Tọa đàm khoa học: Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản
(LLCT) - Ngày 2-12-2014, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm khoa học giữa Đoàn các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản và các cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu, giảng dạy của Học viện. Đồng chủ trì Tọa đàm là GS Takashi Shiraishi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản và PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện.
Tại buổi Tọa đàm, GS Takashi Shiraishi đã trình bày bài báo cáo chính về “Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản”, bao gồm: chính sách an ninh và ngoại giao, chính sách kinh tế đối ngoại.
Về chính sách an ninh và ngoại giao, báo cáo nêu rõ, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Ủy ban an ninh quốc gia (NSC) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, có nhiệm vụ nghiên cứu và đưa ra các quyết sách tổng thể liên quan đến chính sách ngoại giao, quốc phòng - an ninh, là kênh liên lạc, trao đổi giữa Nhật Bản và các quốc gia khác.
Về chính sách kinh tế đối ngoại, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xây dựng một đại chiến lược cải cách và phát triển kinh tế đất nước gắn với củng cố an ninh - ngoại giao, với những nội dung quan trọng: Rút dần đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc để chuyển sang các nước khác trong khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, một mặt do tình hình chính trị ở Trung Quốc thiếu ổn định, mặt khác do giá nhân công tại nước này ngày càng tăng cao. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, quan điểm cốt lõi của Nhật Bản là “bảo hiểm rủi ro”, tạo ra và duy trì cán cân sức mạnh ở thế cân bằng, liên kết với các nước khác để tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp; tăng cường hợp tác những lĩnh vực cả hai bên cùng có lợi, đối với những vấn đề còn đang tranh cãi, xung đột lợi ích, Nhật Bản sẽ bảo lưu quan điểm của mình và duy trì những điểm mang tính nguyên tắc.
Việc đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng cho cả những nước được nhận đầu tư và các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhật Bản chú trọng tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) là những thiết chế có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế của chính quyền hiện hành.
Đối với các quốc gia khu vực ASEAN, Nhật Bản ủng hộ hợp nhất và nhất thể hóa với ASEAN, thể hiện rõ trong hiệp định FTA và các hợp tác kinh tế mà đôi bên đã thỏa thuận. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với một số quốc gia như Việt Nam, Inđônêxia, Philíppin,…
Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam là quan hệ chiến lược. Hiện nay, Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề phòng vệ trên biển. Hiện Nhật Bản đang tăng cường đầu tư FDI vào Việt Nam. Tại TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư rất có hiệu quả, đã phát triển thành những khu kinh tế vững mạnh.
Theo GS Takashi Shiraishi, trong thời gian tới, Nhật bản tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác mật thiết với Hoa Kỳ, mặt khác duy trì và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước ASEAN, Ốxtrâylia, Ấn Độ.
Trao đổi về chiến lược ứng phó của Nhật Bản trước chính sách bành trướng về kinh tế của Trung Quốc, GS Shiraishi cho rằng điểm quan trọng nhất trong chính sách phát triển của Trung Quốc hiện nay là kinh tế. Đặc biệt, nổi lên là từ năm 2007, Trung Quốc có những hành động đơn phương tại khu vực Biển Đông đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Ông dự đoán, trong tương lai sẽ không có sự thay đổi căn bản nào trong chính sách của Trung Quốc, tuy nhiên quốc gia này sẽ có nhiều điều chỉnh về chiến thuật, theo hướng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để làm dịu đi mối quan hệ an ninh - quốc phòng theo trục Bắc - Nam. Chính vì vậy, Nhật Bản có xu hướng hợp tác liên kết theo chiều Nam - Nam hoặc Đông - Tây, tạo nên mạng lưới liên kết để đạt hiệu quả cao nhất và tránh xung đột về lợi ích.
Những thông tin do GS Shiraishi cung cấp là nguồn cứ liệu tham khảo hữu ích với các nhà khoa học của Học viện trong quá trình nghiên cứu.
Minh Ngọc – Bảo Ngọc
Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống
- Những điểm mới trong vấn đề kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay
- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Ý nghĩa bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong khơi dậy và thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025
Giới thiệu Tạp chí in
Tin Ảnh
- Hội thảo khoa học “Vai trò, trách nhiệm của hội viên Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2022”
- Toàn cảnh Hội Báo toàn quốc năm 2022 với chủ đề: Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn
Tóm tắt bài Tạp chí in số mới nhất
- Xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Trung Quốc
- Cạnh tranh cường quốc trong chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden
- 75 năm Tuyên ngôn thế giới về quyền con người
- Lý thuyết “Chiều văn hóa” Geert Hofstede và gợi mở cho phát triển văn hóa Việt Nam
- Một số lý luận về mô hình trong nghiên cứu mô hình quản lý phát triển xã hội