Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học Đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ với việc tham gia xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam
Thứ ba, 24 Tháng 12 2013 14:05
2559 Lượt xem

Hội thảo khoa học Đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ với việc tham gia xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam

Sáng ngày 28/11/2013, tại Cần Thơ, Học viện Chính trị - Hành khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ với việc tham gia xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Đề tài nhánh số 12 “Chính sách khuyến khích đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ tham gia tích cực vào chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc”, thuộc “Đề án Tổng thể về chính sách đối với Phật giáo Nam Tông Khmer Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Chủ trì Hội thảo có PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV.

Dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Cục An ninh Tây Nam Bộ, Quân khu 9, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Vụ Địa phương III - Ủy Ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang cùng sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tâm huyết với đề tài. 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Viết Thảo nhận định: Tây Nam Bộ là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong những năm qua, với nhiều chính sách trọng tâm, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến phát triển và bảo vệ vùng biên giới trọng điểm Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là vùng đất tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị, xã hội, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Thực tế trên do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, tuy nhiên hiện nay, so với mặt bằng chung của các dân tộc cùng sinh sống trong vùng đời sống của đồng bào Khmer thấp hơn; và trong khi, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và “kích động tự diễn biến”; lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để lôi kéo quần chúng tín đồ chống chính quyền v.v… thì công tác tư tưởng lại chưa được quan tâm đúng mức, còn có những chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài nhánh số 12, đồng thời là cơ sở để tham mưu, đề xuất cho Trung ương Đảng và Chính phủ trong việc triển khai các chính sách nhằm bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam.

Với gần 30 tham luận, Hội thảo đã góp thêm những nhận định sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ với việc tham gia xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam; những nét sáng tạo, đặc trưng của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ trong quá trình tham gia bảo vệ tuyến biên giới; dự báo triển vọng vận động, phân tích cụ thể thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc tại vùng đất Tây Nam Bộ...

(Nguồn: Phòng Thông tin điện tử Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền