Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học "Phương pháp luận nghiên cứu đề tài "An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay""
Thứ tư, 06 Tháng 8 2014 15:35
1974 Lượt xem

Hội thảo khoa học "Phương pháp luận nghiên cứu đề tài "An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay""

Sáng 26-6-2014, tại Trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phương pháp luận nghiên cứu đề tài “An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay””. Hội thảo nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề tài khoa học cấp nhà nước KX.03.12/11-15 “An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay” thuộc Chương trình khoa học trọng điểm KX.03/11-15 do Viện Văn hóa và Phát triển chủ trì. PGS,TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Nguyễn Duy Bắc - Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Nguồn lực văn hóa được cấu thành bởi 3 thành tố: di sản và các giá trị của sáng tạo văn hóa; nguồn lực con người (nhân tố trung tâm) và cơ chế, chính sách tăng cường nguồn lực. Trong đó, bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề trọng đại, sống còn của mỗi quốc gia, tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương trong hội nhập. Vì vậy, việc xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa phát triển văn hóa dân tộc và toàn cầu hóa, làm phong phú và thúc đẩy văn hóa phát triển là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh đó, các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đều coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đấu tranh chống khuynh hướng đồng hóa về văn hóa; coi trọng việc tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh văn hóa.

“An ninh văn hóa” - thuật ngữ được sử dụng khá rộng rãi cả trong và ngoài nước, nhưng về phương diện lý luận, nội hàm của khái niệm này vẫn chưa được tiếp cận một cách hệ thống. Tuy nhiên, tựu chung lại, có thể đưa ra 3 góc độ tiệm cận nội hàm khái niệm an ninh văn hóa: 1- An ninh văn hóa là sự bảo tồn, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và thể chế văn hóa quốc gia (gắn với thể chế chính trị); 2- An ninh văn hóa là việc đấu tranh chống lại sự xâm hại của tự nhiên và con người đối với văn hóa; đấu tranh chống lại việc xâm nhập của các luồng tư tưởng, các hành vi sản xuất,  truyền bá sản phẩm phi văn hóa, thiếu lành mạnh, đi ngược lại với đường lối, chính sách của đảng, nhà nước cầm quyền; 3- An ninh văn hóa trước hết phải là sự đảm bảo cho việc xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, ở đó, tiềm năng sáng tạo của con người được giải phóng, quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa được tôn trọng, các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại được gìn giữ, hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa được xây dựng và hoàn thiện, góp phần chống lại những hành vi phản văn hóa, phản giá trị theo luật pháp – cách hiểu an ninh văn hóa theo hướng này đang trở thành một xu thế phổ biến trên thế giới.

Ở nước ta, cho đến nay, vấn đề an ninh văn hóa còn tương đối mới mẻ. An ninh văn hóa là gì? Vai trò và ý nghĩa của nó đối với sự ổn định và phát triển văn hóa quốc gia, đảm bảo quyền sáng tạo, tiếp cận và thụ hưởng những giá trị văn hóa của mỗi người dân nói riêng, bảo đảm an ninh quốc gia nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển như hiện nay như thế nào chưa thực sự được nghiên cứu sâu rộng, cũng như chưa được tiếp cận từ góc độ liên ngành, đa ngành. Vì vậy, đây là những vấn đề lý luận cần được làm sáng tỏ. Đây cũng là nội dung hướng tới của Hội thảo “Phương pháp luận nghiên cứu đề tài “An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay””, cũng như của Đề tài khoa học cấp nhà nước KX.03.12/11-15 “An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay” thuộc Chương trình khoa học trọng điểm KX.03/11-15.

Nhiều vấn đề cụ thể xoay quanh nội hàm khái niệm an ninh văn hóa và những đặc thù tại Việt Nam như: an ninh văn hóa trong mối quan hệ với an ninh con người, an ninh truyền thống và phi truyền thống; chủ thể và vai trò của các chủ thể đối với việc đảm bảo an ninh văn hóa của Việt Nam trong điều kiện hiện nay; cơ sở pháp lý về an ninh văn hóa, hệ thống pháp luật về an ninh văn hóa ở Việt Nam và các công ước, luật pháp quốc tế về an ninh văn hóa… đã được các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi và chia sẻ.

Hội thảo kết thúc sáng cùng ngày.

Nguồn: hcma.vn

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền