Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học – thực tiễn: “Đổi mới tổ chức bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền địa phương – Thực tiễn tỉnh Quảng Ninh”
Thứ ba, 06 Tháng 1 2015 11:03
4212 Lượt xem

Hội thảo khoa học – thực tiễn: “Đổi mới tổ chức bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền địa phương – Thực tiễn tỉnh Quảng Ninh”

(LLCT) – Ngày 31-12-2014, tại Quảng Ninh, tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước KX.04.04/11-15 tổ chức hội thảo khoa học – thực tiễn “Đổi mới tổ chức bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền địa phương – Thực tiễn tỉnh Quảng Ninh”. PGS, TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh và GS, TS Nguyễn Đăng Thành, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm đề tài KX.04.04/11-15 đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học đến từ Hội đồng Lý luận trung ương, Học viện Chính trị quốc gia, Học viện Hành chính, Học viện khu vực I, cùng với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: Quá trình đổi mới ở tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên trong bối cảnh phát triển mới, nhiều thách thức nảy sinh, đòi hỏi những giải pháp đột phá, trong đó giải pháp căn bản, có ý nghĩa quyết định là đổi mới tổ chức bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền địa phương, tinh giản bộ máy biên chế, thực hiện cải cách hành chính, tiến tới đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống chính trị địa phương. Quá trình thực hiện nảy sinh những thách thức về lý luận – thực tiễn, bao gồm: đổi mới bảo đảm không vi phạm nguyên lý đồng bộ, hệ thống, không vi hiến hoặc vi phạm các thể chế hiện hành; xác định những phương thức lãnh đạo cần thiết phải nhận thức lại và có khả năng đổi mới để tăng cường năng lực cầm quyền của Đảng; bảo đảm nhất thể hóa có kiểm soát để ngăn ngừa nguy cơ tha hóa quyền lực; thiết kế khung cơ cấu và cơ chế vận hành để phù hợp với đặc điểm từng địa phương và tối ưu hóa lợi ích công. Đồng chí khẳng định đây là những vấn đề phức tạp và bày tỏ mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi của các nhà khoa học tại Hội thảo để gợi mở những hướng giải quyết thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh.

Từ góc độ nghiên cứu lý luận, nhiều nhà khoa học nhận định quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh là đáng ghi nhận và có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình đổi mới đất nước. GS, TS Nguyễn Đăng Thành khẳng định, nhu cầu đổi mới bộ máy Đảng, bộ máy nhà nước là nhu cầu thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường năng lực cầm quyền và văn hóa cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. PGS, TS Đinh Xuân Thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định tính hợp hiến của Đề án 25, nội dung đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị là sự cụ thể hóa của Chương 9 trong Hiến pháp về Tổ chức Hội đồng nhân dân. Đồng tình với ý kiến trên, PGS, TS Vũ Hoàng Công, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị - Học viện Chính trị quốc gia cho rằng Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh là một thử nghiệm chính trị - hành chính rất đáng chú ý đối với cả nước, phù hợp với xu thế chính trị đương đại và đóng góp vào lý luận và thực tiễn đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cũng đưa ra những gợi mở, đề xuất mở rộng hướng nghiên cứu đối với đề tài. PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I và PGS. TS Đinh Xuân Thảo cùng nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực trong quá trình nhất thể hóa hệ thống chính quyền địa phương, ngăn ngừa lạm quyền, tha hóa quyền lực thông qua hệ thống cơ sở Đảng, truyền thông, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức xã hội khác. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ hơn vai trò cá nhân người lãnh đạo cũng như vấn đề bỏ phiếu bầu trực tiếp. Bổ sung các ý kiến trên, PGS, TS Lê Chi Mai, Học viện Hành chính phân tích nguy cơ giảm sút vai trò giám sát của tổ chức Đảng, hoặc Đảng bao biện, làm thay chính quyền khi thực hiện cơ chế kiêm nhiệm, người đứng đầu tổ chức Đảng lại đồng thời là người nắm quyền quyết định trong tổ chức chính quyền. Cần xem xét cụ thể nội dung chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và ảnh hưởng đến công tác Đảng hoặc nội dung quản lý nhà nước trước khi quyết định hợp nhất các cơ quan có cùng tính chất hoạt động; tránh hợp nhất mang tính cộng dồn cơ học mà cần đảm bảo tối ưu hóa hoạt động nhưng vẫn giữ vững vai trò của từng chủ thể trong hệ thống chính trị - hành chính nhà nước; về phía người kiêm nhiệm, cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ trong Đảng, nguyên tắc phê bình và tự phê bình.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học – thực tiễn “Đổi mới tổ chức bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền địa phương – Thực tiễn tỉnh Quảng Ninh”

Về tình hình thực tế thực hiện đổi mới tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền tại địa phương, theo đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: tỉnh đã nghiêm túc quán triệt và triển khai Kết luận số 64-KL/TW, ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU và Chỉ thị số 25-CT/TU về Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế ở các huyên, thị, thành phố trong tỉnh. Thực hiện rà soát tổng thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, kiện toàn, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; thí điểm một số mô hình mới; đẩy mạnh tinh giản biên chế và đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức quần chúng. Đánh giá sơ bộ, cho đến nay toàn tỉnh đã tinh giản được gần 70 đơn vị thuộc cấp ủy, tinh giản gần 4000 biên chế do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tăng cường tự chủ kinh phí, giảm chi thường xuyên khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ lãnh đạo các cơ quan chức năng, đơn vị chính quyền của tỉnh Quảng Ninh, như: lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, các đồng chí đại diện cấp ủy thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên, trình bày những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Đề án 25 của tỉnh và quyết tâm thực hiện thành công đổi mới tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền địa phương. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Móng Cái báo cáo tại Hội thảo về kinh nghiệm của Thành ủy địa phương trong đổi mới tổ chức Đảng và chính quyền: Thành phố đã chủ động thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập các đơn vị, chức danh theo thẩm quyền được quy định, đề xuất với Tỉnh ủy cho thí điểm nhất thể hóa các chức danh: Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Thủ trưởng cơ quan Nội vụ, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là Chánh thanh tra, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…; thí điểm một số mô hình hợp nhất cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan chuyên môn chính quyền. Kinh nghiệm của thành ủy Móng Cái trong khắc phục nguy cơ chuyên quyền, độc đoán của người lãnh đạo là phân định rõ ràng thẩm quyền quyết định giữa Đảng và Nhà nước để chủ động giải quyết, tránh tình trạng lấn sân, chồng chéo; tăng cường cơ chế để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp ủy và chính quyền địa phương.

GS, TS Nguyễn Đăng Thành kết luận, đổi mới mô hình tổ chức Đảng và chính quyền là vấn đề của nhiều quốc gia, hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đề án 25 của Tỉnh ủy Quảng Ninh là  sáng kiến chính trị - hành chính mang tính xuyên phá, là bước đi thiết thực trong đổi mới hệ thống chính trị tại địa phương cũng như xây dựng cơ sở thực tiễn cho cả nước, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết căn cơ, cụ thể hơn để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Lê Minh Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền