Trang chủ    Tin tức    Phái đoàn Tổng Vụ Hợp tác phát triển quốc tế - Ủy ban châu Âu thăm và tọa đàm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ năm, 12 Tháng 2 2015 15:26
1714 Lượt xem

Phái đoàn Tổng Vụ Hợp tác phát triển quốc tế - Ủy ban châu Âu thăm và tọa đàm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) – Ngày 10-2-2014, phái đoàn Tổng Vụ Hợp tác Phát triển quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu do Ngài Marcus Cornaro, Phó Tổng Vụ trưởng dẫn đầu đã đến thăm và có buổi tọa đàm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Hợp tác phát triển trong bối cảnh hậu 2015 và quan hệ hợp tác EU - Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, ngài Marcus Cornaro bày tỏ niềm vui khi được quay trở lại Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao EU - Việt Nam (1990-2015). Trước đó, ngài Marcus Cornaro là Đại sứ của EU tại Việt Nam trong thời gian từ 2003 đến 2007 và đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Thuyết trình tại buổi tọa đàm, ngài Marcus Cornaro cung cấp nhiều thông tin chi tiết và bổ ích về Chương trình nghị sự hậu 2015 nối tiếp các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Năm 2015 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời hạn kết thúc Chương trình Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, chuẩn bị cho một giai đoạn mới với chương trình nghị sự toàn cầu mới “Hậu 2015”.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là xu thế tất yếu khách quan. Từ những cơ hội phát triển, đến những thách thức cùng phải giải quyết như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố,… đều cần có sự hợp sức của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tinh thần của Chương trình nghị sự hậu 2015 chính là tạo ra những giải pháp áp dụng cho tất cả các quốc gia, dựa trên bối cảnh cụ thể của từng quốc gia để thực hiện những cam kết cụ thể ở phạm vi toàn cầu, nhằm tạo nên những thay đổi toàn diện, đồng bộ.

Về hợp tác phát triển chung của EU trong bối cảnh hậu 2015

Ngài Marcus Cornaro khẳng định quan điểm của EU vẫn luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào chương trình MDG, đặc biệt, viện trợ phát triển vẫn là mục tiêu quan trọng của EU, được đại đa số công dân EU đồng tình ủng hộ, dù đang trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện thời. EU đã xác định năm 2015 là năm Phát triển của châu Âu, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của công dân về chia sẻ trách nhiệm và tăng cường viện trợ.

Ngài Cornaro cũng khẳng định, khối EU ủng hộ và tích cực thúc đẩy một nền quản trị quốc gia hiệu quả và coi đó là trung tâm của chính sách phát triển EU. Trong giai đoạn 2005-2009, EU đã cam kết hỗ trợ khoảng 9 tỷ euro trong lĩnh vực quản trị, bao gồm các hoạt động pháp luật, hành chính nhà nước, củng cố các tổ chức xã hội, giải quyết xung đột, v.v.. Dự kiến trong giai đoạn tới, mức hỗ trợ cam kết này vẫn được duy trì ở mức khoảng 1 tỷ euro mỗi năm, nhằm mang lại hỗ trợ cho nhiều quốc gia hơn.

Về quan hệ hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam

Ngài Marcus Cornaro đánh giá, đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, và mối quan hệ chặt chẽ với liên minh châu Âu có thể giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách kinh tế. Trong những năm tới, EUsẽtập trung vào hỗ trợViệt Namphát triển năng lượng bền vững và quản trị- pháp quyền theo hướng đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, với tổng số 400 triệu euro trong giai đoạn2014 đến 2020.

Trao đổi với các nhà khoa học tại Học viện về vấn đề quản trị, ngài Cornaro chia sẻ kinh nghiệm của EU, trong đó nhấn mạnh quản trị tốt chính là động lực để quốc gia nhanh chóng hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng cơ hội đầu tư. Để thực hiện tốt điều này, Việt Nam cần chú trọng hình thành trách nhiệm giải trình của bộ máy hành chính công đối với công chúng, xây dựng thể chế và tạo lập cơ chế tương tác hiệu quả với công dân. Tính hiệu quả trong thực thi công vụ cũng là một vấn đề quan trọng, theo đó, bộ máy chính quyền cần có đủ năng lực để phản ứng nhanh, thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế, trong đó các tổ chức xã hội, các thể chế trong và ngoài nhà nước đều góp phần quan trọng, hợp tác với nhau để thực thi nền quản trị quốc gia.

Ngài Cornaro cũng chia sẻ thêm tại tọa đàm về kinh nghiệm của EU trong giải quyết vấn đề năng lượng. Hiện EU đang xây dựng dự án bảo đảm an ninh năng lượng dựa trên năng lượng xanh và tăng trưởng xanh, đây cũng là hướng đi phù hợp trong tương lai đối với mọi quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đối với khu vực ASEAN, có thể xây dựng một khuôn khổ chung để phát triển an ninh năng lượng như chia sẻ nguồn thủy năng và bảo vệ môi trường. Ngài Cornaro cũng bày tỏ quan ngại của EU đối với vấn đề an ninh tại khu vực Biển Đông và khẳng định EU luôn nhất quán ủng hộ các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, PGS, TS Thái Văn Long khẳng định năm 2015 đánh dấu những bước chuyển lớn của cả EU và Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và hy vọng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng Tổng Vụ Hợp tác Phát triển quốc tế của EU sẽ có thêm nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.

Minh Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền