Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”
Thứ năm, 02 Tháng 2 2023 09:46
697 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02-02-1908 – 02-02-2023), ngày 01-02-2023, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm. Ảnh: hcma.vn

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì tọa đàm. Đồng chủ trì có PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo một số vụ, viện của Học viện, đại diện Tỉnh ủy Thái Bình, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định: Tọa đàm là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02-02-1908, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1925-1926, khi còn là học sinh trường Thành Trung, Nam Định

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tin cậy giao đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách quan trọng:

Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng (năm 1928), Ủy viên Trung ương lâm thời Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6-1929), Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tháng 7-1929), Bí thư Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng (tháng 8-1929), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 5-1930), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 10-1930).

Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Gần 30 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã đi sâu phân tích, luận giải và làm sáng tỏ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Tọa đàm đã khẳng định: truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc và gia đình là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Thái Bình là vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều chí sĩ yêu nước. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã góp phần hun đúc ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Với lòng yêu nước nhiệt thành, đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, giác ngộ lý tưởng cộng sản và đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Thứ hai, các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong tiến trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đồng chí đã trở thành người chiến sỹ cộng sản tiên phong trên con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra. Thông qua hoạt động thực tiễn, được tôi rèn trong cuộc đấu tranh cách mạng, đồng chí đã nhanh chóng trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ thanh niên Hải Phòng.

Đồng chí là một trong những người đi đầu khởi xướng chủ trương vô sản hóa, tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 3-1929 và tích cực tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6-1929). Đồng chí được cử làm đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì và trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những sự kiện lịch sử này là minh chứng sinh động, khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong tiến trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ ba, các tham luận đã làm rõ đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, lao động, với việc hình thành và phát triển của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam. Chủ trương vô sản hóa do đồng chí là một trong những người đề xuất đã góp phần đào tạo, rèn luyện một thế hệ cách mạng trẻ tuổi trong giai cấp công nhân, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ những người công nhân về sứ mệnh lịch sử của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ áp bức bất công, xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ.

Là một cán bộ lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng được giao công tác vận động công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã chủ trì công tác chuẩn bị và triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam.

Đại biểu tham luận tại Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Thứ tư, các tham luận đã phân tích, luận giải, làm rõ về đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng trong cao trào cách mạng 1930-1931 trên các cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí đã có mặt tại nhưng nơi gian khổ, ác liệt trong bối cảnh cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp diễn ra ác liệt sau khi Đảng ta ra đời. Với tư duy lý luận sắc bén, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã kiên cường bám sát cơ sở, tham gia chỉ đạo các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và quần chúng cách mạng chống lại kẻ thù, đóng góp vào thành quả chung của cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Thứ năm, nhiều tham luận tại Tọa đàm khẳng định: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và đến với con đường cách mạng vô sản, đồng thời được đào tạo, huấn luyện lý luận chính trị theo chương trình do Người soạn thảo và trọn đời kiên trung phấn đấu theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn dắt. Đồng chí là tấm gương sáng của lòng yêu nước nhiệt thành, luôn vững tin vào tương lai tất thắng của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo; tuyệt đối chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và sự phân công, điều động của tổ chức. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, kiên trung, bất khuất, trọn đời vì nước, vì dân, vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là niềm tự hào và tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và noi theo.

THÙY LINH

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền