Trang chủ    Tin tức    Từ “ Tài sản chung” đến “ Lợi ích chung của nhân loại” (From “common goods” to the “common good of humanity”)
Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 09:21
5159 Lượt xem

Từ “ Tài sản chung” đến “ Lợi ích chung của nhân loại” (From “common goods” to the “common good of humanity”)

(LLCT) – Cuốn sách mang tựa đề Từ “Tài sản chung” đến “Lợi ích chung của nhân loại” của GS Francois Houtart đã nêu ra các khía cạnh khác nhau của khái niệm Lợi ích chung. Thông qua việc phân tích cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống trên thế giới và những hệ lụy của nó, GS đã chỉ ra rằng cần phân biệt được mức độ về mặt từ ngữ cũng như mối liên hệ giữa ba khái niệm: “Tài sản chung” (common goods), “Lợi ích chung” (common good) và “Lợi ích chung của nhân loại” (common good of humanity).

 

Từ đó, đưa ra một dự đoán về một mô thức mới trong tương lai, đề cao “Lợi ích chung của nhân loại”, hướng tới đời sống cộng đồng và sự phát triển của xã hội loài người phải gắn liền với sự hài hòa với thiên nhiên. Các nội dung chính được đề cập trong tập sách: Mối liên hệ giữa khái niệm “Tài sản chung” với khái niệm “Lợi ích chung của nhân loại”; Các khía cạnh của cuộc khủng hoảng; Mô thức mới; “Lợi ích chung của nhân loại” là mục tiêu toàn cầu; Hướng tới phổ quát hóa “Lợi ích chung của nhân loại”.

“Tài sản chung” (common goods) có một vai trò đặc biệt quan trọng trong các phong trào xã hội. Nó bao gồm các yếu tố không thể thiếu cho cuộc sống như: nước, ngũ cốc hay thậm chí là các dịch vụ công cộng (giao thông, điện, tàu điện ngầm…). Nhưng dưới sự ảnh hưởng của thuyết tự do và tư nhân hóa đã gây nên nhiều cuộc tranh giành các Tài sản chung,trở thành một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản. Ví dụ như ở Anh, đầu thế kỷ XIII, hoạt động “rào” các khu đất là tài sản chung để tư nhân hóa tài sản chung. Quá trình chuyển đổi từ “tài sản chung” thành sở hữu tư nhân là sự bắt đầu của một quá trình tích lũy tư bản.

Để hạn chế bớt xu hướng này, các chính sách như quốc hữu hóa, hay một số mô hình kiểm soát tập trung đã được hình thành. Trong số đó có việc tổ chức các dịch vụ công cộng, an ninh xã hội và giáo dục phổ thông và tổ chức các khối đoàn kết trong xã hội để con người có thể dễ dàng tiếp cận các “Lợi ích chung”. Ý tưởng về “lợi ích chung” được đưa ra bởi nhà triết học Aristot bao trùm tất cả những gì cần thiết cho đời sống chung của một xã hội: các tiêu chuẩn của đời sống và hành vi xã hội, giao tiếp xã hội, các không gian chung và tất cả những gì vượt lên trên lợi ích cá nhân thuần túy. Tuy nhiên, dưới lo gic của kinh tế là ưu tiên tư nhân và cá nhân, nên vẫn hạn chế hầu hết các lĩnh vực công thực hiện mục tiêu của mình.

Phương pháp tiếp cận khái niệm “Lợi ích chung của nhân loại” có thể giúp con người giải quyết được những vấn đề trên và những cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Đây là một thuật ngữ mới và là nền tảng để hướng tới đời sống chung của nhân loại trên toàn cầu. Nhấn mạnh sự phát triển của loài người phải hài hòa cùng với thiên nhiên, tôn trọng khả năng tạo dựng, quá trình tái tạo và làm cho cuộc sống trên trái đất tốt đẹp lên.

Từ việc phân tích cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và hệ quả của nó trên các mặt, từ kinh tế, lương thực, năng lượng, khí hậu đến các giá trị chuẩn mực toàn cầu, GS Francois Houtart nêu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do nhận thức của nhân loại luôn coi thiên nhiên là đối tượng để chinh phục và khai thác nhằm phục vụ cho lợi ích và mục tiêu của mình. Cùng với sự phát triển của mình, loài người đang vô tình phá hủy thiên nhiên. Qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ý thức được “Lợi ích chung của nhân loại” chính là cách giúp con người có thể vượt qua được những khủng hoảng do chính mình tạo ra. Từ đó ông đưa ra các giải pháp và hành động cụ thể như: cùng nhau xây dựng các quy chế, nguyên tắc trong hệ thống kinh tế thế giới; tìm kiếm một mô hình mới thay thế mô hình hiện hành. Trong mô hình “hiện đại” hiện nay, loài người sử dụng tài nguyên thiên nhiên như là một nguồn năng lượng bất tận và không bao giờ cạn kiệt. Nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên đó đang ngày một cạn kiệt và con người cần phải ý thức được điều đó và thay đổi để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho trái đất và cho loài người. Tìm kiếm một mô thức mới, có thể cân bằng được các cá nhân, tổ chức trong xã hội đồng thời xây dựng mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên. Phát triển xã hội nhưng vẫn bảo đảm và tôn trọng quá trình tái tạo của thiên nhiên.

GS Francois Houtart đề xuất và kêu gọi cần phải bắt đầu cho việc tìm kiếm và xây dựng một mô thức xã hội mới. Xã hội đó phải được xây dựng trên lợi ích của toàn nhân loại. Để xây dựng được một mô hình xã hội như vậy cần có những chuẩn bị sau:

Xác định lại mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Từ chinh phục và khai thác sang tôn trọng thiên nhiên như là một nguồn sống. Ông đã lên án CNTB đã coi các thiệt hại về sinh thái như là một “tài sản thế chấp” và là điều không thể tránh khỏi. Cần phải thay đổi tư duy loài người là trung tâm của thế giới và không quan tâm đến sự sống của các loài khác trên hành tinh này. Chính con người phải có trách nhiệm cho sự tồn tại của thiên nhiên, sự đa dạng của hệ sinh thái bằng cách sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quá trình tái tạo của nó.

Chuyển hướng sản xuất các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, ưu tiên giá trị sử dụng hơn là giá trị trao đổi. Trên cơ sở đoàn kết, xây dựng một xã hội hướng tới lợi ích chung cho toàn nhân loại thì hệ thống kinh tế ưu tiên giá trị trao đổi hơn là giá trị sử dụng không còn phù hợp nữa. Giá trị sử dụng là hướng tới phục vụ và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, thiết yếu nhất của con người. Trong khi đó giá trị trao đổi bao gồm các khía cạnh khác như lợi nhuận thị trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình tích lũy tư bản. Như vậy giá trị trao đổi chỉ có thể phục vụ cho một giai cấp, một tầng lớp hoặc một chế độ nào đó mà không phải là toàn thể nhân loại, nó đi ngược lại với sự công bằng trong đời sống cộng đồng của nhân loại. Như vậy để lựa chọn tầm nhìn dài hạn vì các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, sự cân bằng của quá trình chuyển hóa thì nên chuyển hướng sản xuất các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, ưu tiên giá trị sử dụng hơn là giá trị trao đổi.

Tổ chức lại đời sống cộng đồng thông qua khái quát hóa nền dân chủ trong quan hệ xã hội và các định chế. Khái quát hóa nền dân chủ không chỉ được thực thiện trên lĩnh vực chính trị mà còn cả hệ thống kinh tế, mối quan hệ xã hội và các định chế.

Thực hiện liên kết văn hóa trong khi xây dựng các lợi ích chung. Mục tiêu của văn hóa đem lại, từ tri thức, giáo dục, khoa học và tôn giáo, tương ứng với sự thay đổi trong xây dựng giá trị chung của nhân loại. Liên kết văn hóa cho tất cả mọi người từ nền văn hóa, tri thức, tôn giáo khác nhau có cơ hội như nhau để cùng công hiến vào quá trình xây dựng “Lợi ích chung của nhân loại”: ý thức về mối quan hệ với thiên nhiên; sự chuyển hướng sản xuất các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và tổ chức dân chủ trong toàn xã hội.

GS Francois Houtart khẳng định mô hình “Lợi ích chung của nhân loại” chính là mục tiêu toàn cầu. Mô hình này sẽ đạt được kết quả khi thực hiện thành công 4 mục tiêu kể trên, đó là nền tảng cho cuộc sống tập chung của loài người trên hành tinh. Ông cũng khẳng định mục tiêu của CNTB cùng với hệ thống chính trị của nó không bên vững mà cần phải thay đổi sang một mô thức mới – định hướng căn bản về đời sống chung của nhân loại trên toàn cầu, nhằm xây dựng, tái tạo, làm cho cuộc sống của nhân loại tốt đẹp hơn.

Lê Bảo Ngọc (giới thiệu)

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền