Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới”
Thứ hai, 12 Tháng 5 2014 08:36
4652 Lượt xem

Hội thảo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới”

Sáng 14-4-2014, Hội thảo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các nhà khoa học, nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết: đến năm 2016, công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta tròn 30 năm. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết, Hội đồng Lý luận Trung ương đã bước đầu tổng kết và thấy nổi lên 10 vấn đề mới, có ý nghĩa quan trọng cần làm rõ trong quá trình tổng kết, bao gồm: 

1. Nắm vững và giải quyết 8 mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra. 

2. Làm rõ hơn tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại và các giải pháp chủ yếu phấn đấu để đạt mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

3. Làm rõ hơn những giải pháp khả thi để giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trung tâm, tạo động lực phát triển. 

4. Làm sâu sắc hơn nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng. 

5. Xác định vai trò, vị trí vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội; phương thức quản lý xã hội trong tư duy chiến lược của Đảng; nhận thức đầy đủ, khách quan thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội ở nước ta để tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. 

6. Xây dựng hệ giá trị con người, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới. 

7. Xây dựng văn hóa chính trị, đặc biệt là văn hóa trong Đảng, Nhà nước. 

8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. 

9. Làm rõ và sớm thực hiện phương thức quản lý vùng, liên vùng; quản lý thống nhất, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực. 

10. Tiếp tục làm rõ nội dung, mô hình và phương thức cầm quyền của Đảng; cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ; nhất thể hóa một số chức danh, tổ chức Đảng, Nhà nước. 

Theo đó, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Các vấn đề trên chưa phải là tất cả những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đổi mới, nhưng đó là những vấn đề mới hoặc có ý nghĩa quan trọng cần được làm rõ.

Trong Báo cáo Đề dẫn, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung làm rõ thêm những nội dung trọng tâm đối với 10 vấn đề đã được đồng chí Đinh Thế Huynh nêu ra, đó là:

1. Tám mối quan hệ trên đã đủ chưa, cần bổ sung quan hệ nào? Nhận thức về từng mối quan hệ này như thế nào cho đúng, đầy đủ. Thực tiễn giải quyết từng mối quan hệ này như thế nào? Những vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết về mặt lý luận và thực tiễn. Những kiến nghị, giải pháp để nhận thức cho đúng, thực hiện cho tốt từng mối quan hệ này. 

2. Tiêu chí cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đánh giá mức độ tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khả năng thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phải thực hiện những giải pháp gì trong những năm tới.

3. Đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; từ phát triển nhanh sang phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng. Tiến hành 03 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Nguồn nhân lực, vật lực, tài chính. Nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần. Nguồn lực nhà nước, trong xã hội, trong dân, trong nước, ngoài nước. Giải pháp khai thông, phát huy các nguồn lực. Động lực phát triển đất nước trong thời gian tới là gì?

4. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường gồm những vấn đề gì? Làm thế nào để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. 

5. Thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay. Việc nhận thức và giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích; kiểm soát rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Việc nhận thức và thực hiện các chính sách xã hội, chính sách giai cấp. Vấn đề phát triển xã hội bền vững; vấn đề quản lý phát triển xã hội; phương thức quản lý xã hội.

6. Mức độ niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; đối với tiền đồ phát triển của đất nước. Mức độ xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội. Những bức xúc xã hội. Nhận thức về động lực của đổi mới. Hệ giá trị của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.

7. Mức độ khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tình trạng và xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện dân chủ trong Đảng, dân chủ trong công tác cán bộ, bầu cử; vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

8. Sớm xây dựng, thực thi cơ chế, thiết chế để phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước và thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Vấn đề thực hiện dân chủ gắn với kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước. Vấn đề hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Việc khắc phục tính hành chính, tính hình thức trong hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Vấn đề giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

9. Phương thức quản lý vùng, liên vùng. Những giải pháp thực hiện quản lý vùng, liên vùng. Những giải pháp bảo đảm quản lý thống nhất, đa ngành, đa lĩnh vực.

10. Nội dung, mô hình, phương thức cầm quyền của Đảng. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhất thể hóa một số chức danh và tổ chức Đảng, Nhà nước thế nào.

Thông qua thực tiễn của địa phương, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, cần làm rõ hơn 03 vấn đề trọng tâm trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ trung ương đến địa phương trong điều kiện vận hành của thị trường. Nền kinh tế thị trường của chúng ta đi sau nên có thể vận hành những công cụ của thị trường, mà lịch sử phát triển của nó ở nhiều nước cho thấy là đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của nước ta. Sự xuất hiện xung đột và mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể khác nhau của thị trường, thường xuất hiện các nhóm lợi ích tác động đến chính sách và thể chế quản lý.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất một số kiến nghị của Thành phố với Trung ương về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là, Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu và triển khai hoàn thiện cơ chế vận hành các loại thị trường. Trước hết, cần sớm hoàn thiện cơ chế vận hành của 05 loại thị trường: hoàn thiện và phát triển thị trường tài chính; thị trường bất động sản; xây dựng thị trường hàng hóa tương lai và phát triển mạng lưới thương mại hiện đại; Hoàn thiện và phát triển thị trường lao động; hoàn thiện thị trường công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần chú ý trong việc can thiệp vào thị trường như thế nào, bằng các công cụ gì phù hợp với chức năng của Nhà nước mà không làm cho các quan hệ thị trường bị méo mó và cần sớm có sự đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công; phải mạnh dạn mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương và có giám sát, kiểm tra của Trung ương; bảo đảm nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, tính chất một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương.

 (Nguồn: tapchicongsan.org.vn)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền