Trang chủ    Tin tức     Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thứ năm, 04 Tháng 9 2014 10:37
2198 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Ngày 01-8-2014, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các đồng chí: Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội thảo.

 

(Toàn cảnh Hội thảo)

Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn của các bộ, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp,... cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Hội thảo Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩađược tổ chức nhằm góp phần thông tin một cách đầy đủ những quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về chính sách đất đai; nội dung mới của chính sách, pháp luật về đất đai; đề xuất các giải pháp đưa chính sách, pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Luật Đất đai đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Hiến pháp năm 2013 và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân. Luật Đất đai có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, trong đó trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện các công cụ pháp luật, quy hoạch, kinh tế, hành chính và cơ chế theo dõi, giám sát đánh giá phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm từng bước phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch và hiệu quả. 

Trong Báo cáo Đề dẫn, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định, việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 là một bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng ta đối với nguồn tài nguyên quý giá này, tuy nhiên, việc đưa chính sách, pháp luật đất đai thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết được những vướng mắc, bức xúc, bất cập liên quan đến đất đai, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, là vấn đề đang đặt ra không chỉ với các ban, bộ, ngành chức năng, mà của cả hệ thống chính trị. Xoay quanh những gợi ý được nêu trong Báo cáo Đề dẫn, 45 tham luận và 13 ý kiến phát biểu trao đổi tại Hội thảo đã đề cập rất nhiều nội dung từ những vấn đề lý luận, nhận thức đến thực tiễn kinh nghiệm quản lý, sử dụng đất đai. Có thể khái quát thành một số nội dung chính sau:

1. Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, những vi phạm chính sách, pháp luật đất đai sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai năm 2003. 

Những thành tựu quan trọng đã đạt được trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai là: tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn; phân bổ quỹ đất hợp lý cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường bất động sản; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; công tác quản lý nhà nước về đất đai dần được tăng cường;… 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng trao đổi thẳng thắn về tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật đất đai xảy ra ở hầu hết các hoạt động quản lý, sử dụng đất đai. Số vụ vi phạm có đối tượng là người quản lý đất đai, người vi phạm chính sách, pháp luật đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai đang có chiều hướng gia tăng. Chẳng hạn, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các hành vi vi phạm phổ biến là điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất tùy tiện, dẫn đến sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả; thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang tính hình thức, nên việc tiếp cận thông tin về đất đai của người dân còn bị hạn chế. Trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng đất được giao, được thuê, các dạng vi phạm do người sử dụng đất thực hiện phổ biến là đất được giao, được thuê sử dụng không đúng mục đích, găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng; để đất bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật; sử dụng đất không hiệu quả, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không theo quy hoạch, chuyển nhượng dự án… Trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, các hành vi vi phạm là sự lạm dụng quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai trong việc thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất khi chưa thông báo cho người có đất bị thu hồi biết lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển và phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng; ra quyết định thu hồi đất ở khi chưa xây dựng khu tái định cư hoặc xây dựng khu tái định cư không bảo đảm chất lượng “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ; chậm giải quyết, giải quyết không dứt điểm các khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định giá đất bồi thường chưa phù hợp; có hành vi gian lận trong việc lập phương án bồi thường về đất đai để tham ô (lập hai phương án bồi thường, gồm: phương án dành riêng cho người có đất bị thu hồi; và phương án dành để thanh toán với Nhà nước). Trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hành vi vi phạm chủ yếu diễn ra dưới hình thức, như yêu cầu người sử dụng đất nộp thêm nhiều giấy tờ trái quy định; không kiểm tra, hướng dẫn đầy đủ khi tiếp nhận hồ sơ, khiến người dân phải đi lại nhiều lần; thực hiện thêm một số thủ tục hành chính gây trùng lặp về mặt pháp lý; kéo dài thời gian thực hiện thủ tục trái quy định…

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai, tính từ năm 2003 đến năm 2010, các địa phương đã quyết định thu hồi 50.906 ha của 1.481 tổ chức và 598 hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai.

2. Những điểm mới trong Luật Đất đai năm 2013

Nhiều tham luận đã phân tích rõ những nội dung mới quan trọng trong Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai năm 2013 được hoàn thiện trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm năm 2003; thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Hiến pháp năm 2013; nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân. Luật Đất đai năm 2013 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, trong đótrọng tâm là tiếp tục hoàn thiện các công cụ pháp luật, quy hoạch, kinh tế, hành chính và cơ chế theo dõi, giám sát đánh giá phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm từng bước phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch và hiệu quả, trong đó:
Một là, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, đồng thời quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất.

Hai là, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước thông qua việc bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều tra, đánh giá đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, tài chính đất đai để quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội. Bổ sung chế tài xử lý về tài chính đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.

Ba là, tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng "xin - cho" trong sử dụng đất thông qua các quy định: thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và cơ bản chuyển sang thuê đất. Quy định nguyên tắc thị trường trong việc xác định giá đất. Khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Quy định các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể. 

Bốn là, thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm yêu cầu hội nhập và phù hợp với các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Năm là, tăng cường hơn công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai. Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Sáu là, tiếp tục đổi mới công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua các quy định về giá đất bồi thường áp dụng giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất; quy định về điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Bảy là, quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương, như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng; bổ sung quy định chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tám là, nâng cao vai trò giám sát của của các cơ quan nhà nước, của nhân dân; đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai minh bạch, hiệu quả. 

3. Một số vấn đề cần tập trung triển khai để Luật Đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy tiềm năng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Để Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 01-7-2014 đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến đã nêu những nhiệm vụ, giải pháp cần được chú trọng triển khai.

Một là, quán triệt, tuyên truyền một cách có hiệu quả, thiết thực, rộng rãi trong toàn xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau về các nội dung đổi mới của Luật Đất đai nhằm tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện. Tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất; (4) Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (5) Tập trung làm tốt công tác định giá đất.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu thể chế cụ thể những định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Ba là, thực hiện tốt việc rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và lập kế hoạch hằng năm cấp huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Bốn là, tổ chức tốt việc triển khai Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. 
Năm là, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Sáu là, tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Bảy là, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; phân cấp việc quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai và gắn với trách nhiệm giải quyết của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với chủ trương, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và điều kiện cụ thể theo từng giai đoạn; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở; bổ sung các thủ tục còn thiếu và cần thiết, loại bỏ các thủ tục trùng lặp. 

Tám là, tăng cường quản lý và phát triển thị trường bất động sản trong đó, tập trung hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tạo điều kiện để đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; chủ động tạo quỹ đất sạch để điều tiết thị trường. 

Chín là, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai; chú trọng việc đôn đốc xử lý sau thanh tra nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở một số địa phương có nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm. 
Mười là, đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và những tác động của Luật đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu một số ý kiến, đề xuất một số nội dung chính sách đất đai cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, như vấn đề thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài; việc cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân,...

Trong phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hoan nghênh và ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu góp phần làm rõ hơn thực trạng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới. Những vấn đề trao đổi, thảo luận tại Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, lâu dài trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến tham luận, phát biểu tại Hội thảo, tổng hợp thành bộ tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạt động thực tiễn của các cơ quan quản lý và báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị để tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai sớm đưa nghị quyết, pháp luật đất đai vào cuộc sống.

(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền