Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Xã hội học về toàn cầu hóa”
Thứ tư, 13 Tháng 8 2014 10:43
5197 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Xã hội học về toàn cầu hóa”

(LLCT) - Sáng 12-8-2014, Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Xã hội học (Học viện Chính trị  quốc gia Hồ Chí Minh)  phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Xã hội học về toàn cầu hóa”. 

(Toàn cảnh Tọa đàm, nguồn: hcma.vn)

GS, TS Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học chủ trì. Diễn giả chính của buổi Tọa đàm là GS Francois Houtar, Trường Đại học Công giáo, Louvain, Vương quốc Bỉ. Tham dự có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Tọa đàm tập trung phân tích những hệ lụy của toàn cầu hóa không phải trên những khía cạnh riêng biệt theo kiểu truyền thống mà hướng đến sự toàn thể của thế giới do toàn cầu hóa mang lại; phân tích cuộc khủng hoảng trên thế giới bắt đầu vào năm 2008. Đây là cuộc khủng hoảng của toàn hệ thống: từ lương thực, năng lượng, khí hậu, tài chính, kinh tế đến các giá trị chuẩn mực toàn cầu. GS François Houtart nêu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng do nhận thức của nhân loại luôn coi thiên nhiên như là đối tượng để chinh phục và khai thác nhằm phục vụ cho mục tiêu của mình. Ông đưa ra cảnh báo về sự khai thác quá mức, dẫn đến cạn kết nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu trong một tương lai gần.

Từ phân tích sâu sắc các hạn chế của mô hình phát triển xã hội TBCN cũng như CNXH, GS François Houtart đề xuất và kêu gọi đã đến lúc cần phải bắt đầu cho việc tìm kiếm và xây dựng một mô hình xã hội mới. Xã hội đó phải được xây dựng dựa trên lợi ích chung của toàn nhân loại. Khái niệm “Lợi ích chung của nhân loại” được ông đưa ra như một thuật ngữ mới (và là định hướng căn bản) về đời sống chung của nhân loại trên toàn cầu, xây dựng ý tưởng về một khả năng tạo dựng, tái tạo và làm cho cuộc sống của nhân loại tốt đẹp hơn. Giáo sư cũng nhấn mạnh đó không phải là một đề xuất dựa trên quan điểm duy tâm và hay “chủ nghĩa xã hội không tưởng”. Đề xuất này nhằm phản ứng lại một hệ thống đang phá hủy trái đất và sử dụng nền kinh tế mang tính “tự hủy diệt”, đồng thời có thể xóa bỏ các nhóm xã hội mang danh tiến bộ.

Vấn đề này cũng chính là luận điểm thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học tham gia buổi tọa đàm. GS Tô Duy Hợp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bày tỏ sự tán thành cần phải phải tìm kiếm mô thức phát triển mới, tuy nhiên ông cũng quan ngại với mô thức mà các học giả phương Tây thường nhấn mạnh là: hậu CNTB, chẳng hạn sau hậu chủ nghĩa tư bản là gì? GS Tô Duy Hợp đã nêu ra vấn đề xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa CNTB và CNXH. Cụ thể hơn là sự hài hòa giữa cá nhân và tập thể, cộng đồng. Bởi vì, CNTB nhấn mạnh đến cá nhân, trong khi đó CNXH lại quan tâm đến tập thể, cộng đồng. Bày tỏ sự đồng tình với  đề xuất của GS François Houtart là đã đến lúc nhân loại phải tìm kiếm và xây dựng mô thức phát triển xã hội mới, GS Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đặt ra vấn đề là ai, lực lượng nào sẽ là người đại diện và thực hiện học thuyết này? …

Kết thúc buổi Tọa đàm, GS Lê Ngọc Hùng khẳng định: những quan điểm mà GS François Houtart đưa ra thực sự là những gợi mở và tìm tòi mới trong việc hướng đến một mô hình phát triển mới cho nhân loại. GS François Houtart đã đưa những vấn đề lớn lao của nhân loại nhưng rất có thể nó sẽ là cú hích cho các đại biểu tham dự tiếp tục mạch tư duy của mình về chủ đề này.

GS François Houtart sinh năm 1925 tại Brussels, Bỉ. Ông là Tiến sĩ xã hội học của Trường Đại học Công giáo Louvain (UCL), Tiến sĩ danh dự của Đại học Notre Dame (Mỹ) và Havana. Được công nhận là GS, TS hàng đầu của thế giới về xã hội học, ông từng giảng dạy tại hàng trăm trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Suốt cuộc đời hoạt động cho các phong trào đấu tranh vì hòa bình, ông tham gia vào phong trào xã hội và chính trị tại Mỹ Latinh, chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đoàn kết với các cuộc đấu tranh giải phóng ở châu Phi và cuối cùng là Diễn đàn xã hội thế giới. GS François Houtart là Chủ tịch của Liên minh quốc tế và cho Tự do và Quyền con người (đóng tại Geneve), ông từng chủ trì nhiều kỳ họp của Tòa án thường trực và các tòa án công luận trên khắp thế giới, là Giám đốc điều hành của Diễn đàn thế giới về các giải pháp thay thế, ông được Đại Hội đồng Liên hợp quốc mời tham gia vào Ban nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng thế giới.

Cách đây gần 40 năm ông đã đến Việt Nam và được hiểu với vị trí là một trong những người có công khai mở cho sự phát triển xã hội học ở Việt Nam. Từ đó cho đến này đã nhiều lần đến Việt Nam để thực hiện các công việc của mình. Ông được xem như là một thành viên đặc biệt quan trọng của cộng đồng khoa học xã hội học Việt Nam.

Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học

 Trần Bích Hạnh, Tạp chí Lý luận chính trị

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền