Trang chủ    Tin tức    Đoàn cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu thực tế tại tỉnh Nghệ An
Thứ hai, 07 Tháng 8 2023 14:12
529 Lượt xem

Đoàn cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị nghiên cứu thực tế tại tỉnh Nghệ An

(LLCT) - Thực hiện kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế hằng năm, từ ngày 4 đến ngày 6-8-2023, Đoàn cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị do PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Nghệ An.

Đoàn làm việc và tặng quà tại Công ty Cổ phần Mía Đường Sông Lam - Ảnh: LLCT

Đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, làm việc với Công ty Cổ phần Mía Đường Sông Lam, nghe đồng chí Đặng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam báo cáo về tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện, những thuận lợi, khó khăn của công ty.

Đoàn tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, tại huyện Anh Sơn - Ảnh: LLCT

Đồng chí Đặng Mạnh Hùng cho biết, Công ty Mía đường Sông Lam được thành lập từ năm 1958, tiền thân là nhà máy đường Sông Lam, một trong 03 đơn vị công nghiệp mía đường của miền Bắc được xây dựng từ năm 1958 và đi vào sản xuất từ năm 1960. Nhà máy trước đây được xây dựng tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, có công suất ban đầu là 350 tấn mía/ngày và 50 nghìn lít cồn thực phẩm/năm. Các xã ven Sông Lam (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là vùng nguyên liệu mía cho nhà máy. Hơn 60 năm qua, Công ty đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh nhà, nhất là đối với các địa phương trong vùng nguyên liệu của Công ty.

Từ năm 1999, sau thiên tai bão lụt lớn ở miền Trung vùng nguyên liệu mía của nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định di chuyển nhà máy lên địa điểm mới tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn và đầu tư mở rộng công suất lên 500 tấn mía/ngày, 1 triệu lít cồn/năm. Nhiệm vụ chính trị xuyên suốt qua các thời kỳ của nhà máy là sản xuất đường và cồn, góp phần bảo đảm tốt yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ quốc kế dân sinh.

Qua nhiều năm đổi mới, trong điều kiện cơ chế thị trường khó khăn với những trang thiết bị lạc hậu, nhà máy vẫn đứng vững và ngày càng có nhiều nét khởi sắc, phát triển năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm, hàng năm luôn vượt chỉ tiêu ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân đầu người tương đối cao.

Đoàn tới tham quan dây chuyền chế biến chè và vùng nguyên liệu chè của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam - Ảnh: LLCT

Khi cây chè được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và huyện Anh Sơn nói riêng, tiếp nối những thành công với cây mía và sản phẩm đường, từ năm 2018, Công ty mở hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chè để khai thác lợi thế có sẵn tại huyện Anh Sơn. Từ năm 2020, một dây chuyền sản xuất chè hiện đại chính thức đi vào hoạt động với các sản phẩm chè được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, Công ty đã phát triển vùng nguyên liệu chè hơn 760 ha tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn với năng suất chè bình quân đạt 16 tấn/ha/năm. Chỉ tính riêng diện tích chè do Công ty quản lý và hợp tác thì sản lượng chè tươi bước đầu đáp ứng được 70% công suất thiết kế của nhà máy.

Nỗ lực vượt lên khó khăn, Công ty mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch, dịch vụ, giáo dục qua các dự án: mở rộng nhà máy đường, hệ thống điện mặt trời, xây dựng Trường Mầm non Green Star, Khách sạn Đại Thành và Trung tâm Anh Ngữ Green English… Ngoài ra, Công ty còn thuê thêm 100 ha đất trên địa bàn để phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng cao, phục vụ chiến lược phát triển lâu dài.

Chuyến đi thực tế đã thành công tốt đẹp, mang lại nhiều kiến thức thực tế bổ ích cho công tác biên tập - xuất bản Tạp chí.

TẠ PHƯƠNG LIÊN

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền