Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Quản trị tài nguyên nước ở Hà Lan – những bài học và gợi ý cho các nước đang phát triển
Thứ hai, 23 Tháng 12 2013 10:50
6246 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Quản trị tài nguyên nước ở Hà Lan – những bài học và gợi ý cho các nước đang phát triển

(LLCT) - Sáng 20-12-2012, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan (ISS) tổ chức Tọa đàm khoa học: “Quản trị tài nguyên nước ở Hà Lan - Những bài học và gợi ý cho các nước đang phát triển”.

PGS,TS Tường Duy Kiên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có ngài Cas Van der Horst, Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam; ông Joop de Wit và Max Spoor, chuyên gia Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan; các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của Học viện.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Tường Duy Kiên và ngài Cas Van der Horst nhấn mạnh, hiện nay, nước là nguồn tài nguyên quý,đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong quản lý, khai thác và sử dụng. Nước là nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu và đang được cả thế giới quan tâm.

Hà Lan là quốc gia có diện tích đất lớn thấp hơn mực nước biển và đã khá thành công trong công tác quản lý nước và phòng chống lũ lụt. Nhờ vào các kinh nghiệm và kỹ thuật trong quản lý nước, quy hoạch không gian, quy hoạch nước và quản lý chất lượng nước, Hà Lan đã không ngừng bảo vệ thành công vùng đất của mình trước đe dọa của đại dương và công tác khai hoang lấn biển.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu, do đó Hà Lan đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý tài nguyên nước, quản lý môi trường và phòng chống thiên tai, hiện đang là những vấn đề hết sức cấp thiết tại Việt Nam.

Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam và Hà Lan đã có sự hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực. Ngày 04-10-2012, Thủ tướng hai nước đã ký thỏa thuận Đối tác chiến lược về Thích ứng biến đổi khí hậu và Quản lý tài nguyên nước, tạo nền tảng quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thực hiện thỏa thuận trên, trong năm 2013, Việt Nam và Hà Lan đã đạt được những bước tiến quan trọng: Hoàn thiện Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long và Hợp tác TP.Hồ Chí Minh hướng ra biển (hợp tác TP.Hồ Chí Minh - Rotterdam).

Báo cáo tại Tọa đàm, ông Joop de Wit và Max Spoor, chuyên gia của Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan cho rằng, Việt Nam và Hà Lan có một số điểm tương đồng, đó là 2 nước đều dồi dào nguồn nước, thậm chí ngập lụt, có bờ biển dài, đều có đồng bằng rộng lớn, có nhiều con sông bắt nguồn từ các nước khác. Cũng giống như Việt Nam, việc quản lý, khai thác nguồn nước ở Hà Lan gặp nhiều khó khăn do nước biển dâng, sự xâm thực của nước mặn tràn vào các sông ngòi…

Hiện nay, vấn đề quản lý nguồn nước không chỉ là công việc của chính phủ mà của toàn xã hội, cả khu vực công và khu vực tư nhân (các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà khoa học, truyền thông…). Để có sự quản lý, điều hành tốt, chính phủ và các bên liên quan phải có đủ năng lực, có pháp luật tốt, môi trường xã hội tốt…; cần xây dựng những thiết chế, quy định chung, những quy phạm giữa các bên có liên quan, kể cả những thiết chế không chính thức; ngoài ra phải đảm bảo trách nhiệm giải trình, sự minh bạch. Trong quản lý nguồn tài nguyên nước, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là rất lớn.

Tại Hà Lan, công tác quản lý nguồn nước được thực hiện đa cấp, đa ngành, nhiều bên. Ở cấp độ quốc tế, Hà Lan có Uỷ ban quản lý lưu vực sông, có quyền lực rất mạnh, có thể ban hành luật. Ở cấp độ quốc gia, Bộ cơ sở hạ tầng và môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế có vai trò quan trọng trong quản lý nguồn nước. Ở cấp địa phương, tỉnh, thành phố có Uỷ ban thủy lợi (thành lập ở những địa phương có sông). Ngoài ra có một số chức danh quản lý nguồn nước cho từng khu vực. Uỷ ban này hoàn toàn độc lập với cơ quan quản lý hành chính, có thể thảo luận trực tiếp với chính phủ, đấu tranh trực tiếp với chính quyền cấp tỉnh trong vấn đề quản lý nguồn nước.

Hà Lan có 8 triệu dân sống ở khu vực độ sâu dưới mực nước biển (60% sản phẩm quốc nội lại do khu vực này đóng góp), nên việc phòng hộ, phòng lụt được Chính phủ, các địa phương đặc biệt quan tâm, vấn đề quản lý nguồn nước luôn được thảo luận trên nghị trường, các diễn đàn. Để giảm thiểu ngập lụt, Hà Lan đã xây dựng hệ thống đê biển rất kiên cố, xây dựng đập chắn nước cơ động…

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp cận phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thực hiện cải cách sâu rộng ngành tài nguyên nước; hoàn thiện khung pháp luật và thể chế quản lý để thực hiện "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 -2020"…

Tuy nhiên, hệ thống cấp thoát nước của Việt Nam hiện chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số tại các đô thị; tỷ lệ cung cấp nước sạch tập trung ở các đô thị còn thấp; nước thải ở một số địa phương chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng…Nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý, việc lựa chọn công nghệ phù hợp, nhận thức của cộng đồng, cũng như tác động bất lợi của biến đổi khí hậu… đang là những thách thức đối với tài nguyên nước Việt Nam.

Những kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước do các chuyên gia Hà Lan chia sẻ là những gợi ý quý báu cho các nhà lãnh đạo, quản lý của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường hiện nay.

                                                                                       PV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền