(LLCT) - Ngày 26-6-2014, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học tổ chức Hội thảo khoa học Lý luận Mác xít về hình thái kinh tế - xã hội: Tính khoa học của những nguyên lý và những luận điểm đã bị lịch sử vượt qua. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu: “Lý luận Mác xít về hình thái kinh tế - xã hội được vận dụng trong thế kỷ XX và những bài học kinh nghiệm đối với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo. Cùng tham gia, có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
(PGS,TS Nguyễn Viết Thảo phát biểu chỉ đạo Hội thảo)
Giới thiệu tổng quan về chủ đề và nội dung của đề tài nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm, Chủ nhiệm đề tài nêu rõ: Một trong những nội dung cơ bản của đề tài là nghiên cứu một cách có hệ thống các quan điểm Mác - Lênin trong học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN) nói riêng, luận giải, làm rõ những giá trị mang tính khoa học, thực tiễn bền vững về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Cần nhận thức rõ, cũng như bất cứ học thuyết nào, lý luận Mác xít về hình thái kinh tế - xã hội vốn không thể là chìa khoá vạn năng, bất biết và đúng đắn tuyệt đối. Do những hạn chế lịch sử, đã có những dự báo của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin về xã hội cộng sản, xã hội XHCN đã bị lịch sử vượt qua, cần được bổ sung, phát triển, cụ thể hoá dưới ánh sáng của những biến động mới của thời đại.
Hội thảo đã nhận được gần 15 tham luận của các nhà khoa học, tập trung vào hai nội dung chính: Một là, giá trị bền vững phản ánh tính khoa học, cách mạng thực tiễn trong những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội CSCN nói riêng. Hai là, một số luận điểm cụ thể mang tính dự báo đã bị lịch sử vượt qua, cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện mới của thế giới đương đại.
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học đều nhất trí về tính cấp thiết của đề tài trong việc đi sâu nghiên cứu, đánh giá để bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận Mác xít để áp dụng vào tình hình thực tế.
Về phương pháp nghiên cứu, GS Dương Phú Hiệp nêu ý kiến, đề tài cần tham khảo nhiều học thuyết tư tưởng chính trị khác nhau, tiếp cận tài liệu gốc để có sự đối chiếu, so sánh xác thực nhất, từ đó rút ra những kết luận khách quan, khoa học. Cần xác định rõ phạm vi, mức độ của đề tài để tránh mở rộng quá mức hoặc bó hẹp nội dung nghiên cứu. GS, TS Trịnh Quốc Tuấn, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học bổ sung ý kiến cần kết hợp phương pháp luận triết học Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời cần coi trọng việc nghiên cứu, tham khảo từ các học thuyết đang tồn tại hiện nay để tránh phiến diện, tuyệt đối hoá chủ nghĩa Mác - Lênin, dẫn đến xa rời quá trình phát triển của nhân loại.
Về những luận điểm Mác xít đã bị lịch sử vượt qua, PGS, TS Nguyễn Chí Dũng trình bày tham luận Học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội dưới ánh sáng thời đại, trong đó nhấn mạnh trước hết cần đánh giá đúng, khách quan, toàn diện về học thuyết Mác - Lênin: đó là học thuyết mang tính khoa học, Mác đã chỉ ra và phân tích một cách khoa học quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, sự tất yếu của việc ra đời hình thái kinh tế - xã hội CSCN. Tuy nhiên, do những hạn chế của lịch sử mà học thuyết của Mác còn có những hạn chế nhất định, đó là chưa xây dựng hoàn chỉnh lý luận về giai cấp xã hội đại diện và hình thức sở hữu tư liệu sản xuất cho hình thái CSCN, đồng thời do sự phát triển vượt bậc của thời đại, xu thế xích lại gần nhau của các giai cấp và sự hình thành giai cấp công nhân tri thức là một tất yếu mà lý luận Mác xít chưa chỉ rõ. Làm rõ thêm luận điểm trên, PGS, TS Nguyễn An Ninh nhận định, lý luận của Mác cần được nhìn nhận là những định hướng, dự báo khái quát để gợi mở cho các nhà nghiên cứu sau này tìm tòi, nghiên cứu và phát triển, kế thừa một cách biện chứng chứ không phải là khẳng định tuyệt đối.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài cảm ơn những ý kiến đóng góp, tranh luận tâm huyết và sâu sắc của các nhà khoa học, đặc biệt chú trọng những gợi ý của các nhà khoa học về phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu; xác định mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu để đảm bảo tính quy luật, hiện thực, khả thi. Về những hạn chế của lý luận Mác xít đã bị lịch sử vượt qua, đồng chí đánh giá, các nhà khoa học đã đóng góp những ý kiến cởi mở, chi tiết, đa dạng, mang tính xây dựng cao và khẳng định Ban chủ nhiệm đề tài sẽ nghiêm túc gạn lọc các ý kiến để tiếp thu và hoàn thiện.
Lê Minh Ngọc