Trang chủ    Tin tức    Hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả triển khai biên soạn chương trình cao cấp lý luận chính trị mới
Thứ ba, 01 Tháng 7 2014 14:37
2160 Lượt xem

Hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả triển khai biên soạn chương trình cao cấp lý luận chính trị mới

(LLCT) - Ngày 25-6-2014, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Tổng kết đánh giá kết quả triển khai biên soạn chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính thuộc Đề án 1677. Chủ trì Hội thảo GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm Chương trình cao cấp lý luận chính trị.

Ngày 10-9-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1677/QĐ/TTg giao Học viện thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị, hành chính ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh" (gọi tắt là Đề án 1677). Đề án có hơn 70 chương trình, giáo trình đào tạo và bồi dưỡng (biên soạn mới hoặc bổ sung và hoàn thiện) khác nhau, trong đó có Chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Đây là chương trình có vị trí đặc biệt quan trọng, là xương sống trong toàn bộ hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Chương trình được giảng dạy tại Trung tâm Học viện và các học viện khu vực.

Chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính, được xây dựng qua ba giai đoạn: xây dựng khung chương trình, biên soạn đề cương, viết giáo trình. Đến nay Chương trình đã hoàn thành, được Giám đốc Học viện ra Quyết định số 2014/QĐ/HVCT ngày 19-5-2014 phê duyệt kết quả.

Trong quá trình xây dựng Chương trình, có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn; đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của lực lượng lớn các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy có kinh nghiệm ở hầu hết các đơn vị chuyên môn trong Học viện; đồng thời có sự hỗ trợ, động viên của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị chức năng và toàn Học viện.

Trong tháng 5, 6 - 2014, Học viện đã tổ chức tập huấn và giảng thí điểm tại 3 khu vực: tại Trung tâm Học viện, tại Học viện Chính trị khu vực II và  Học viện Chính trị khu vực III.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, Học viện Hành chính tách khỏi Học viện, chuyển về trực thuộc Bộ Nội vụ (tháng 6-2014). Để phù hợp với điều kiện mới, tổ chức mới, Ban Giám đốc Học viện đã quyết định cấu trúc lại Chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính thành Chương trình cao cấp lý luận chính trị. Vẫn đáp ứng khung yêu cầu chung cho cán bộ cơ quan đảng và cơ quan nhà nước.

Để hoàn thiện hơn các nội dung chương trình phục vụ việc đưa vào giảng dạy trong năm học mới (từ tháng 8-2014), như kế hoạch đã đề ra, các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung làm nổi bật các nội dung: Sự cần thiết đổi mới nội dung Chương trình cao cấp lý luận chính trị; những khó khăn, thuận lợi và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt việc tham gia đổi mới Chương trình; đánh giá khách quan những kết quả tích cực đã đạt được, nhất là những vấn đề mới và những hạn chế cần tiếp tục giải quyết; việc cơ cấu lại Chương trình Cao cấp lý luận chính trị - hành chính thành Chương trình cao cấp lý luận chính trị đã hợp lý chưa; nêu những đề xuất để tiếp tục hoàn thiện, tiến tới in ấn tập bài giảng, xuất bản chính thức giáo trình và đưa Chương trình vào giảng dạy trong thực tế đạt kết quả tốt.

Một số tham luận tại Hội thảo đã nêu những điểm mới của Chương trình, khẳng định với kết quả đạt được, đã bảo đảm sự thống nhất hệ thống chương trình toàn Học viện, có tính đến đặc thù khu vực, đây là bước phát triển quan trọng, giải quyết sự thiếu thống nhất giữa Học viện Trung tâm và Học viện khu vực, tạo điều kiện cho học viên học tập tốt hơn. Các báo cáo tại Hội thảo đã tổng hợp các ý kiến một số lớp tập huấn chuyên ngành, về cơ bản các ý kiến đều đánh giá cao việc đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng nói chung, Chương trình cao cấp nói riêng. Tuy nhiên, khi đưa vào giảng dạy theo Chương trình mới bên cạnh những thuận lợi, cũng có những khó khăn lớn, khi thời lượng dành cho mỗi bài ngắn, giảng viên cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu,...

Kết thúc Hội thảo, GS TS Tạ Ngọc Tấn yêu cầu toàn Học viện cần thống nhất nhận thức sau:

Thứ nhất, khẳng định cơ sở, quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình, trước hết là trên cơ sở mong muốn, đòi hỏi của người học để từ đó người dạy phải đáp ứng, chứ không phải theo chủ quan của người truyền đạt. Đó là đường lối, chủ trương, cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và các kỹ năng công tác, phục vụ việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ.

Thứ hai, trong giảng dạy Chương trình cao cấp lý luận chính trị xuất phát từ cơ sở thực tế, từ trình độ cán bộ hiện nay, về cơ bản đã có trình độ đại học, có thể nắm bắt tốt các nội dung giảng dạy. Người giảng phải chọn lọc những nội dung đưa ra giảng dạy. Mặt khác, thời gian học tập nên ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng học viên.

Ba là,xây dựng Chương trình mới, ban Chỉ đạo đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, kế thừa các chương trình và tham khảo các chương trình khác, khắc phục những hạn chế của các chương trình trước đây là phá vỡ sự gắn kết giữa các ngành khoa học.

Một điểm đáng lưu ý là, khung chương trình mới thống nhất cho toàn hệ thống Học viện, có tính đến nét đặc thù khu vực, gắn với đặc thù địa phương vùng, gắn với các chuyên môn, chuyên ngành. Trước mắt ở một số đơn vị có thể chỉ một số giảng viên đảm nhiệm được. Do vậy, trong thời gian tới phải rèn luyện, đào tạo đội ngũ người giảng kế cận. Trước mắt, không khuyến khích vượt giờ, để cán bộ có thời gian tham gia các công việc chuyên môn khác.

Để nâng cao chất lượng đào tạo Chương trình, cần tiếp tục nghiên cứu phương pháp giảng dạy của Học viện; Học viện cần xây dựng, hoàn thiện phương pháp giảng dạy cho từng môn học để xác định giảng cái gì, và nhất thiết giảng viên phải soạn bài giảng. Học viên bắt buộc phải đọc tài liệu cơ bản và được khuyến khích đọc thêm một số tài liệu tham khảo.

Theo kế hoạch, từ tháng 8-2014 các lớp sẽ bắt đầu thực hiện học theo Chương trình cao cấp lý luận mới. Cần cập nhật kiến thức mới từ các Hội nghị Trung ương khóa XI, như một số vấn đề an ninh - quốc phòng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, văn hóa,... vào bài giảng.

Trong bối cảnh cả nước đang quán triệt và triệt khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Học viện thực hiện tốt Đề án 1677, trong đó có đổi mới Chương trình cao cấp lý luận chính trị có ý nghĩa lớn, góp phần thiết thực quán triệt và triển khai Nghị quyết của Đảng.

TS Nguyễn Thắng Lợi

Tạp chí Lý luận chính trị

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền