Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Phân tầng xã hội và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay – lí luận và thực tiễn”
Thứ sáu, 22 Tháng 8 2014 16:00
6625 Lượt xem

Hội thảo “Phân tầng xã hội và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay – lí luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng 15-8-2014, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam phối hợp với Ban chủ nhiệm Đề tài khoa học do NAFOSTED tài trợ và Viện Xã hội học thuộc Học viện tổ chức Hội thảo khoa học “Phân tầng xã hội và công bằng xã hội: vấn đề lý luận và thực tiễn”.

(Toàn cảnh Hội thảo, nguồn: hcma.vn)

Chủ trì Hội thảo là PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; GS,TS Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, GS,TS Lê Ngọc Hùng Phó Viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học. Dự và tham luận tại Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, Giáo sư Francois Houtart, trường Đại học Công giáo, Louvan, Vương quốc Bỉ. Ban Tổ chức đã nhận được 26 tham luận gửi tới Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong đó có thành công của công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, tạo ra thế và lực để tiếp tục thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng chí đề nghị tại Hội thảo này các nhà khoa học chia sẻ và thảo luận về thực trạng phân tầng xã hội từ nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh trong đời sống xã hội Việt Nam; đánh giá các nguyên nhân, yếu tố tác động tới phân tầng xã hội, các mặt tích cực và tiêu cực của phân tầng xã hội đối với sự phát triển bền vững của đất nước; phân tích, đánh giá việc thực hiện công bằng xã hội trong mối tương quan với phân tầng xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua; gợi mở, đề xuất những phương hướng nghiên cứu, giải pháp lãnh đạo, quản lý, những sáng kiến chính sách để có thể thực hiện, phát huy những mặt tích cực của phân tầng xã hội và giảm bớt những tác động tiêu cực của phân tầng xã hội.

Hội thảo chia thành hai phiên họp:

Phiên họp thứ nhấtvới chủ đề “Phân tầng xã hội” do GS, TS Trịnh Duy Luân, GS, TS Lê Ngọc Hùng và PGS, TS Trịnh Xuân Tùng chủ trì.

Trong báo cáo chính, GS, TS Nguyễn Đình Tấn trình bày các lý thuyết về phân tầng xã hội và đề xuất các kiến nghị, giải pháp xây dựng công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Phân tầng xã hội hợp thức thực chất là trật tự của công bằng xã hội, là điều kiện, phương thức và nền tảng xã hội, bảo đảm cho việc thực hiện công bằng xã hội; công bằng xã hội là tiêu chuẩn cốt yếu bên trong của phân tầng xã hội hợp thức. Trên cơ sở lý thuyết đó, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm xây dựng một xã hội phân tầng hợp thức – cơ sở xã hội vững chắc cho việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay: Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nhằm làm sáng rõ nội dung thực chất của phân tầng xã hội hợp thức, theo đó từng bước xây dựng và thiết chế hóa nó vào đời sống xã hội; Thứ hai, làm rõ mặt tiêu cực của phân tầng xã hội không hợp thức đồng thời đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, đổi mới thể chế, pháp luật, đấu tranh ngăn chặn các hành vi tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác của phân tầng xã hội không hợp thức; Thứ ba, lồng ghép việc xây dựng mô hình phân tầng xã hội hợp thức, gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo, đồng thời đặt nó trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS, TS Phạm Xuân Hảo trình bày những luận điểm cơ bản của học thuyết Mác về phân tầng xã hội, trong đó nhấn mạnh sự phân chia xã hội thành giai cấp đối kháng, giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Học thuyết Mác đã đặt nền móng cho các nghiên cứu xã hội học về cấu trúc xã hội – giai cấp và các nghiên cứu về phân tầng xã hội cần đi sâu tìm hiểu và áp dụng học thuyết Mác vào thực tiễn phân tích, dự báo xu hướng vận động của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Các ý kiến thảo luận của GS, TS Tô Duy Hợp, PGS, TS Nguyễn An Lịch, PGS,TS Nguyễn Thị Nga đều tán thành với các bản tham luận các tác giả trình bày. Các nhà khoa học đều cho rằng cần phải xây dựng hệ thống phân tầng xã hội theo hướng hợp thức, gắn với chính sách xóa đói, giàm nghèo, và phải đặt nó trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp nhằm phát hiện, vinh danh những nhóm người, những cá nhân ưu tú, năng động sáng tạo, có trình độ, năng lực để cất nhắc vào những vị trí có thể phát huy được khả năng của mình và đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Tại phiên họp thứ hai về chủ đề thực hiện “Công bằng xã hội” do GS,TS Nguyễn Đình Tấn, PGS,TS Trần Thị Minh Ngọc và PGS,TS Phạm Xuân Hảo chủ trì.

Báo cáo chính của GS,TS Lê Ngọc Hùng trình bày, nêu bật một số vấn đề cấp thiết, nóng bỏng hiện nay về tình trạng thất nghiệp, thiếu thày, thiếu thợ và phân tầng xã hội, công bằng xã hội ở Việt Nam trong giáo dục – đào tạo. Kết quả từ các cuộc khảo sát đã cho thấy mức độ phân hóa, phân tầng và bất bình đẳng xã hội về tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông và nhất là tỉ lệ đi học đúng tuổi cao đẳng, đại học giữa các nhóm xã hội, như giữa nhóm giàu và nhóm nghèo, thành thị và nông thôn và giữa các dân tộc.

Báo cáo nhấn mạnh, để tạo việc làm, giảm thất nghiệp phải nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và mở rộng cơ hội đến trường ở tất cả các cấp, bậc giáo dục từ mầm non đến đại học. Việc thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục để mọi người đều có cơ hội học tập đòi hỏi phải củng cố các thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và thực hiện phổ cập trung học phổ thông. Bởi vì vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục không phải là “chia đều sự nghèo khổ” của tình trạng ít cơ hội đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho một thiểu số người có cơ hội học tập. Mà vấn đề là làm sao giảm được bất bình đẳng về cơ hội đến trường và tạo ra nhiều cơ hội học tập cho tất cả người dân trong độ tuổi đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho đại đa số người có cơ hội học tập. Điều này đòi hỏi phải đổi mới tư duy lãnh đạo công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng ưu tiên mở rộng cơ hội giáo dục và tăng cường đào tạo không chỉ kỹ năng “xin việc làm” mà còn phát triển ở người học năng lực “tạo việc làm”, “khởi nghiệp”, “lập nghiệp”, năng lực sáng tạo góp phần phát triển bền vững.

TS Đỗ Văn Quân trình bày tham luận về các quan điểm tiếp cận khác nhau đối với công bằng xã hội, trong đó nhấn mạnh công bằng xã hội là nguyên tắc, phương thức để thực hiện bình đẳng xã hội. Cần phải tính đến cơ sở pháp lý, quyền con người và điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội cụ thể để đưa nguyên tắc công bằng xã hội vào cuộc sống.

GS Francois Houtart, nhà xã hội học hàng đầu thế giới đã có nhiều  hợp tác và tiến hành nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, đồng thời đào tạo chuyên môn xã hội học cho nhiều cán bộ nghiên cứu của Việt Nam, trong bài phát biểu về tình hình xã hội học trên thế giới hiện nay, GS Houtart nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác trong khoa học đương đại nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mới đặt ra từ quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển tới hạn của chủ nghĩa tư bản. Theo GS Houtart, chủ nghĩa Mác chứa đựng nhiều yếu tố phương pháp luận quan trọng và là nguồn cảm hứng khoa học để xã hội học thế giới tìm tòi, phát triển những khái niệm mới, lý thuyết mới, cách giải quyết mới đối với những vấn đề của môi trường, biến đổi khí hậu và sự nghèo đói, bất bình đẳng xã hội do sự phát triển theo logic tư bản chủ nghĩa, logic làm giàu dựa vào sự bóc lột và hủy hoại các nguồn lực gây ra .

Hội thảo diễn ra trong bầu không khí khoa học thẳng thắn, cởi mở, bổ ích.

TS Nguyễn Thùy Linh- Viện Xã hội học

Trần Thị Bích Hạnh- Tạp chí Lý luận chính trị

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền