                                                                                 HOA MAI

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền