Trang chủ    Tin tức    Hội nghị thông tin chuyên đề “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: lấy ASEAN làm trung tâm và vai trò của Ấn Độ”
Thứ tư, 29 Tháng 3 2023 16:13
1024 Lượt xem

Hội nghị thông tin chuyên đề “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: lấy ASEAN làm trung tâm và vai trò của Ấn Độ”

(LLCT) - Sáng ngày 28-3-2023, tại Hà Nội, nhân dịp chuỗi kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thông tin khoa học với chủ đề “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: lấy ASEAN làm trung tâm và vai trò của Ấn Độ”.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: hcma.vn

PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Ram Madhav, Giám đốc sáng lập cơ quan nghiên cứu Quỹ Ấn Độ đồng chủ trì.

Tham dự buổi thông tin khoa học có các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I và Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa khẳng định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị, đồng thời là trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo và quản lý của Việt Nam, tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong nghiên cứu, dự báo và tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định chính sách và triển khai hợp tác với Ấn Độ, ASEAN và các nước lớn. Buổi thông tin khoa học với chủ đề “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Lấy ASEAN làm trung tâm và vai trò của Ấn Độ” một lần nữa khẳng định vị thế của Học viện trong việc kiến tạo diễn đàn trao đổi học thuật cấp cao.

Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có mối quan hệ thân thiết trong suốt chiều dài lịch sử. Năm 1992, Ấn Độ và ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối tác và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012. Tháng 11-2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ, Ấn Độ và ASEAN đã tuyên bố nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Bên cạnh đó, Chính sách hướng Đông của Ấn Độ được triển khai từ năm 1991 đã và đang góp phần tăng cường thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Ấn Độ với ASEAN nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với thương mại toàn cầu. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động với sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và 07 trong số 08 thị trường phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, ASEAN, với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ (IPOI) đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác. Tuyên bố chung giữa Ấn Độ và ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 năm 2022, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải trong khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ liên tục thể hiện vai trò một cường quốc tầm trung, có tiếng nói mang tính quyết định trong nhiều vấn đề của thế giới, đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng, năng lượng mặt trời, an ninh lương thực, giảm phát thải CO2, hướng tới phát thải ròng bằng 0 và các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại khu vực ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực, đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của cả khối, ngày càng nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt, điều phối trong tổ chức ASEAN. Với vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tập hợp khối ASEAN đoàn kết chống đại dịch Covid, duy trì ổn định tình hình kinh tế, xã hội. Việt Nam cũng như hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; và do đó, không thể không hợp tác chặt chẽ với nước lớn đang nổi lên, quyền lực đang định hình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại buổi thông tin khoa học, ông Ram Madhav khẳng định Việt Nam là người bạn thân thiết của Ấn Độ. Ấn Độ đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam vào năm 1972 và đã kỷ niệm 50 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2022. Mối quan hệ song phương này là một trong những mối quan hệ bền vững nhất mà Ấn Độ từng có.

Thời gian qua, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Ấn Độ cũng đã ghi nhận sự trỗi dậy ngoạn mục trong hai thập kỷ qua, rũ bỏ hình ảnh là một quốc gia kém phát triển và kín tiếng. Chỉ trong vòng một thập kỷ, GDP của Ấn Độ đã tăng từ 1,5 nghìn tỷ USD lên 3,15 nghìn tỷ USD, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Ấn Độ nổi lên như một nhà lãnh đạo trong nền kinh tế kỹ thuật số và ngăn chặn thành công sự bất ổn và suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra để tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 6%. Theo dự đoán, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hai thập kỷ tới.

Thế giới đang ở đỉnh điểm của sự biến đổi lịch sử. Thế kỷ XIX được coi là thế kỷ của châu Âu. Các cường quốc châu Âu như Vương quốc Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã thống trị phần lớn thế giới, xâm chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm cả các vùng đất và biển châu Á. Thế kỷ XX chứng kiến hai cuộc đại chiến thế giới và Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài dẫn đến sự trỗi dậy của cường quốc Mỹ.

Đến thế kỷ XXI, châu Á đã trở thành khu vực năng động nhất thế giới với sự xuất hiện của “những con hổ châu Á” là Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo, Đài Loan và  sự nổi lên của hai cường quốc Ấn Độ, Trung Quốc trong vài thập niên vừa qua.

Trục quyền lực toàn cầu ở khu vực Thái Bình Dương - Đại Tây Dương trong thế kỷ trước, ngày nay đã dứt khoát chuyển sang khu vực lân cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thế giới hiện nay đang đổi mặt với cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc về trật tự thế giới, làm lung lay nền tảng của hòa bình và hòa hợp toàn cầu. Ấn Độ tin rằng, các quốc gia châu Á có vai trò lớn trong việc định hướng thực tế địa chính trị thế kỷ XXI.

Ấn Độ cam kết tuân thủ một trật tự thế giới duy trì “các mối quan hệ có chủ quyền giữa các quốc gia và một nền kinh tế toàn cầu tương đối cởi mở, được đặc trưng bởi các hoạt động của chủ nghĩa đa phương bao trùm, tuân thủ các quy tắc”. Ấn Độ bác bỏ trật tự thế giới độc đoán và cưỡng ép mà một số quốc gia tìm cách áp đặt. Là nền dân chủ lớn nhất thế giới, cam kết của Ấn Độ đối với tự do, nhân quyền và hòa bình cũng rất rõ ràng. Ấn Độ đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì chủ nghĩa đa phương thông qua các tổ chức của Liên hợp quốc và các nước đồng minh.

Ấn Độ và ASEAN nên cùng nhau lãnh đạo các nước đang phát triển Nam bán cầu nhằm định hình trật tự thế giới thế kỷ XXI, trật tự này sẽ kết hợp các khía cạnh cao quý của trật tự hiện có và bác bỏ các khía cạnh bá quyền được áp đặt nhân danh một trật tự mới.

Trả lời các câu hỏi, ông Ram Madhav cũng khẳng định, Ấn Độ luôn tôn trọng luật pháp quốc tế và xem đó là căn cứ để giải quyết những xung đột về chính trị toàn cầu.

Kết luận buổi thông tin khoa học, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa nhấn mạnh, ASEAN và các quốc gia thành viên nên tiếp tục sáng tạo và khéo léo trong việc tận dụng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì lợi ích của mình. Ở bên ngoài ASEAN, các cường quốc trong đó có Ấn Độ, cần tiếp tục các cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, bao trùm, rộng mở và cùng phồn vinh. Ấn Độ cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình như một bên điều phối quan trọng trong việc hình thành một trật tự khu vực có lợi cho tất cả. Việt Nam vẫn sẽ luôn hoan nghênh các sáng kiến kết nối khu vực, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các nước, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

THÚY THẢO

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền