Trang chủ    Tin tức     Tọa đàm “Phòng chống tham nhũng trong khu vực công – kinh nghiệm của Vương quốc Anh”
Thứ ba, 29 Tháng 7 2014 09:12
4390 Lượt xem

Tọa đàm “Phòng chống tham nhũng trong khu vực công – kinh nghiệm của Vương quốc Anh”

(LLCT) - Ngày 25-7-2014, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Phòng chống tham nhũng trong khu vực công – kinh nghiệm của Vương quốc Anh”.

Tham dự Tọa đàm có ông Peter Hain, Nghị sĩ Hạ viện Vương quốc Anh; bà Lesley Craig, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội; ông Conrad F Zellmann, Phó Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch quốc tế và đông đảo các nhà khoa học của Học viện.

Tại Tọa đàm, bà Lesley Craig đã khẳng định Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quá trình hợp tác phát triển lâu dài và không ngừng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển bền vững và thịnh vượng. Hiện nay, Vương quốc Anh là nhà tài trợ lớn nhất, đóng vai trò điều phối các đối tác để hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực phòng chống tham nhũng. Bà hy vọng thông qua buổi tọa đàm, các học giả, các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ có cái nhìn toàn diện hơn trong phòng chống tham nhũng.

Tại buổi Tọa đàm, Nghị sĩ Peter Hain đã chia sẻ những kinh nghiệm về nghệ thuật lãnh đạo, về đấu tranh chống tham nhũng ở Vương quốc Anh. Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về xếp hạng các nước trong hiệu quả phòng chống tham nhũng. Vương quốc Anh đứng thứ 14 trong tổng số 177 quốc gia được xếp hạng và Việt Nam đứng thứ 116/177 nước.

Thực tế tại Vương quốc Anh những năm gần đây cho thấy, tham nhũng diễn ra ở cả các “ông trùm” truyền thông và những ông chủ giàu có, những tổ chức và cá nhân đã góp tiền cho các đảng chính trị nhằm tác động, ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ. Vương quốc Anh đã đấu tranh với tham nhũng thông qua cả pháp luật và giám sát của Quốc hội:

Đạo luật Chống hối lộ của Vương quốc Anh 2010nhằm thắt chặt các khía cạnh cụ thể của Luật chống tham nhũng. Đạo luật này buộc các tổ chức thương mại có trụ sở tại Anh phải chịu trách nhiệm theo pháp luật của Anh để ngăn ngừa hành vi hối lộ thường được thực hiện thông qua các công ty con, kể cả ở Anh và ở các nước khác mà tổ chức này hoạt động. Lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm về hành động của nhân viên của họ và bất cứ ai đại diện cho họ trong và ngoài nước. Đạo luật này cũng quy định hành vi hối lộ của các quan chức ở nước ngoài, chấm dứt việc miễn trừ hối lộ từng được áp dụng cho lực lượng vũ trang của Anh và các dịch vụ an ninh.

Đạo luật tự do thông tin 2000. Luật này buộc các cơ quan phải công bố thông tin quan trọng và cho phép người dân đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin và những yêu cầu đó phải được đáp ứng. Mục đích là tăng cường minh bạch tại cơ quan công quyền. Đồng thời là công cụ quan trọng trong việc chống tham nhũng.

Hệ thống thực thi pháp luật được xây dựng. Vương quốc Anh có một hệ thống điều tra và vạch trần tham nhũng riêng biệt.

“Đặc quyền quốc hội”là một quyền lợi bảo vệ các thành viên của Quốc hội (nghị sĩ) không bị truy tố vì tội phỉ báng hay vu khống khi thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao. Đây là một đặc tính quan trọng của nền dân chủ Anh cho phép một nghị sĩ có thể phát biểu một cách tự do trong Quốc hội để vạch trần các hành vi sai trái hoặc tham nhũng mà không bị kiện. Nhưng các nghị sĩ vẫn có thể bị truy tố nếu họ phạm tội tham nhũng.

Bổ nhiệm các vị trí công: quá trình bổ nhiệm trong cơ quan công quyền được quy định chặt chẽ, trải qua các quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Hệ thống pháp luậtvới sự độc lập của hệ thống tư pháp là nền tảng của dân chủ Anh; dịch vụ dân sự trong sạch; truyền thông, báo chí là phương tiện không thể thiếu trong phòng chống tham nhũng.

Ông Conrad F Zellmann nêu một số gợi ý về việc rà soát Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC) đối với Việt Nam. Theo ông Conrard Việt Nam cần: Mở rộng khái niệm về hối lộ, không chỉ hạn chế ở các lợi ích vật chất và những nhân sự nắm giữ chức vụ và quyền lực trong cơ quan nhà nước; có điều khoản rõ ràng trong Bộ luật hình sự để nêu vấn đề tham nhũng bởi các nhân viên nước ngoài và nhân viên các tổ chức quốc tế; ban hành quy định pháp lý hình sự hóa hối lộ trong khu vực tư; xây dựng các điều khoản về trách nhiệm hình sự của các pháp nhân trong các vụ tham nhũng; khuyến khích và có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo, xây dựng chương trình bảo vệ nhân chứng; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan công và khu vực tư nhân.

Kết thúc Tọa đàm, PGS, TS Tường Duy Kiên đánh giá cao những kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng mà các đại biểu đã chia sẻ và hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Vương quốc Anh tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả phòng, chống tham nhũng, để Việt Nam đạt được bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Lê Bảo Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền