Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Phụ nữ, Chính trị và Phát triển - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam
Thứ ba, 23 Tháng 12 2014 16:50
1858 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Phụ nữ, Chính trị và Phát triển - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam

(LLCT) - Ngày 18-12-2014, Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công (WIPPA), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học: Phụ nữ, Chính trị và Phát triển: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam.

Toàn cảnh Tọa đàm: Phụ nữ, Chính trị và Phát triển: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam

Tham dự tọa đàm có Tiến sỹ Ann Graham, giảng viên Đại học Rutgers (Mỹ); bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; GS, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển; PGS, TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên của Học viện.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công nhấn mạnh, nội dung của Tọa đàm nhằm mục đích chia sẻ nhận thức và thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong khu vực công với các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở khu vực công của Việt Nam.

Trình bày kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý khu vực công, Tiến sỹ Ann Graham phân tích, đánh giá sự nhìn nhận của xã hội về vai trò của phụ nữ, đồng thời đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược cho bình đẳng giới trong phát triển. Theo bà, bất bình đẳng giới có căn nguyên từ sự đánh giá thấp của xã hội về vai trò của nữ giới trong đời sống xã hội và đó chính là rào cản phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý khu vực công. Để xã hội phát triển bền vững, có sự công bằng về giới cần thay đổi nhận thức, thái độ của xã hội: coi nữ giới là chủ thể để phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hệ sinh thái; thúc đẩy sự đa dạng và tiến bộ giới trong công sở, tạo môi trường công bằnggiữa nam và nữ trong việc tham gia học tập, lãnh đạo, quản lý khu vực công thông qua hệ thống chính sách, pháp luật; xây dựng chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, chế độ, thời gian lao động, khuyến khích nữ giới làm việc; đưa ra chỉ tiêu về tỷ lệ nữ giới trong lãnh đạo và quản lý cho các bộ, ban, ngành, các địa phương, hướng đến công bằng lợi ích giữa nam và nữ.TS Ann Graham đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý khu vực công: Thứ nhất, nâng cao tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử.Thứ hai, xây dựng cơ quan chuyên nghiên cứu về phụ nữ: nghiên cứu những nhu cầu, lợi ích của phụ nữ, những rào cản đối với sự tham gia của nữ giới trong đời sống kinh tế, chính trị và cải thiện vị trí chính trị - xã hội của phụ nữ; thực thi những chương trình của nữ giới hoặc xây dựng những chính sách lấy nữ giới làm đối tượng.Thứ ba, thực hiện việc đưa giới vào nền quản trị xã hội, nhằm tăng số lượng nữ giới vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khu vực công, các cơ quan dân cử và giúp họ thắng cử, tăng tính giải trình và bình đẳng giới của chính phủ. Thứ tư, lồng ghép giới vào hoạch định, thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng của nữ thông qua các chính sách cụ thể; thu hút phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới trên thế giới, TS Ann Graham cho rằng, ở Mỹ cũng có những định kiến phân biệt nam nữ và Chính phủ Mỹ đã có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề này, như quy định tỷ lệ hạn ngạch nữ giới trong hệ thống bầu cử. Ở nhiều nước, chính phủ thành lập cơ quan chuyên trách để giải quyết các vấn đề của nữ giới. Nhìn chung, mục tiêu chung của tất cả các quốc gia là hướng đến sự bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ giới tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội cao trên mức trung bình. Về mặt pháp lý, Việt Nam cũng có những chính sách, luật và văn bản quy định về vấn đề này.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong triển khai, thực hiện. Vì vậy, cần tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa tới vấn đề bình đẳng giới và sự tham chính của nữ giới tại Việt Nam. Đây không chỉ là vì sự phát triển bền vững của quốc gia, mà còn tạo điều kiện bình đẳng về tinh thần để phụ nữ Việt Nam phát huy được hết khả năng cống hiến của mình.

Lý giải tại sao phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam ít hơn nam giới, GS, TS Lê Thị Quý cho rằng ở Việt Nam định kiến giới với tư tưởng Nho giáo “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề; việc lồng ghép vấn đề giới vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chung chung; chưa có ứng dụng nghiên cứu khoa học về giới vào thực tế; chưa quan tâm đào tạo, tập huấn cho phụ nữ trước và sau khi bầu cử… Đó là những rào cản đối với phụ nữ trong tham gia vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Cung cấp một số thông tin về vấn đề hạn ngạch cho tỷ lệ nữ giới tham gia cơ quan dân cử trên thế giới và tại Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Anhnêu ra những quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề này.Theo bà, những ý kiến phản đối việc quy định hạn ngạch cho tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử xuất phát từ quan niệm:phụ nữ trúng cử vì giới chứ không phải do năng lực, trình độ và quy định tỷ lệ sẽ vi phạm quy tắc dân chủ tự do. Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ nhấn mạnh tới việc sẽ hạn chế các đảng phái chính trị tự giới thiệu ứng viên, do đó không vi phạm quy tắc dân chủ tự do. Tại Việt Nam, tỷ lệ hạn ngạch nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý khu vực công được quy định trong Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước với cáctỷ lệ cụ thể:đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên và nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.Pháp chế hóa chủ trương của Đảng, Luật Bình đẳng giới có quy định tại Điều 11, Khoản 5: bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhiều văn bản dưới luật như Quyết định 2351 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 có quy định phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII là 30% (2011-2016) và trên 35% (2016-2020). Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định, sự thể chế hóa các văn kiện của Đảng vào trong Luật của Việt Nam phù hợp với công ước CEDAW và là hình thức nâng quy định, văn bản dưới luật lên thành luật.

Ủng hộ sự tham chính của phụ nữ và bình đẳng giới trong phát triển, PGS, TS Vũ Mạnh Lợi khẳng định: để Việt Nam có được sự phát triển bền vững, cần phải có sự phát triển công bằng giới. Bình đẳng giới có lợi cho sự phát triển của quốc gia.Ngược lại, bất bình đẳng giới gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Sự tham gia của nữ giới trong các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội rõ ràng có ý nghĩa quan trọng. Tính đại diện này thể hiện sự khách quan trong mọi quyết sách.

Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã làm sáng tỏ thực tế phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong khu vực công tại Việt Nam hiện nay, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề trong xây dựng bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững. 

Nguyễn Lan – Bảo Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền