Trang chủ    Tin tức    Hội thảo: Văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam - Từ nhận thức đến hành động
Thứ hai, 25 Tháng 8 2014 16:38
2329 Lượt xem

Hội thảo: Văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam - Từ nhận thức đến hành động

(LLCT) - Sáng 22-8-2014, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động. Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa khoa học cả về lý luận và thực tiễn nằm trong tổng thể chương trình hoạt động của Hội đồng chỉ đạo Giải thưởng: “Sản phẩm và dịch vụ Việt Nam được tin dùng” lần 2 năm 2014.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Chủ trì Hội thảo gồm có: PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Giải thưởng; PGS, TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Giải thưởng; PGS, TS Lê Văn Toan, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Thông tin khoa học của Học viện. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cùng nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ nhằm mục đích trước mắt, trực tiếp mà còn góp phần thực hiện mục tiêu cao cả là xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cuộc vận động còn có ý nghĩa khi chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: thực trạng thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng của cuộc vận động, vai trò của Học viện và các giải pháp nâng cao hiệu quả Cuộc vận động.

Về thực trạng việc thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, PGS, TS Vũ Hào Quang có bài tham luận về tác động của truyền thông tới người dân Hà Nội về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ những con số khảo sát về tỷ lệ người dân biết đến cuộc vận động này và tác động của nó đến nhận thức, hành động mua hàng của họ, cho thấy cuộc vận động đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và bước đầu có những kết quả tích cực. Để nâng cao nhận thức, hành động của người tiêu dùng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông…; lồng ghép nội dung cuộc vận động vào các phong trào thi đua ở địa phương; hàng Việt Nam không chỉ được bán ở các siêu thị mà còn qua các kênh tiểu thương, các chợ nhỏ và vùng nông thôn.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đào Duy Quát khẳng định: Bộ Chính trị xác định 4 đối tượng chính của cuộc vận động. Thứ nhất, từ góc độ người lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế cần hình thành các cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ hai, đối tượng sử dụng tài chính công. Chi tiêu tài chính công chiếm một phần lớn trong tổng chi tiêu, vì vậy trong đầu tư, chi tiêu công cần ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ ba, góc độ doanh nghiệp, hệ thống thương mại bán buôn và bán lẻ, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Bộ Công thương cần thắt chặt hơn nữa trong việc quản lý việc các doanh nghiệp, siêu thị lớn của nước ngoài đang ào ạt vào Việt Nam. Thứ tư là góc độ người tiêu dùng. Xây dựng ý thức tự lực, tự cường, ủng hộ, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của người dân, biến nó thành văn hóa tiêu dùng rộng rãi của các đối tượng. Nhiệm vụ này thuộc về các cơ quan tư tưởng, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Từ định hướng chung của Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, dựa trên quan điểm văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng hệ giá trị cơ bản của văn hóa tiêu dùng. Đồng thời, cần quảng bá, tuyên truyền, giáo dục bằng các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Đẩy mạnh nghiên cứu về các chính sách vĩ mô, tạo ra khung khổ pháp lý, khung khổ thể chế để Cuộc vận động này ngày càng hiệu quả hơn.

Các tham luận gửi đến và phát biểu tại Hội thảo đã nêu bật bối cảnh tình hình mới trong quá trình hội nhập sâu rộng; đề xuất nhiều kiến nghị như: làm rõ hơn nữa ý nghĩa chính trị của cuộc vận động; xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam đặt trong tổng thể gắn bó hữu cơ với văn hóa kinh tế, với nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững; đổi mới quản lý, đầu tư công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hệ thống phân phối bán lẻ một cách chuyên nghiệp; đồng thời đa dạng hóa các kênh tuyên truyền.

Kết thúc Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Viết Thảo đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, những đề xuất có ý nghĩa, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lê Bảo Ngọc

 

 

 

  

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền