Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học về cuốn sách “Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội”
Thứ năm, 12 Tháng 6 2014 09:55
4521 Lượt xem

Hội thảo khoa học về cuốn sách “Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội”

(LLCT) - Ngày 10-6-2014, Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về cuốn sách Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội. Dự Hội thảo có GS Nguyễn Đức Bình, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đông đảo các nhà khoa học, giảng viên của Học viện. PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

Cuốn sách Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, dày 423 trang tập hợp 28 công trình của các học giả cánh tả, cộng sản Nga bàn về những vấn đề của CNXH mới: nguyên nhân sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô trước đây; về CNTB hiện đại, về CNXH và nền kinh tế thị trường,… giới thiệu với người đọc nhận thức về quá khứ CNXH Xô viết và về triển vọng của phong trào cộng sản trên đất nước Nga.

Tại Hội thảo, các tham luận đã điểm lại những nội dung về của chủ nghĩa Mác – Lênin, CNXH được đề cập trong 28 công trình lý luận của các học giả Nga đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn về mặt lý luận của cuốn sách đối với cuộc đấu tranh bảo vệ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin; xây dựng mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin được đề cập trong cuốn sách, các nhà khoa học khẳng định, các tác giả của 28 bài viết đều thể hiện thái độ trân trọng, đúng đắn với chủ nghĩa Mác – Lênin, đó là học thuyết khoa học và cách mạng, hệ tư tưởng, thế giới quan và phương pháp luận cho các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới ngày nay.

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo cho rằng hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là tổng hợp các giáo lý, các công thức cố định, mà là một hệ thống mở, thường xuyên được bổ sung, phát triển, cho nên đó là một học thuyết “có sức sống, toàn năng, đầy đủ, nghiêm ngặt và sống động”.

Về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô, các tham luận đều chỉ ra rằng: nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của CNXH ở Liên Xô được Liên minh các Đảng Cộng sản – Đảng Cộng sản Liên Xô (SKP-KPSS) và các học giả Nga xác định là: quan hệ sản xuất xơ cứng, quyền lực chính trị cực quyền kìm hãm lực lượng sản xuất, làm tha hóa ý thức và đạo đức xã hội. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: sự xa cách giữa Đảng, chính quyền với công nhân, trí thức và nhân dân nói chung; kéo dài quá lâu cơ chế quản lý tập trung cao độ; nhận thức máy móc và thực hành không đầy đủ dân chủ XHCN; bộ máy quyền lực các cấp không có kiểm soát; chủ quan, duy ý chí, xa rời những nguyên lý Mác – Lênin; sự phản bội của một số lãnh đạo cao cấp… Các tham luận đều nhất trí với sự nhìn nhận đúng đắn của các học giả Nga về mô hình CNXH ở Liên Xô đã không xuất phát từ tư tưởng, lý luận Mác – Lênin hay bản chất CNXH, cũng không xuất phát từ bản chất của mô hình Xô viết mà là do quá trình thực hiện của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ.

PGS, TS Đỗ Thị Thạch, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học khẳng định: sự cần thiết nhận thức lại dân chủ xã hội và chức năng chính quyền của dân mà các học giả Nga đề cập, bảo đảm cho cá nhân và tổ chức có thể công khai giải quyết những vấn đề của mình với đảng cầm quyền. Tại Việt Nam, việc nhìn nhận, nghiên cứu thấu đáo về dân chủ và tránh sai lầm trong nhận thức có ý nghĩa to lớn trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, đưa dân chủ vào mục tiêu đổi mới đất nước.

GS, TS Mạch Quang Thắng cho rằng: Mục tiêu về CNXH mà các học giả Nga đưa ra đối chiếu với lý luận của Mác – Lênin không có nhiều điểm khác, nhưng con đường đi lên CNXH ở mỗi quốc gia khác nhau. Vì vậy, không nên nói mô hình CNXH mà chỉ nên nói ý tưởng đi lên CNXH, nhưng thể hiện nó như thế nào? Làm thế nào để phản ánh sinh động về phương pháp, ý tưởng và hướng đi lên CNXH như các học giả Nga đã nói? Con đường đi lên CNXH là phương pháp mà đảng nào nắm lấy phương pháp đó và sáng tạo nó thì mới đi lên CNXH thành công.

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh : công cuộc đổi mới của CNXH đặt ra yêu cầu phải phòng chống căn bệnh giáo điều, tư duy xơ cứng, máy móc, phải ngày càng năng động, sáng tạo gieo trồng CNXH trên từng mảnh đất hiện thực.

Những quan điểm đó của các học giả Nga đã gợi mở cho những người cộng sản và nhân dân Việt Nam nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng. Mục tiêu của công cuộc xây dựng CNXH là xóa bỏ mọi chế độ xã hội dựa trên bóc lột lao động, áp bức, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng lao động và giải phóng con người để mọi người đều được phát triển toàn diện và công bằng về lợi ích. Bám sát đặc điểm của thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và biến đổi khí hậu cũng như đặc điểm nước Nga hậu Xô viết, các học giả Nga đưa ra những quan niệm cụ thể về CNXH mới: quyền tự con người, chế độ dân chủ và đoàn kết xã hội…

Tổng kết Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo cho rằng, Hội thảo về cuốn sách đã cung cấp những thông tin mới, hữu ích cho các nhà nghiên cứu và đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của Học viện.

                                                                                 Nguyễn Thị Lan

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền