Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm lý luận giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ cao cấp Đảng Lao động Mêhicô
Thứ ba, 06 Tháng 5 2014 17:27
2061 Lượt xem

Tọa đàm lý luận giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ cao cấp Đảng Lao động Mêhicô

(LLCT)- Sáng ngày 6-5-2014, tại Hà Nội, Học viện chính  trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm lý luận với đoàn cán bộ cao cấp Đảng Lao động Mê-hi-cô.

(Toàn cảnh Tọa đàm)

GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Tọa đàm. Tham dự có PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương và nhiều lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện.

Phía Đảng Lao động Mêhicô có đồng chí An-béc-tô A-na-gia Gu-ti-ê-rết, Tổng Bí thư, Hạ nghị sỹ Liên bang, Chủ tịch nhóm Nghị sỹ hữu nghị Mêhicô - Việt Nam và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng.

GS,TS Tạ Ngọc Tấn bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp Đoàn cán bộ cấp cao của Đảng Lao động Mê-hi-cô và các đồng chí thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Mê-hi-cô sang thăm, làm việc tại Việt Nam và tham dự buổi tọa đàm lý luận với các nhà khoa học của Học viện. Đồng chí nhấn mạnh, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Mê-hi-cô. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, những đóng góp của Đảng Lao động Mê-hi-cô và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư An-béc-tô A-na-gia trong việc đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác thiết thực giữa hai Đảng và nhân dân hai nước trong suốt thời gian kể từ khi hai Đảng thiết lập quan hệ đến nay đã góp phần củng cố, phát triển quan hệ đó. Đồng chí cũng bày tỏ sự vui mừng khi sự nghiệp cách mạng của Đảng Lao động Mê-hi-cô ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành Đảng tham chính với 15 nghị sỹ tại Hạ viện và 5 thượng nghị sỹ tại Thượng viện. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang trong quá trình cùng với các cơ quan nghiên cứu lý luận của Việt Nam thực hiện tổng kết 30 năm đổi mới, một trong những nội dung quan trọng của Đại hội toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ họp vào đầu năm 2016. Buổi Tọa đàm lý luận có ý nghĩa quan trọng để bổ sung vào các nghiên cứu của Học viện.

 

(PGS,TS Tạ Ngọc Tấn và TS An-béc-tô A-na-gia Gu-ti-ê-rết)

Trao đổi thảo luận, đồng chí An-béc-tô A-na-gia Gu-ti-ê-rết trình bày tham luận với 5 nội dung cơ bản: chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI; tình hình lực lượng cánh tả khu vực Mỹ La tinh; cuộc phản công của lực lượng đế quốc trước sự tiến bộ của lực lượng cánh tả Mỹ La tinh; phong trào cánh tả ở Venezuela và quá trình tái cấu trúc kinh tế, chính trị ở các nước trên thế giới. Theo đó, hiện nay, phong trào cánh tả ở các nước khu vực này đang chuyển từ đấu tranh cách mạng bằng vũ trang sang đấu tranh nghị trường thông qua bầu cử. Đây là kết quả của việc áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cụ thể của từng quốc gia, khu vực dù quá trình này diễn ra đến vài thập kỷ. Bên cạnh đó, các chính phủ của các nước Mỹ La tinh hoạt động trong điều kiện đa đảng, buộc các đảng cánh tả cầm quyền phải đưa ra chính sách lãnh đạo đất nước hiệu quả, nếu muốn có cơ hội được lãnh đạo đất nước lần tiếp theo. Về kinh tế, phải tìm mô hình phát triển kinh tế hỗn hợp; duy trì cơ chế hoạt động của kinh tế thị trường; quốc hữu hóa các ngành kinh tế mũi nhọn; kiểm soát các tập đoàn kinh tế trọng điểm; các ngành kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường kể cả kinh tế nhà nước; nắm giữ các ngành sản xuất: điện, ngân hàng, viễn thông… để làm cơ sở kiểm soát nền kinh tế. Các nước đế quốc hiện nay đang tìm cách tạo ra sự bất ổn cho hoạt động của lực lượng cánh tả, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và chính trị; ủng hộ các lực lượng cánh hữu lấy lại quyền cầm quyền thông qua đảo chính quân sự kiểu mới. Tại Venezuela, cuộc đấu tranh của lực lượng cánh tả đã giành được thắng lợi, đảng cánh tả đã giành được chính quyền. Thắng lợi đó không chỉ có ý nghĩa đối với Venezuela mà còn có ý nghĩa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Sau khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008, các quốc gia nói chung và các đảng cánh tả trên thế giới nói riêng đã có sự điều chỉnh, tái cấu trúc hệ thống chính trị và kinh tế, nhằm tạo ra nhiều yếu tố mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, GS,TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao những thông tin được trao đổi, chia sẻ và nhấn mạnh, đây là những thông tin vô cùng quý báu, có tính thời sự và hữu ích cho đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên, giảng viên của Học viện. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, trao đổi lý luận nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Mêhicô.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền