Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, tôn giáo - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
Thứ sáu, 03 Tháng 1 2014 09:48
6154 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, tôn giáo - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng ngày 18-12, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, tôn giáo - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
 

(Toàn cảnh Hội thảo)

PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện, PGS.TS Hoàng Minh Đô – Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, TS Lê Văn Lợi – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý khoa học, chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, các nhà khoa học, cán bộ quản lý và nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo và cán bộ, giảng viên Học viện. Hội thảo nhận được hơn 30 tham luận và nhiều ý kiến về vấn đề công tác tôn giáo và dân tộc.

Các ý kiến thống nhất rằng, sau 10 năm nhìn lại, có thể khẳng định sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự đổi mới tư duy của Đảng trên hai lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội nước ta: dân tộc và tôn giáo, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi và yêu cầu của thực tiễn trong nước và quốc tế; góp phần ổn định tình hình đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nhất là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngân (Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học) khẳng định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là “Các dân tộc trong cộng đồng Việt  Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, thực chất là nhằm đảm bảo cho các dân tộc được phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhận thức lý luận về dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, qua thực tiễn đổi mới đã có những phát triển mới, những bổ sung quan trọng, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển của các dân tộc. PGS.TS Nguyễn Phú Lợi (Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng) nhận định: trên cơ sở chỉ ra tính phức tạp của tôn giáo liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều cấp, nhiều địa bàn, Nghị quyết số 25/NQ-TƯ ngày 12/3/2003 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo nêu rõ: "Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo", đây là một quan điểm đúng đắn cần được nhận thức sâu sắc. PGS.TS Hoàng Minh Đô (Giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Tín ngưỡng) cho rằng: dân tộc và tôn giáo là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo nhằm chống phá cách mạng, phương hại đến lợi ích chung của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập, chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện Nghị quyết. Nhiều chính sách dân tộc được triển khai nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa gắn kết với nhau nên kết quả đạt được chưa tương xứng với kinh phí Nhà nước đầu tư. Kết quả xóa đói giảm nghèo, định canh định cư và bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở một số nơi đạt được chưa thực sự bền vững. Hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo, tái mù chữ vẫn còn. Tình hình tôn giáo trên cả nước ổn định, nhất là ở khu vực đã được Nhà nước công nhận, nhưng gần đây xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ khiến tình hình tín ngưỡng tôn giáo có xu hướng bất ổn. Hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan chưa đồng bộ, thiếu chế tài nên hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này chưa cao.Đến nay, một trong những yếu kém nhất của công tác tôn giáo lại chính là tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, tuy toàn bộ hệ thống chính trị tham gia làm công tác tôn giáo, nhưng cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, nhất là đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. 

Theo các nhà khoa học, ngoài việc phải nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch thì công tác đấu tranh, chống lợi dụng tôn giáo và dân tộc phải được đặt ra với tinh thần chủ động cả trong phòng ngừa lẫn đấu tranh. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng để đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh ấy. Và điểm cốt lõi cuối cùng vẫn phải là xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc.

Hoa Mai

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền