Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Minh bạch trong bầu cử, kinh nghiệm quốc tế
Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 10:14
2150 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Minh bạch trong bầu cử, kinh nghiệm quốc tế

 
(LLCT) - Sáng 14-2, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Minh bạch trong bầu cử - Kinh nghiệm quốc tế”.

PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Tường Duy Kiên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; GS,TS Pippa Norris đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức OXFAM…; đông đảo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện. Tọa đàm do Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Phát biểu khai mạc, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện nêu rõ: chủ đề của cuộc tọa đàm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu học thuật, các nhà lãnh đạo, quản lý và của toàn xã hội, bởi hiện nay nước ta đang đẩy mạnh kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh.

Giáo sư Pippa Norris là chuyên gia về khoa học chính trị so sánh. Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 20 năm tại Đại học Harvard, hiện Giáo sư đang giảng dạy tại Đại học tổng hợp Sydney. Giáo sư đã nhận nhiều giải thưởng khoa học, trong đó có giải thưởng sách hay nhất về Truyền thông chính trị năm 2006 và là thành viên của nhiều hiệp hội như Hội đồng điều hành của Hội khoa học chính trị Hoa Kỳ, Hiệp hội khoa học Chính trị quốc tế và Hiệp hội khoa học Chính trị Vương quốc Anh. Hiện nay, GS,TS Pippa Norris là Chủ tịch Bộ phận nghiên cứu phụ nữ và Truyền thông chính trị thuộc Hội khoa học Chính trị Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Học viện, GS,TS Pippa Norris đã có bài giảng cho lớp dự nguồn cao cấp khóa III, với chủ đề: Xây dựng kế hoạch hành động về bình đẳng giới trong cơ quan dân cử, được các học viên đánh giá rất cao.

Phát biểu tại tọa đàm, GS,TS Pippa Norris cho biết, từ giữa năm 2012 đến nay, Giáo sư và các cộng sự đã khảo sát, thu thập dữ liệu từ hơn 60 quốc gia, với trên 77 cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Qua khảo sát cho thấy, vấn đề minh bạch (sự liêm chính) trong bầu cử đang là những thách thức đặt ra. Thí dụ từ những cuộc bầu cử gần đây: Tại Campuchia, tháng 7- 2013, dẫn đến các cuộc biểu tình, phe đối lập cáo buộc gian lận và tẩy chay quốc hội; tại Malaysia, tháng 5- 2013, phe đối lập cáo buộc gian lận, mua bán phiếu bầu và dàn xếp kết quả, Đảng Burisan Nasional giành được 47% số phiếu bầu, nhưng chiếm 60% số ghế trong quốc hội; tại Bănglađét, tháng 1- 2014, tình trạng bạo lực đẫm máu, đụng độ, biểu tình và chống đối; tại Thái Lan, tháng 2- 2014, sự chia rẽ sâu sắc giữa phe áo đỏ và phe áo vàng, chỉ có 90% số địa hạt tham gia bầu cử và tỷ lệ thấp người đi bầu ở những nơi khác…Như vậy, có thể thấy rất nhiều cuộc bầu cử kết thúc bằng các cuộc xung đột đảng phái với những cáo buộc về gian lận và lừa đảo. Các cuộc tranh luận có thể dẫn đến hủy hoại tính hợp pháp của kết quả bầu cử và làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chính quyền được bầu, tạo nên chất xúc tác cho những cuộc xung đột. Do đó, theo Giáo sư, cần phải có sự giám sát về tính minh bạch trong bầu cử, bằng việc thu thập bằng chứng xác đáng để đánh giá xem cơ quan quản lý bầu cử có độc lập hay không, có gian lận trong bầu cử hay không, cử tri có thực sự đi bầu hay không, vấn đề truyền thông có lệch lạc hay không, có vi phạm về vấn đề tài chính trong tranh cử hay không…Làm thế nào để biết được những cáo buộc bên nào nói đúng, bên nào nói sai, đây là vấn đề rất phức tạp. Bởi lẽ, ngay cả các nhà quan sát trong nước và quan sát viên quốc tế có thể thiên vị cho một đảng nào đó. Thực tế cho thấy, qua bầu cử ở một số nước, mỗi đơn vị quan sát đưa ra một báo cáo khác nhau, rất khó kiểm chứng. Theo Giáo sư, sự liêm chính trong bầu cử là hết sức quan trọng bởi những ảnh hưởng tác động của nó đối với tính hợp pháp, đối với hành vi chính trị, đối với xung đột và an ninh, đối với cải cách bầu cử. Hiện nay, các bằng chứng hiện có để đánh giá sự minh bạch các cuộc bầu cử đã thể hiện những hạn chế, đó là sự bất đồng đang ngày càng tăng giữa các tổ chức, thiếu sự so sánh tương đối giữa các quốc gia; các thông tin tiêu cực từ truyền thông; các chế độ chuyên quyền tìm cách bịt miệng những tin tức, chương trình có quan điểm chỉ trích; các công cụ kỹ thuật để kiểm tra tính pháp lý của bầu cử vẫn chưa có sự thống nhất về các chỉ số phù hợp giữa các quốc gia; các bộ dữ liệu xuyên quốc gia như NELDA, QED có những giới hạn trong các khái niệm pháp lý, hoặc trong chuỗi dữ liệu theo thời gian, hoặc các nguồn lực.

Khái niệm về sự minh bạch trong bầu cử do Giáo sư đưa ra để chỉ những cam kết và quy chuẩn quốc tế, được bao hàm trong một loạt các công ước, hiệp ước, nghị định thư và hưóng dẫn có tính chất bắt buộc; những tiêu chuẩn phổ quát áp dụng với tất cả các quốc gia trên thế giới, xuyên suốt chu trình bầu cử, bao gồm giai đoạn trước bầu cử, trong chiến dịch, ngày bầu cử và giai đoạn sau đó.

Dựa trên 11 bước trong chu trình bầu cử do Liên hợp quốc xác lập (bao gồm: Luật bầu cử, quy trình bầu cử, các ranh giới, cử tri đăng ký, đăng ký đảng và ứng viên, truyền thông chiến dịch, gây quỹ cho chiến dịch, quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu, kết quả, EMBS), GS,TS Pippa Norris đưa ra mô hình để đo lường chất lượng của một cuộc bầu cử (PEI), theo thang điểm 100, thông qua việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vấn đề xảy ra trong 11 nội dung của chu trình bầu cử, kiểm tra việc thực hiện trên 50 lĩnh vực, thí dụ: các ranh giới, truyền thông cho chiến dịch vận động tranh cử, vấn đề tài chính cho bầu cử, tình trạng bạo lực…Theo Giáo sư, bộ chỉ số PEI có thể áp dụng cho các cuộc bầu cử trên thế giới hiện nay.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Hoàng Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người, nêu ý kiến: có những quốc gia, mới thiết lập nền dân chủ chưa lâu, nhưng họ có những chỉ số PEI rất cao, trong khi đó một số nước có nền dân chủ lâu đời, kinh tế phát triển như Mỹ, Ý…chỉ số này lại không cao. Như vậy, khi kinh tế phát triển cao, thu nhập đầu người cao, thì chất lượng bầu cử có tốt không? Một thực tế đang diễn ra ở Mỹ là, trong tranh cử Tổng thống, nếu ứng viên nào huy động được nguồn tài chính lớn cho tranh cử thì khả năng thắng cử sẽ lớn, như vậy sự minh bạch trong bầu cử ở đây được đặt ra như thế nào?. Đồng tình với quan điểm này, TS  Nguyễn Thị Báo, Chánh Thanh tra Học viện cho rằng, việc dùng tiền để vận động tranh cử liệu có lựa chọn được người tài đích thực không?. Một số ý kiến khác đề nghị Giáo sư làm rõ thêm, trong bộ tiêu chí đánh giá, có tiếp cận dưới góc độ bình đẳng giới không?. Bộ chỉ số đưa ra về mặt định lượng là rất khó, để đo lường sự minh bạch phải căn cứ vào luật bầu cử, mà mỗi nước, mỗi chế độ xã hội thì quan niệm về vấn đề này rất khác nhau. Có những chỉ số không tác động nhiều đến tính liêm chính…

Trao đổi với các ý kiến trên, GS,TS Pippa Norris cho rằng, trên thực tế đúng là có những quốc gia thu nhập trung bình, nhưng chỉ số PEI lại cao (như Ấn Độ), một số quốc gia thu nhập cao nhưng chỉ số PEI chưa chắc đã cao (thí dụ Cô Oét, thu nhập đầu người cao, nhưng chỉ số minh bạch trong bầu cử lại thấp). Ngay cả ở Mỹ, các chu trình bầu cử được thực hiện cũng không được tốt lắm, nhất là ở một số các tiểu bang, trong Luật bầu cử của Mỹ cũng cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, xem xét trong sự tương quan với phát triển kinh tế, một quốc gia giàu có thì có nhiều điều kiện để tổ chức bầu cử tốt hơn. Bầu cử có thể diễn ra không được minh bạch do nguồn lực và ý chí. Về vấn đề huy động nguồn lực tài chính cho tranh cử Tổng thống tại Mỹ, Giáo sư cho rằng, ở Mỹ mức độ minh bạch rất cao, có những cơ quan của Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc chi tiêu tài chính của các đảng. Mỗi đảng và các ứng viên đều phải khai các khoản chi của họ, thu - chi rõ ràng. Thường thì Chính phủ đặt ra mức trần để chi cho việc bầu cử ở mỗi đảng; mỗi đảng phải dành một khoản ngân sách nhất định cho công việc này. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi đảng và các ứng viên đều có những cách để lách luật. Hiện nay, chưa có các quy định mang tính quốc tế về vấn đề này. Ở Mỹ, cũng có những cuộc bầu cử, mặc dù ứng cử viên chi rất nhiều tiền cho tranh cử, nhưng vẫn không giành được thắng lợi. Như vậy, tài chính chưa hẳn đã quyết định sự thắng thua. Quan điểm của tôi là việc huy động tài chính cho tranh cử Tổng thống ở Mỹ cũng nên điều chỉnh cho hài hòa hơn, nên học tập kinh nghiệm của Na Uy, Đức…

Tiếp cận từ góc độ bình đẳng giới, Giáo sư cho rằng để tăng số lượng đại biểu nữ trong các nghị viện, cần phải có những hành động để hỗ trợ, những hạn ngạch quy định tỷ lệ nữ tham gia, thí dụ 10%, hay 15%...; có thể quy định một đảng đưa ra tranh cử đủ số lượng ứng viên nữ theo quy định thì được tăng thêm tài chính cho tranh cử…Ở Việt Nam, có những chỉ tiêu khuyến khích nữ, nhưng chưa có chế tài để quy định cụ thể, nên cử tri vẫn có sự lựa chọn giữa nam và nữ. GS,TS Pippa Norris cho rằng, bộ tiêu chí do bà đưa ra chưa phải là đáp án duy nhất, mà vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát các cuộc bầu cử quốc gia để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, PGS,TS Tường Duy Kiên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đánh giá cao những kiến thức, kinh nghiệm do GS,TS Pippa Norris chia sẻ; hoan nghênh sự trao đổi cởi mở, nhiệt thành của các nhà khoa học. Đây là chủ đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện công tác bầu cử.

                                                                              Minh Phương - Hoa Mai

 

        ​

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền