Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969 – 9/2014)
Thứ sáu, 29 Tháng 8 2014 14:33
6697 Lượt xem

Hội thảo khoa học: 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969 – 9/2014)

(LLCT) - Ngày 27-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên  Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện. Đã có hơn 50 tham luận gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, Hội thảo là “dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn những nội dung trong bản Di chúc của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là dịp để chúng ta đánh giá lại những kết quả qua chặng đường 45 năm thực hiện Di chúc của Người, nhằm tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa những căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân ta”.

Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, các tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung làm rõ những giá trị của Di chúc, những điều đã làm được, còn chưa làm được sau 45 năm thực hiện Di chúc của Người.

1. Về Xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh

Các tham luận khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, Đảng phải chứng tỏ là lực lượng có sức hấp dẫn lớn, được quần chúng nhân dân tin tưởng, ca ngợi, suy tôn là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Các tham luận của PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, PGS TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Lịch sử Đảng), PGS, TS Đức Vượng (Hội đồng Lý luận Trung ương), PGS, TS Đỗ Thị Thạch (Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học), TS Đặng Văn Thái, ThS Đinh Ngọc Quý, ThS Lê Thị Hằng, ThS Lý Việt Quang, ThS Nguyễn Thị Giang (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), ThS Bùi Thanh Xuân (Đại học Thủ Dầu Một) đã nêu bật những yêu cầu, căn dặn của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, đồng thời thẳng thắn đánh giá sâu sắc thành tựu và hạn chế của Đảng ta trong 45 năm qua.   

Đánh giá những thành tựu và hạn chế trong việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh theo Di chúc 45 năm qua, các tham luận đều nhận định, thực hiện Di chúc, 45 năm qua, công tác xây dựng Đảng được hết sức coi trọng và luôn xác định là nhiệm vụ then chốt, có tính quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trung ương Đảng các khóa đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng: Chỉ thị của Bộ Chính trị số 173/CT-TW ngày 29-9-1969 về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”; Chỉ thị của Ban Bí thư số 175/CT-TW ngày 14-4-1970 hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 6 khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Trên cơ sở triển khai, thực hiện nghiêm túc, các chỉ thị, nghị quyết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả tích cực: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém. GS, TS Mạch Quang Thắng cho rằng, việc thực hiện những điều viết về Đảng trong Di chúc của Hồ Chí Minh còn phải tiếp tục.

2. Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân

Tham luận của PGS, TS Phạm Ngọc Anh, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung, ThS Trần Thị Huyền, ThS Trần Thị Hợi, ThS Trần Văn Khôi, ThS Trần Thị Nhuần (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc (Viện Lịch sử Đảng), TS Nguyễn Xuân Trung (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã phân tích và làm sáng tỏ những giá trị tinh thần trong Di chúc về xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Các tham luận khẳng định, suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Hồ Chí Minh “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong Di chúc, Người viết về nhân dân với niềm yêu thương chứa chan nhưng cũng rất đỗi tự hào “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”. Chính bởi vậy, Người chỉ rõ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Trình bày tham luận “Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lo cho dân có cơm ăn, áo mặc”, PGS, TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh: Đói nghèo không thể tồn tại đồng hành cùng CNXH. CNXH thắng CNTB ở năng suất lao động cao hơn. Có năng suất lao động cao hơn thì sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, tức là sẽ giàu có hơn và đói nghèo sẽ không còn. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách và mọi giải pháp trong xây dựng đất nước ở tầm vĩ mô và các giải pháp ở tầm vi mô cần phải đưa lại ấm no hơn, hạnh phúc hơn cho người dân. Xóa đói, giảm nghèo chính là một trong những chỉ tiêu, một trong những thước đo vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng đối với sự đúng đắn của đường lối, chính sách.

Các tham luận chỉ rõ, sau 45 năm thực hiện theo di nguyện của Bác, Đảng ta đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công đường lối đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu, khoảng cách, nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn. Để đất nước phát triển bền vững, đời sống nhân dân được tiếp tục nâng lên, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phát huy sức mạnh nội lực, tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

3. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Các tham luận của PGS, TS Trần Thị Thu Hương (Viện Lịch sử Đảng), TS Lý Việt Quang, ThS Ngô Xuân Dương, (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), khẳng định ý nghĩa lý luận của những vấn đề về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng đời sau trong Di chúc. Trong đó, nêu bật định hướng cho công tác giáo dục đạo đức, chính trị trong nhà trường, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công tác đào tạo, hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên.

Thẳng thắn đánh giá thành tựu và hạn chế trong công tác chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ trong những năm qua, nhiều tham luận khẳng định, thực hiện Di chúc, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục về mọi mặt đối với thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những chiến sĩ trung kiên của Đảng, của cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và tương lai.

4. Kiên định mục tiêu đi lên CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới.

Các tham luận của PGS, TS Trần Đức Cường (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), PGS, TS Lê Văn Tích (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), PGS, TS Vũ Hoàng Công (Tạp chí Lý luận chính trị) đã phân tích, làm rõ những cơ sở, nền tảng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiên định mục tiêu CNXH, đồng thời đánh giá những thành tựu trong công cuộc đổi mới theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham luận “Kiên định con đường đi lên CNXH theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”,  PGS, TS Trần Đức Cường đã nêu bật: Di chúc thể hiện sự kiên định suốt cuộc đời Hồ Chí Minh, mong muốn đưa dân tộc Việt Nam tiến lên CNXH và định hướng cho cách mạng Việt Nam phát triển thắng lợi.

Tham luận “Tư duy đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS,TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) nhấn mạnh: “Bác từng lưu ý, nếu không tỉnh táo kiểm điểm hành vi nhất định sẽ không theo kịp tình thế, bị bỏ rơi. Đổi mới để tiến lên là đòi hỏi khách quan, tất yếu của cuộc sống, không tiến là thoái nên phải tiến lên không ngừng".

5. Tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới

Các tham luận nêu rõ, những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Một số tham luận đã nhắc lại lời Người trong bản Di chúc, "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em". Biết rằng không thể tiếp tục làm vị "thiên sứ cách mạng", vì vậy trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: "Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Tham luận “Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong bối cảnh quốc tế hiện nay”, PGS, TS Trần Minh Trưởng nêu rõ, khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự chia rẽ, Người và Đảng ta đã hoạt động không mệt mỏi để góp phần khôi phục sự đoàn kết quốc tế trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Đó không chỉ là tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của một người cộng sản, một chiến sĩ quốc tế, mà còn là nguyên tắc trong quan hệ giữa các đảng công nhân và cộng sản để tạo nên một sức mạnh chung cho cách mạng thế giới và mỗi dân tộc.

Kết thúc Hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định, Di chúc là một tác phẩm “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc. Tuy ngắn gọn, song những vấn đề mà Di chúc đề cập đến đều là những vấn đề trọng đại đối với cách mạng Việt Nam và thế giới. Các tham luận tại Hội thảo đã đi sâu nghiên cứu, khai thác nội dung, ý nghĩa và giá trị của Di chúc, cùng với độ lùi thời gian, khi đặt trong bối cảnh mới, Di chúc vẫn có sức gợi mở, chỉ dẫn rất to lớn cho tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền