Trang chủ    Tin tức    Bình đẳng giới: sự tham chính của phụ nữ
Thứ hai, 25 Tháng 8 2014 16:31
2304 Lượt xem

Bình đẳng giới: sự tham chính của phụ nữ

(LLCT) - Ngày 11-8-2014, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Tọa đàm “Bình đẳng giới – sự tham chính của phụ nữ” do Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công thuộc Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổ chức, với sự hợp tác của Bộ Ngoại giao và UNDP trong khuôn khổ Dự án quốc gia “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế”.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Dự và phát biểu tại tọa đàm có PGS, TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện Cơ quan Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp quốc (UN Women), và đại diện UNDP tại Việt Nam.

Diễn giả chính của buổi tọa đàm có bà Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, bà Nguyễn Thuý Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Đậu Thuý Hà, Cố vấn cao cấp Công ty OCD, GS, TS Haroon Akram Lodhi, Trưởng khoa Nghiên cứu Phát triển quốc tế, Đại học Trent, Canada và các chuyên gia, cùng khách mời là các lãnh đạo và nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Cuộc tọa đàm gồm hai phiên, mỗi phiên có một bài trình bày chính và được bình luận bởi các chuyên gia về lĩnh vực giới và lãnh đạo.

Tập trung vào vấn đề lao động chăm sóc không được trả công và ảnh hưởng của vấn đề này đến sự tham gia vào đời sống xã hội của phụ nữ thế giới và Việt Nam, nêu khái niệm lao động chăm sóc không được trả công là những lao động không được coi là việc làm, không tạo nên GDP. Đó là rất nhiều công việc mà người phụ nữ phải đảm nhận từ việc nội trợ gia đình, tới chăm sóc con cái, người cao tuổi, những việc không được trả lương trong doanh nghiệp gia đình… GS, TS Haroon Akram Lodhi nhấn mạnh: Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, rất nhiều phụ nữ thiếu hụt thời gian để tham gia và các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội-có thể là khởi nghiệp kinh doanh, tham gia vào một hoạt động tình nguyện cho một tổ chức dân sự hay tranh cử vào một vị trí trong cơ quan dân cử tại địa phương. Chỉ khi thừa nhận rằng các trách nhiệm lao động chăm sóc không được trả công làm giảm năng lực tham gia vào đời sống xã hội của phụ nữ, chúng ta mới có thể đặt những bước đi đầu tiên hướng tới việc giảm tải trách nhiệm chăm sóc không được trả công của người phụ nữ. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để đóng góp vai trò và tiếng nói mạnh mẽ hơn vào đời sống xã hội.

Các ý kiến, bình luận tập trung thảo luận làm rõ thực trạng lao động chăm sóc không được trả công và ảnh hưởng đến sự tham chính của nữ giới, đang là vấn đề đặt ra, yêu cầu sự quan tâm chia sẻ.

Bình luận của ThS PhạmThu Hiền nêu rõ, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu một cách hệ thống về ảnh hưởng của lao động không được trả công với việc tham chính của nữ giới. Trên thực tế, lao động không được trả công ảnh hưởng ngay từ rất sớm đối với mỗi cá nhân, từ khi lưạ chọn ngành nghề học tập, nữ giới thường lựa chọn nghề không ảnh hưởng đến gia đình, và khi lựa chọn lao động cũng vậy. Có tới 85% nữ được hỏi đã cho rằng gánh nặng gia đình ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển của họ. Khi được hỏi, những phụ nữ nguyên là đại biểu Quốc hội cho rằng, họ phải đã phải gánh nặng hơn nhiều lần so với bình thường.

Lao động chăm sóc không được trả công thường được nhìn nhận từ khía cạnh văn hóa, nay cần nhìn nhận dưới góc độ kinh tế- xã hội và quyền con người, cần được lượng hóa.

Bà Nguyễn Thúy Anh nêu vấn đề, cách tính thu nhập tương đương trong lao động chăm sóc không được trả công như thế nào?

GS, TS Haroon Akram Lodhi cho biết thêm, việc lượng hóa lao động chăm sóc là việc khó, kinh nghiệm để tính định lượng lao động chăm sóc trong gia đình là ghi chép đầy đủ nhật ký thời gian làm việc được trả lương và không được trả lương của cả nam giới và phụ nữ nhưng việc đo lường rất khó vì họ thường thực hiện nhiều việc cùng lúc, khó định giá, định lượng. Có thể tính bằng các cách như: Nhìn vào chi phí các dịch vụ trong gia đình dựa theo mức lương sàn mà xã hội cung cấp để thực hiện dịch vụ đó hoặc dựa vào mức lương tối thiểu.  Trên thế giới đến nay chưa có sự thống nhất trong việc định lượng lao động chăm sóc gia đình và có lẽ ít nhất trong 15 năm tới chưa có sự thống nhất. Ở Việt Nam đã có các mô đun về các công việc trong gia đình.

Kinh nghiệm Hàn Quốc, nơi có truyền thống phân công lao động trong gia đình giữa nam và nữ rất gia trưởng và bảo thủ và việc thuê người giúp việc rất đắt đỏ. Nhưng trong 15 năm qua, giáo dục phát triển, nhiều phụ nữ có học vấn cao và nhiều phụ nữ cũng đã phải bỏ việc để ở nhà chăm sóc gia đình... dẫn đến nhiều phụ nữ không lập gia đình, tỷ lệ sinh thấp và quy mô dân số nhỏ đi nhanh chóng.

Nhưng Hàn Quốc không thể học kinh nghiệm Canada là khuyến khích dân nhập cư. Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để điều khiển mức sinh, khuyến khích phụ nữ sinh con, như có phụ cấp cho phụ nữ sinh con, nhưng không đạt hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc có chính sách tạo điều kiện để phụ nữ có thể kết hợp giữa sự nghiệp và sinh con, là tăng thời gian nghỉ sinh và người chồng cũng được nghỉ khi vợ sinh con; hỗ trợ hệ thống chăm sóc trẻ em; hạ thấp tuổi trẻ em đến trường,.. chia sẻ lao động chăm sóc với phụ nữ.

Ngài Đại sứ Canađa tại Việt Nam khẳng định, ảnh hưởng của lao động không được trả công với sự tham chính của nữ không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề phát triển, là vấn đề mục tiêu, chiến lược, một thách thức của các quốc gia.

Bà Vicroria Kwakwa cho rằng bình đẳng giới là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của thế giới và chương trình nghị sự của mỗi quốc gia, vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề phi kinh tế và là trọng tâm của phát triển. WB đặc biệt nhấn mạnh vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, các dự án WB đều lồng ghép vấn đề này, sự cam kết về vấn đề này là một điều kiện để nhận tài trợ. Ở Việt Nam, WB đã có những hỗ trợ cho nghiên cứu vấn đề này, như hỗ trợ Tổng cục thống kê phân tích về giới, hay khi khảo sát nhu cầu xây dựng, sửa chữa đường sá, trường học, cơ sở y tế,... đều khảo sát sự quan tâm của phụ nữ đến dự án. Chúng ta đang chuyển sang Chương trình nghị sự hậu 2015, cần bàn luận để hoàn thiện MDGs trong thời gian tới trong đó có vấn đề giới.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng vấn đề lao động nữ không được trả công đang ảnh hưởng thật trầm trọng đến bình đẳng giới, nhất là ở vùng nông thôn, vấn đề này tác động lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước, làm hạn chế việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, khi mà Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, các nước vượt qua ngưỡng chậm phát triển để trở thành giàu có chủ yếu ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Việt Nam nếu không tận dụng được là tự đánh mất cơ hội.

Vấn đề này còn làm hạn chế động lực đa dạng hóa hình thức lao động. Hiện nay, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện không được công nhận, không được đưa vào danh mục ngành nghề.

Để giải quyết vấn đề này, cần linh hoạt các hình thức lao động để mọi người có thể tham gia lao động xã hội, nhưng ở Việt Nam chưa có sự linh hoạt, còn khuôn vào giờ hành chính, làm giảm sự đa dạng hóa công việc.

Dưới góc nhìn xã hội, lao động không được trả công làm cô lập người lao động, cần sự bao dung của xã hội, tăng cường sự tham gia của toàn xã hội, làm thay đổi các tập quán, tăng cơ hội cho nữ giới tham gia lao động xã hội, các công việc có công để phát triển bền vững.

Bà Shoko Ishikawa, nêu UN Women là cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp và tham mưu hỗ trợ các hoạt động đánh giá và hỗ trợ các chính phủ về chính sách liên quan đến phụ nữ, đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt được trong thực hiện bình đẳng giới. Ở Việt Nam, đã có đánh giá, đo đạc sự liên quan bình đẳng giới và phát triển, sở hữu đất đai, tài sản trong gia đình do tác động của công việc chăm sóc không được trả công; hài lòng về việc các mục tiêu phát triển bền vững đã chú trọng đến bình đẳng giới, và xác định bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng nhất của phát triển bền vững. Năm 2015 sẽ có đánh giá, rà soát toàn bộ việc thực hiện MDGs, trong đó xem xét kết quả đạt được trong thực hiện bình đẳng giới. Chính phủ cũng đã cam kết sẽ thông quan một chương trình về vấn đề bình đẳng giới.

Về kinh nghiệm của Nhật Bản, với truyền thống văn hóa đặc thù, phụ nữ Nhật Bản làm việc không được trả công nhiều hơn so với Việt Nam, và quy mô dân số của Nhật Bản đang giảm. Chính phủ đã có một số chính sách khuyến khích sinh đẻ, như trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc trẻ em, giáo dục nam giới tham gia công việc gia đình…

Về bất bình đẳng giới và vai trò của nữ giới trong gia đình ở Việt Nam, đại biểu Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho rằng có nguyên nhân từ điều kiện lịch sử, do chiến tranh người phụ nữ phải lo toan toàn bộ công việc gia đình và tham gia cả vào lao động sản xuất chính thức và không chính thức ngoài xã hội để nam giới ra mặt trận.  Đó chính là sức nặng “kép” đặt lên vai người phụ nữ.

Tổng kết lại phiên toạ đàm về lao động chăm sóc không được trả công và sự tham gia của phụ nữ vào đời sống xã hội, TS Lương Thu Hiền, đại diện đơn vị tổ chức toạ đàm, nhấn mạnh đến vai trò của các bên liên quan là xã hội, cộng đồng, gia đình, và của nam giới trong gia đình trong việc nhận thức được lao động chăm sóc không được trả công, đi đến những giải pháp giảm thiểuphân phối lại gánh nặng lao động không được trả lương lên vai người phụ nữ và người vợ trong gia đình. Giải pháp cho vấn đề lao động không được trả lương và ảnh hưởng của nó đến sự tham gia vào đời sống xã hội của phụ nữ không chỉ là vấn đề của phụ nữ mà quan trọng hơn đó là vấn đề của xã hội, của cộng đồng, của gia đình và của nam giới. 

Tập trung vào chủ đề thực trạng tham gia lãnh đạo, quản lý trong khu vực công của phụ nữ Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, Việt Nam là quốc gia đã từng "đi trước" nhưng nay đang "về sau" về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Nghịch lý là, kinh tế tăng trưởng, đời sống có cải thiện, đã là quốc gia có thu nhập trung bình nhưng sự tham chính của nữ không tăng tương xứng. Việc Nam là nước trong số nước có số CEO nữ cao, và các doanh nghiệp có CEO là nữ đạt chỉ số tăng trưởng cao đã thể hiện năng lực, khả năng lãnh đạo, quản lý của phụ nữ. Nhưng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục giảm trong 3 nhiệm kỳ vừa qua.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á (gồm cả Đông timo), đứng thứ 10 ở châu Á và đứng thứ 58 trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội. Kinh nghiệm từ thực tế, để nữ giới có tiếng nói thực sự hiệu lực cần phải đạt trên 30% đại biểu Quốc hội là nữ.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là từ nhận thức của xã hội, trước hết là lãnh đạo cấp trên, không thấy được tính cấp bách, bất ổn. Việt Nam làm tốt trong xây dựng quyết tâm chính trị, xây dựng pháp luật, các văn bản ở cấp cao nhưng không được nhận thức, triển khai nghiêm túc.

Nguồn cán bộ nữ thiếu, đảng viên nữ chiếm khoảng 1/3 nhưng nữ trong Ban Chấp hành Trung ương chỉ 1/10. Số cán bộ cấp vụ phó, vụ trưởng dưới 10% nên nguồn thứ trưởng, bộ trưởng từ cấp vụ thiếu để lựa chọn.

Chính sách tuổi nghỉ hưu đang áp dụng là 55 tuổi đối với nữ, và không đề bạt lần thứ nhất trong khoảng còn 5 năm công tác là rào cản, hạn chế cơ hội vươn lên của nữ.

Nhận thức về bình đẳng giới, nhiều người còn cho rằng không phải là vấn đề xã hội, vấn đề của phát triển. Còn không ít người chưa thật sự tin vào khả năng của phụ nữ. Một nguyên nhân quan trọng nữa từ chính nhận thức của một bộ phận hệ thống thông tin truyền thông, hiện tượng giáo dục rập khuôn về vai trò truyền thống, cột chị em vào những công việc gia đình. Chẳng hạn khẩu hiệu "Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà" nay có phần không còn phù hợp, cần đổi là "Mọi người đều giỏi việc nước đảm việc nhà".

Lực lượng nữ doanh nhân là nguồn để bồi dưỡng, động viên làm làm lãnh đạo nhưng hiện nay chính trị không đủ hấp dẫn. Vì việc tham chính, thường phải chịu nhiều sức ép, căng thẳng hơn so với hoạt động kinh tế.

TS Kristy Kelly, giảng viên Đại học Drexel, Mỹ, nhấn mạnh sự gia trưởng của nam giới trong các gia đình Việt Nam, nhất là các gia đình nông thôn, miền núi ảnh hưởng lớn đến sự tham chính của phụ nữ thông qua thái độ của người cử tri nhìn nhận phụ nữ chủ yếu trong vai trò chăm sóc gia đình hơn là trong vai trò lãnh đạo, quản lý trong xã hội.

Các ý kiến gợi mở một số phương hướng giải quyết vấn đề là:

Cần có nhận thức sâu sắc về sự cấp thiết vấn đề bình đẳng giới trong phát triển. Nên giao chỉ tiêu cụ thể và có kiểm tra giám sát nghiên túc việc thực hiện. Nên bổ sung vấn đề bình đẳng giới trong tiêu chí (chỉ số) xếp hạng cạnh tranh của các tỉnh thành.

Cần nhận thức đúng về định mức, chỉ tiêu và định mức phương hướng và định hướng. Nhiều ý kiến thống nhất với “quota” định hướng, định mục tiêu để hướng tới. Nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn vì định mức mà đặt định mức là để có kế hoạch đào tạo, quy hoạch nhằm đạt định mức. Quốc hội không thể áp đặt định mức số đại biểu nữ mà có thể đặt định mức số đề cử. Vấn đề chỉ tiêu, không nên đồng nhất ở cac cấp. Mỗi cấp, mỗi vùng, tỉnh, huyện nên xác định chỉ tiêu phù hợp.

PGS, TS Phan Thanh Khôi nêu cần bổ sung tiêu chí chất lượng, gắn liền với chỉ tiêu số lượng là các cán bộ nữ phải được bố trí ở các vị trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường; bình đẳng trong sự hợp lý. Không nên bình quân số lượng. Giải pháp là xác định chỉ tiêu gắn với thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.

Cần tăng cường truyền thông, lan tỏa nhận thức xã hội về bình đẳng giới. Yêu cầu đặt ra là trong cuộc bầu cử năm 2016 phải chặn đà giảm tỷ lệ đại biểu nữ.

Thực tế tỷ lệ nữ trong Quốc hội trong các giai đoạn lịch sử cho thấy sự phát triển kinh tế không phải là một sự bảo đảm cho bình đẳng giới. Vấn đề bình đẳng giới liên quan đến tổng thể sự nghiệp đổi mới. Để cải thiện vấn đề giới cần tiếp tục đổi mới, cần phát triển chiều sâu, thực chất hơn, cao hơn. Nếu không sẽ dậm chân tại chỗ, tụt hậu và nảy sinh bức xúc. Bởi các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham chính của nữ là thiết chế chính trị, chính sách, pháp luật; điều kiện trình độ kinh tế - xã hội; tâm lý, văn hóa.

Về yếu tố văn hóa, GS, TS Haroon Akram Lodhi cho rằng bình đẳng giới có nguyên nhân lớn từ văn hóa, nhưng văn hóa cũng chuyển động, văn hóa cũng có thể thay đổi và nhà nước có vai trò làm thay đổi văn hóa để thúc đẩy xã hội phát triển.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, về động lực phấn đấu của phụ nữ, làm lãnh đạo là để phấn đấu đến cùng để khám phá nhưng khi làm lãnh đạo sẽ nguy cơ đánh mất bản thân giảm động lực từ gia đình, nguy cơ rủi ro, căng thẳng cao hơn nên cũng làm phụ nữ cân nhắc. Bên cạnh chỉ tiêu phân công còn là lựa chọn của bản thân cá nhân. Cá nhân nữ cũng có quyền lựa chọn. Trong các công việc nên tạo điều kiện cho lựa chọn cá nhân.

TS Nguyễn Thị Báo, Trưởng Ban nữ công Học viện nêu cần tiếp cận vấn đề giới dưới góc nhân quyền, sự tham chính là quyền cơ bản phải công bằng, bình đẳng.

Liên quan đến việc đánh giá chất lượng cán bộ nữ, bà Tôn Nữ Thị Ninh đặt vấn đề vậy lãnh đạo là gì?

Nhiều ý kiến đồng ý rằng, người lãnh đạo là thủ lĩnh, có thể không nhất thiết phải có vị trí chức vụ. Người lãnh đạo chính thức có thể không có vị trí chính thức. Đó là hình tượng, tiêu chí để phấn đấu. Khái niệm lãnh đạo có thể tách khỏi chức danh, chức vụ; lãnh đạo cần phải có tầm nhìn, có ảnh hưởng trong tập thể, có chỉ số EQ và khả năng thực thi, có bản lĩnh, khả năng xử lý khủng hoảng, biết tìm lối thoát,... Với các tiêu chí này thì nhiều phụ nữ thể hiện rất tốt, đặc biệt là nữ CEO trong các doanh nghiệp cổ phần thời gian qua. Do vậy, mọi lý do nêu ra về chất lượng, khả năng,… để hạn chế tỷ lệ cán bộ nữ đều là sự  ngụy biện, che đậy cho tư duy gia trưởng, bảo thủ.

 

Nguyễn Trịnh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền