Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Nền công vụ của Cộng hòa Pháp
Thứ sáu, 27 Tháng 3 2015 10:33
2696 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Nền công vụ của Cộng hòa Pháp

(LLCT) - Ngày 24-3-2015, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội), Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học: Nền công vụ của Cộng hòa Pháp.

Tham dự Tọa đàm có PGS, TS Trịnh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Ngài Jean Francois Verdier, Thanh tra cao cấp Cộng hòa Pháp cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS Trịnh Đức Thảo nhấn mạnh, Việt Nam và Pháp là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về nền công vụ, nhất là trong hệ thống công chức theo ngạch, đồng thời nền công vụ của hai nước đang có sự đổi mới một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Những năm gần đây, Cộng hòa Pháp chú trọng xây dựng đội ngũ công chức chất lượng, hiệu quả và đơn giản trên cơ sở cải cách chế độ nhân sự, trong đó có đội ngũ công chức. Thực tiễn công vụ của Pháp có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng chế độ công vụ của Việt Nam hiện nay.

Tại buổi Tọa đàm, Ngài Jean Francois Verdier mô tả rõ tình hình thực tiễn của công vụ Pháp, đồng thời giới thiệu những cải cách mà Pháp thực hiện để tháo gỡ khó khăn trong việc quản lý nhân sự nhằm xây dựng đội ngũ công chức chất lượng, hiệu quả và tinh gọn. 

Là quốc gia duy nhất ở châu Âu đi theo mô hình công vụ chức nghiệp, công chức Pháp có các ngạch tương ứng với năng lực và việc làm cụ thể đối với mỗi nhánh công vụ nhất định (Nhà nước Trung ương, địa phương và y tế). Pháp có số lượng công chức lớn (chiếm 1/5 lao động), song là nước có dân số già nên độ tuổi trung bình của người làm việc cao (48 tuổi). Số lượng lớn nhân viên nghỉ hưu ồ ạt của thế hệ bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới thứ II cùng với việc phân quyền mạnh giữa nhánh công vụ địa phương và Trung ương từ năm 1982 trở lại đây đã làm thay đổi các vị trí việc làm hiện tại và nảy sinh những vấn đề như: có sự thay đổi trong nhu cầu và mong muốn của thế hệ nhân viên, phổ biến hệ thống tin học và công nghệ mới làm thay đổi phương pháp làm việc... đòi hỏi cần hiện đại hóa công tác quản lý nhân sự trong nền công vụ chức nghiệp của Pháp. Đứng trước yêu cầu thực tiễn, Pháp thực hiện cải cách nền công vụ trên các phương diện:

-         Đơn giản hóa và đa dạng hóa công tác tuyển dụng bằng việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ ban giám khảo tuyển dụng, sửa đổi tổng thể nội dung thi tuyển, tăng cường việc thừa nhận kinh nghiệm cá nhân và tạo điều kiện cho tuyển dụng công chức trong nhánh công vụ địa phương.

-         Hợp lý hóa công tác đào tạo thông qua việc quy chuẩn các quy định về đào tạo ban đầu và đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo; tăng cường thực hiện công tác quản trị liên bộ và tính bổ trợ giữa các cơ sở đào tạo; phát triển lớp học từ xa qua mạng; cá thể hóa và tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo của các chương trình đào tạo…

-         Cá thể hóa công tác quản lý nhân sự về thu nhập và đánh giá, thay đổi cách tính lương cho cán bộ, công chức thông qua thay đổi cách thức đánh giá công chức. Hình thức phỏng vấn nghề nghiệp dần thay thế cho hình thức phỏng vấn đánh giá và chấm điểm trước đây, công chức được đánh giá theo từng bậc, từ cán bộ quản lý trực tiếp tới cán bộ quản lý cấp cao. Thang đánh giá được xây dựng trên hệ thống tiêu chí cụ thể về hiệu quả công việc, các hoạt động xã hội, năng lực, nguyện vọng… của công chức, thiết lập mối liên hệ giữa đánh giá và điều chỉnh mức thưởng đối với công chức. Các quy định thưởng và phụ cấp của công chức điều chỉnh dựa vào mức độ trách nhiệm, trình độ chuyên môn, chức danh đảm nhiệm của công chức.

-         Thực hiện điều chỉnh cơ cấu việc làm thông qua việc sáp nhập các ngành, triển khai quy trình vị trí việc làm mới và đổi mới các quy định trong luân chuyển công tác của công chức.

Nhằm hướng tới một mô hình công vụ công bằng, bình đẳng và bền vững, Pháp đưa ra dự thảo Luật về đạo đức nghề nghiệp và các quyền, nghĩa vụ của công chức, trong đó mục tiêu chính là củng cố các giá trị và đạo đức nghề nghiệp, hiện đại hóa quyền và nghĩa vụ của công chức, tái khẳng định nghĩa vụ vai trò là tấm gương của người lãnh đạo.

Việc kiểm soát nền hành chính của Pháp được thực hiện thông qua hệ thống tòa án hành chính, gồm: hệ thống kiểm soát nội bộ của cơ quan, đơn vị; Thanh tra; Tòa thẩm kế và Nghị viện. Trong đó, hệ thống kiểm soát nội bộ được xây dựng và vận hành theo quy chế của từng cơ quan, đơn vị; cơ quan thanh tra thực hiện kiểm soát theo từng ngành nghề nhất định và phụ trách công việc kiểm soát  thay cho bộ trưởng đối với các đơn vị trực thuộc; Tòa thẩm kế thực hiện các vai trò chuyên biệt: đánh giá tính hợp pháp của các khoản tài chính công, kiểm soát việc sử dụng và quản lý nguồn ngân sách, chứng nhận tính hợp pháp với các thông tin ngân sách của Nhà nước, kiểm tra luật tài chính thường niên và các luật cấp vốn cho bảo hiểm xã hội, hỗ trợ chung cho Nghị viện trong công tác kiểm soát hoạt động của Chính phủ. Hầu hết các cơ quan hành chính không thực hiện việc kiểm soát.

Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm của các nhà khoa học đã phân tích, làm sáng tỏ thêm những điểm tương đồng, những kinh nghiệm của Pháp mà Việt Nam có thể vận dụng đối với việc cải cách nền công vụ của Việt Nam hiện nay.

Nguyễn Thị Lan

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền